Trong tổng số 9 lĩnh vực của ĐH Duy Tân được Tổ chức QS World Rankings by Subjects xếp hạng ngày 22-3-2023, lĩnh vực Khoa học Môi trường (Environmental Sciences) của trường được xếp ở vị trí thuộc Top 401-450.
ĐH Duy Tân và ĐH Quốc gia TP.HCM cùng xếp ở nhóm 401-450 thế giới cho lĩnh vực Khoa học Môi trường (QS 2023)
Đây là một ghi nhận vô cùng đáng trân trọng cho quá trình nỗ lực của thầy và trò ĐH Duy Tân trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều nét đặc trưng và nổi bật ở lĩnh vực môi trường.
Đón đầu làn sóng nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhiều ngành nghề của ĐH Duy Tân hiện đảm bảo 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, trong đó có các ngành về Khoa học Môi trường. Sinh viên Duy Tân ngành này ngay khi tốt nghiệp thường nhận được mức thu nhập cao, giao động từ 10-12 triệu đồng/tháng. Rất nhiều doanh nghiệp đang và sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Duy Tân tốt nghiệp như:
- Công ty Công nghệ Môi trường MD (Quảng Ngãi),
- Công ty TNHH EUC (Bình Dương),
- Công ty Wordtech (Đà Nẵng),
- Công ty Nam Đà Thành (Đà Nẵng),
- Công ty Nhật Thành Vinh (Đà Nẵng), …
Điều này càng khẳng định hướng đi tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp xã hội trong lĩnh vực Môi trường của ĐH Duy Tân là đúng đắn và ngày một hiệu quả.
Các phòng thí nghiệm tại ĐH Duy Tân được trang bị đầy đủ vật dụng, phục vụ nhiều loại thí nghiệm
Để có được thành quả này, trong suốt quá trình đào tạo, ĐH Duy Tân đã xây dựng đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm được đào tạo và tốt nghiệp từ các nước phát triển như Pháp, Đức, Bỉ, Hàn Quốc,… để truyền đạt cho sinh viên đầy đủ các kiến thức và kỹ năng trong việc:
- Phân tích, đánh giá về quản lý và vận hành công nghệ;
- Thiết kế, tư vấn kỹ thuật và công nghệ;
- Thi công, giám sát dự án;
- Vận hành các hệ thống xử lý chất thải khác nhau: nước thải, khí thải, chất thải rắn;
- Nhận biết, đánh giá các mối quan hệ tương tác giữa các nguồn tài nguyên với các hoạt động kinh tế và xã hội; …
Lợi thế của sinh viên ngành Môi trường ở ĐH Duy Tân còn là việc được tiếp cận học tập theo mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate hay Hình thành Ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành).
Mô hình đã được đã được áp dụng rất thành công trong giáo dục công nghệ và kỹ thuật tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, giúp sinh viên theo học cảm thấy gắn bó và yêu thích các môn học, chủ động và tích cực trong học tập, nắm chắc kiến thức theo chiều rộng và chiều sâu.
Trên thực tế, TS. Trần Nhật Tân, Hiệu phó ĐH Duy Tân hiện đang là đại diện vùng Châu Á-Thái Bình Dương, duy nhất của Việt Nam trong hội đồng chuyên môn của Hiệp hội CDIO thế giới.
Nghiên cứu thực tế để am hiểu sâu về môi trường
Các giảng viên ngành Môi trường của DTU, sau nhiều năm đi làm Tiến sĩ, PostDoc, hay trao đổi giảng dạy ở các đại học lớn của thế giới, khi trở về ĐH Duy Tân thường áp dụng lối giảng dạy thực tiễn hoàn toàn mới.
Đó là đưa sinh viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và làm việc trong môi trường thực tế từ rất sớm để sớm nắm bắt những hiện trạng thực tế của môi trường, đồng thời có thể luôn đưa ra được các hướng xử lý hợp lý.
TS. Nguyễn Thị Minh Phương (bên trái ảnh trên) khảo sát trên sông Thu Bồn và các hoạt động thực tế của sinh viên ngành Môi trường
TS. Nguyễn Thị Minh Phương - giảng viên ngành Khoa học Môi trường của ĐH Duy Tân qua nhiều năm đã được biết đến là một nhà nghiên cứu đầy tâm huyết với các vấn nạn môi trường thực tế.
Không khó để bắt gặp cô đang khảo sát trên sông Thu Bồn, biển Hội An,… để tìm hiểu và đưa ra những ý kiến xác đáng và cần thiết cho các vấn đề về xây dựng kè ngầm chắn sóng hay chống xói lở ở bờ biển hay trên sông.
Các giảng viên của trường vừa đứng lớp vừa tham gia vào rất nhiều nghiên cứu để giải quyết các vấn đề môi trường như: Xử lý rác thải sinh hoạt; Xử lý nước thải dệt nhuộm, nước thải thủy sản; Đánh giá chất lượng môi trường biển sau sự cố Formosa, …
Hay gần đây nhất là các nghiên cứu, tư vấn cho thành phố Đà Nẵng về các vấn đề rất nóng bỏng như: Sạt lở, xói mòn bãi biển; Nhiễm mặn nước ngầm; Tài nguyên nước các mùa khô hạn; …
Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các giảng viên cùng sự hỗ trợ đắc lực của các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, sinh viên Duy Tân đã phát huy sự sáng tạo trong việc nghiên cứu những mô hình sản xuất thử nghiệm và đã thu được nhiều kết quả nghiên cứu rất khả quan, tiêu biểu trong số đó là các dự án:
- Sản xuất Bê tông sinh học từ vỏ dừa và trấu,
- Sản xuất dầu Diesel sinh học từ dầu ăn thải,
- Thiết kế mô hình xử lý nước thải bằng thực vật thủy sinh, Chitosan từ vỏ tôm,
- Chuyển đổi chất thải rắn thành các sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày,
- Sản xuất dầu Diesel sinh học từ dầu hạt cao su, ...
Ngoài ra, sinh viên ngành Môi trường của ĐH Duy Tân còn có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các bạn sinh viên trường Singapore Polytechnic khi cùng nhau đến các khu vực sản xuất, các làng nghề truyền thống như: làng dệt, đúc đồng Phước Kiều, làng Mây tre đan của tỉnh Quảng Nam, làng Mỳ Quảng - Bánh tráng Túy Loan tại Tp. Đà Nẵng,… để nghiên cứu cách thức giúp nâng cao năng xuất, cải thiện quy trình làm nghề bên cạnh việc lên phương án giúp xử lý các vấn đề môi trường ở những nơi đó.
Nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế cho sinh viên Môi trường DTU
Từ những hoạt động nghiên cứu thực tế về môi trường, sinh viên Duy Tân đã lên ý tưởng, triển khai thực hiện các dự án và tham gia rất nhiều các cuộc thi quốc gia và quốc tế với những dự án đó. Ở mỗi sân chơi, các bạn đều thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ và tài năng của sinh viên ĐH Duy Tân.
Những giải thưởng quốc tế lớn của sinh viên Môi trường của ĐH Duy Tân
Ngay từ năm 2013, sinh viên Duy Tân đã ghi dấu ấn ở các cuộc thi lớn được tổ chức tại Mỹ cùng nhiều giải thưởng khác, tiêu biểu có:
- Dự án "Sản phẩm lọc nước giá rẻ tự làm dành cho người dân vùng nông thôn" của sinh viên Võ Trương Hoàng Linh và Nguyễn Thế Quỳnh Nhi đã xuất sắc được vinh dự giành Cúp vô địch CDIO Academy 2013 (Winner's Cup) cho cả hai danh mục dự án cơ sở và nâng cao (Basic Projects & Advanced Projects). Cuộc thi được tổ chức tại ĐH Harvard và Học viện MIT, Mỹ.
- Sản phẩm "Hệ thống phanh tái tạo chuyển đổi ma sát thành điện năng" của sinh viên Đoàn Thị Thu Hà và Nguyễn Thị Thanh giành giải thưởng danh giá Women in Business tại Vòng chung kết Cuộc thi Go Green in The City 2018 được tổ chức tại Atlanta, Mỹ.
- Dự án "G-Hug" (Sản phẩm tái sử dụng từ cao su) của nhóm Lambo Teamsau giành giải Ba toàn quốc cùng 2 giải thưởng phụ là: "Giải Dự án được yêu thích nhất", và "Giải thưởng cổ vũ xuất sắc nhất" tại vòng Chung kết "ECO-n 2021", …
Các nghiên cứu của sinh viên ngành Môi trường ở ĐH Duy Tân đã cho thấy nhận thức rất nhanh nhạy trước thực tế cuộc sống và cũng là mong ước của các bạn trẻ Duy Tân trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến Khoa học Môi trường và Quản lý Tài nguyên - vốn đã và đang là những vấn đề vô cùng "nóng" ở Việt Nam.
(Nguồn: https://tuoitre.vn/nganh-moi-truong-cua-dh-duy-tan-thuoc-top-401-450-theo-qs-world-rankings-by-subjects-2023-20230506205940824.htm)