Cùng với công bố bảng xếp hạng các trường đại học (ĐH) tốt nhất thế giới năm 2023, Tổ chức Times Higher Education (THE) đã đưa ra xếp hạng lĩnh vực của các đại học trong năm này. Ngoài 4 lĩnh vực đã được THE xếp hạng năm 2022, ĐH Duy Tân có thêm lĩnh vực Kinh tế & Quản trị được xếp hạng trong năm 2023, cụ thể xếp ở vị trí 301-400 thế giới.
Ở lĩnh vực Kinh tế & Quản trị năm 2022, Việt Nam có 2 trường được xếp hạng là Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2023, đã có 4 trường được THE xếp hạng, ở các vị trí:
1. Trường ĐH Duy Tân: vị trí 301-400 thế giới,
2. Trường ĐH Tôn Đức Thắng: vị trí 301-400 thế giới,
3. ĐH Quốc gia Hà Nội: vị trí 501-600 thế giới,
4. ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: vị trí 801+ thế giới.
Chỉ có 870 trường đại học trên toàn thế giới được THE xếp hạng ở lĩnh vực Kinh tế & Quản trị. THE đánh giá các trường đại học theo thành tích của họ trong các lĩnh vực sau: Kinh doanh và Quản lý, Kế toán và Tài chính, Kinh tế và Toán Kinh tế.
Lĩnh vực Kinh tế & Quản trị của Việt Nam
trên bảng xếp hạng Times Higher Education
ĐH Duy Tân hiện đang đào tạo đa dạng các ngành nghề và bậc học trong lĩnh vực này.
Bậc Đại học có các ngành:
• Quản trị Kinh doanh (QTKD) với các chuyên ngành: QTKD Tổng hợp, QTKD Bất động sản, QTKD Quốc tế (Ngoại thương), QTKD chuẩn PSU (chương trình Tiên tiến và Chất lượng Cao)
• Thương mại Điện tử; Quản trị Nhân lực,
• Marketing (Tiếp thị) với các chuyên ngành: QTKD Marketing, Digital Marketing Kinh doanh Thương mại,
• Tài chính-Ngân hàng với các chuyên ngành: Tài chính Doanh nghiệp, Ngân hàng, Tài chính-Ngân hàng chuẩn PSU (chương trình Tiên tiến và Chất lượng Cao)
• Kinh tế Đầu tư với chuyên ngành: Đầu tư Tài chính
• Kế toán với các chuyên ngành: Kế toán Doanh nghiệp, Kế toán Nhà nước, Kế toán chuẩn PSU (chương trình Tiên tiến và Chất lượng Cao)
• Kiểm toán, Quản trị Doanh nghiệp (HP - chương trình Tài năng); Quản trị Marketing & Chiến lược (HP - chương trình Tài năng); Quản trị Tài chính (HP - chương trình Tài năng); Logistics & Quản lý Chuỗi cung ứng (HP - chương trình Tài năng); Kế toán Tài chính (HP - chương trình Tài năng).
Đảm bảo đào tạo các ngành học này đạt chất lượng cao, ĐH duy Tân đã ký kết với ĐH Bang Pennsylvania (PSU) - là 1 trong 50 trường đào tạo các ngành Kinh tế - Quản trị hàng đầu của Mỹ (theo U.S. News 2022) để tiếp nhận chuyển giao chương trình đào tạo các ngành Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính-Ngân hàng. Tốt nghiệp từ các chương trình Tiên tiến và Chất lượng Cao này, sinh viên khối ngành Kinh tế - Quản trị của ĐH Duy Tân sẽ nhận được từ 19-21 chứng chỉ hoàn tất môn học có giá trị quốc tế do ĐH Bang Pennsylvania cấp.
Đặc biệt, là trường đại học ngoài công lập đầu tiên được phép đào tạo Tiến sĩ, ĐH Duy Tân đang triển khai đào tạo trình độ Tiến sĩ cùng Thạc sĩ các ngành Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính Ngân hàng thuộc lĩnh vực này. Đào tạo tăng tiến bậc học ngay tại trường mang đến cơ hội cho sinh viên tiếp tục học tập nâng cao bằng cấp với quá trình tích lũy kiến thức ngày càng sâu rộng để có nhiều thuận lợi trong công việc ở tương lai.
Ở các lĩnh vực khác, ĐH Duy Tân vẫn giữ vững vị trí trên bảng xếp hạng THE như năm 2022. Cụ thể:
• Lĩnh vực Khoa học Máy tính xếp vị trí 251-300,
• Lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ xếp vị trí 251-300,
• Lĩnh vực Y tế Sức khỏe xếp vị trí 176-200,
• Lĩnh vực Khoa học Vật lý xếp vị trí 201-250.
Năm 2023, có 1.799 cơ sở giáo dục trên thế giới được THE xếp hạng, tăng 136 cơ sở so với năm 2021 là 1.662. Việt Nam có 6 trường đại học được xếp hạng, cụ thể:
1. Trường ĐH Duy Tân: vị trí 401-500,
2. Trường ĐH Tôn Đức Thắng: vị trí 401-500,
3. ĐH Quốc gia Hà Nội: vị trí 1.001-1.200,
4. Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: vị trí 1501+,
5. ĐH Huế: vị trí 1501+,
6. ĐH Quốc gia Tp. HCM: vị trí 1501+.
Các trường đại học của Việt Nam
trên bảng xếp hạng Times Higher Education
Được công bố lần đầu vào năm 2004, cho đến nay THE được công nhận là một trong những bảng xếp hạng uy tín đánh giá chân thực chất lượng của trường đại học trên toàn thế giới. Xếp hạng đại học thế giới theo THE được tính theo 5 "trụ cột" bao gồm tập hợp các chỉ số đại diện cho các tiêu chí đánh giá chính đối với một cơ sở giáo dục xuất sắc. Cụ thể mỗi chỉ số được kết hợp bằng cách sử dụng các trọng số sau:
+ Trụ cột giảng dạy (30%)
- Tỉ lệ đào tạo tiến sĩ tốt nghiệp/cử nhân tốt nghiệp: 2,25%
- Tỉ lệ đào tạo tiến sĩ tốt nghiệp/giảng viên: 6%
- Danh tiếng về giảng dạy: 15%
- Thu nhập trung bình của đội ngũ: 2,25%
- Tỉ lệ sinh viên/giảng viên: 4,5%
+ Trụ cột nghiên cứu (30%)
- Tỉ lệ công bố khoa học/giảng viên: 6%
- Tỉ lệ thu nhập từ nghiên cứu/giảng viên: 6%
- Danh tiếng về nghiên cứu: 18%
+ Trụ cột trích dẫn khoa học (30%)
- Tác động của trích dẫn khoa học: 30%
+ Trụ cột nguồn thu từ doanh nghiệp (2,5%)
- Tỉ lệ thu nhập từ chuyển giao tri thức/giảng viên: 2,5%
+ Trụ cột tầm nhìn quốc tế (7,5%)
- Phần trăm giảng viên quốc tế: 2,5%
- Đồng tác giả quốc tế: 2,5%
- Phần trăm sinh viên quốc tế: 2,5%