Trong khi đó, theo thông tư ban hành ngày 4.7.2013, đối tượng 04 được bổ sung thêm “con của người làm nghĩa vụ quốc tế”. Thông tư ban hành không có hướng dẫn kèm theo, nên các trường đều bối rối khi xử lý từ cuối mùa tuyển sinh 2013. Đến năm 2014, thông tư sửa đổi bổ sung quy chế ghi: Thí sinh là con của người làm nghĩa vụ quốc tế và người có công giúp đỡ cách mạng “phải nộp bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên là quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với người có công của cơ quan có thẩm quyền”. Dù quy chế đã được bổ sung, nhưng ông Châu Minh Quí vẫn cho rằng rất khó: “Cơ quan có thẩm quyền ở đây vẫn là một khái niệm quá chung, vì dù ở cấp bộ hay cấp phường đều được xem là cơ quan có thẩm quyền. Đó là chưa nói, giấy chứng nhận này phải do cơ quan có chuyên môn nào cấp?”.
Bổ sung điểm này, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ nói: “Giấy chứng nhận trợ cấp, phụ cấp với người có công chỉ đúng với đối tượng người có công với cách mạng mà không phù hợp với người tham gia nghĩa vụ quốc tế. Có rất nhiều người từng tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, được cấp nhiều huân/huy chương và giấy chứng nhận nhưng trở về không được hưởng trợ cấp gì”.
Phụ huynh T.V.T (ngụ Q.6, TP.HCM) cho biết từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Campuchia, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, bằng khen của Bộ Quốc phòng, Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế, có lý lịch quân nhân… Tuy nhiên, đại diện một trường ĐH tại TP.HCM cho biết nếu chiếu theo quy chế, con ông T. không được hưởng ưu tiên theo đối tượng 04 vì ông không có quyết định trợ cấp, phụ cấp với người có công. Nhưng khi mang các giấy tờ này đến hỏi một trường ĐH ngoài công lập khác tại TP.HCM thì ông T. được tư vấn cứ khai hồ sơ theo đối tượng ưu tiên 04!
Hiểu sao cũng được
Những sửa đổi về khu vực ưu tiên cũng đang khiến các trường và sở GD-ĐT “đau đầu”. Điển hình nhất là quy định cho phép xác định khu vực 1 kết hợp giữa hộ khẩu thường trú và trường THPT.
Theo quy định cũ, khu vực ưu tiên của thí sinh được tính theo khu vực trường THPT nơi thí sinh học tập liên tục và tốt nghiệp. Năm nay, theo quy chế mới, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại xã thuộc khu vực 1 nhưng học tập tại trường THPT của huyện có xã đó thì vẫn được hưởng ưu tiên khu vực 1. Tuy nhiên, theo đại diện các trường quy định này không rõ ràng khiến có thể hiểu theo 2 cách: “huyện có xã đó” tính theo xã trong hộ khẩu thường trú của thí sinh hoặc xã thuộc khu vực 1 tại huyện nơi thí sinh học tập.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ phân vân: “Nếu thí sinh có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực 1 của huyện A nhưng học tập tại trường THPT của huyện B, vậy tính ưu tiên khu vực ra sao?”. Trước giả thiết này, ông Nguyễn Đức Hoài, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên (Sở GD-ĐT Ninh Thuận) cho rằng có thể hiểu theo 2 cách. Theo cách hiểu thứ nhất, dù huyện B không có xã thuộc khu vực 1 nhưng tính theo xã khu vực 1 trong hộ khẩu thường trú thì thí sinh vẫn được hưởng ưu tiên này. Cách hiểu thứ hai, dù xã theo hộ khẩu thường trú của thí sinh không thuộc khu vực 1 nhưng chỉ cần huyện nơi trường THPT thí sinh học có 1 xã nào đó thuộc khu vực 1, thì thí sinh vẫn được hưởng ưu tiên.
Còn thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lại ưu tư: “Đến thời điểm này Bộ vẫn chưa công bố được danh mục khu vực ưu tiên tuyển sinh đầy đủ và chính xác để thí sinh tham khảo. Thông tin trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ có rất nhiều sai sót. Nhưng ngoài sách này ra thí sinh không biết tra cứu ở đâu về khu vực ưu tiên của mình”. Ông Nguyễn Đức Hoài thì cho rằng những sai lệch về khu vực ưu tiên này còn kéo theo hàng loạt những sai sót khi khai đối tượng ưu tiên của thí sinh.
Với nhiều điều còn bỏ ngỏ trong quy chế tuyển sinh như trên, đại diện các trường, sở đều cho rằng Bộ cần sớm có hướng dẫn, bổ sung thông tin chính xác và đầy đủ tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Hà Ánh