Ông Ga cho biết, tính đến thời điểm này, đã có nhiều trường dự kiến tự chủ tuyển sinh theo nhiều phương án. Ông cũng cho biết, các trường đang chuẩn bị đề án để trình Bộ. Nếu các phương án đạt yêu cầu, bắt đầu từ năm 2014, các trường sẽ thực hiện đổi mới tuyển sinh.
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) đổi mới tuyển sinh theo phương thức thêm kỳ thi đánh giá năng lực và chỉ làm thí điểm đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo cử nhân tài năng...
ĐHQG HN vẫn tổ chức thi “ba chung” theo quy định của Bộ. Thí sinh trúng tuyển, sau khi nhập học vào các ngành đào tạo của ĐHQGHN sẽ được tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chung để chọn vào học các chương trình đào tạo.
Theo thông tin từ ĐHQG HN, bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực không thiết kế theo các môn thi riêng rẽ. Ngược lại, nó tích hợp các nội dung kiến thức của các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên với trọng tâm là những nội dung rất cơ bản về Ngữ văn và Toán học tương đương bậc phổ thông. Cách thiết kế này tương tự như cấu trúc và nội dung của các bài thi chuẩn hóa SAT (bậc ĐH), hay GRE bậc sau đại học (SĐH) tại Hoa Kỳ.
Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực để tuyển sinh ĐH có thời gian làm bài là 195 phút (không tính thời gian nghỉ 20 phút giữa phần thi viết luận 1 và 2).
Trong khi đó, bài thi chuẩn hóa tuyển sinh SĐH có thời gian làm bài là 210 phút (không tính thời gian nghỉ giữa các phần thi). Dự kiến, đến năm 2015, ĐHQG HN áp dụng tuyển sinh ĐH và SĐH nói chung ở phạm vị rộng hơn và tiến tới áp dụng triệt để.
Theo ông Đặng Kim Vui, GĐ, ĐH Thái Nguyên, trường này sẽ thí điểm tự chủ tuyển sinh một số ngành. Cụ thể là, ngành văn hóa nghệ thuật sẽ thi tuyển môn năng khiếu và thêm một số môn văn hóa; ngành giáo dục mầm non thi tuyển môn năng khiếu và vài môn văn hóa thích hợp.
Đặc biệt, một số ngành đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế khu vực nhưng khó tuyển do kết hợp giữa tự tổ chức thi tuyển ở trường và xét tuyển. Ông Vui nói: Lý do xét tuyển đối với những ngành này là hằng năm, có hơn chục ngàn thí sinh đăng ký nhưng do đề thi tuyển sinh nặng về kiến thức và thí sinh khu vực khó vượt qua nên vẫn khó tuyển.
ĐH Thái Nguyên năm nay sẽ tuyển những ngành này theo hướng: thi một phần kiến thức và một phần viết luận kiểm tra kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, sự sáng tạo... Nếu vẫn khó tuyển, ông Vui bật mí, ĐH Thái Nguyên sẽ được phép tuyển thêm thí sinh theo kết quả ba chung mặc dù kết quả tự tổ chức thi của ĐH này không được sử dụng để tuyển sinh chung trong hệ thống.
ĐH Vinh, theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng, sẽ kết hợp thi “ba chung” đối với 5 ngành sẽ xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập các môn Toán, Hóa, Sinh và kết quả thi tốt nghiệp đều loại khá trở lên.
Ngành giáo dục mầm non xét tuyển dựa vào kết quả học tập 2 môn Toán, Văn và kết quả thi tốt nghiệp (loại khá trở lên); Ngành giáo dục thể chất dự kiến sẽ xét tuyển thí sinh có kết quả học tập 2 môn Toán, Sinh và điểm tốt nghiệp cùng loại khá, có kết hợp thi môn năng khiếu.
Kiểm tra năng lực là một phương thức tuyển sinh tiên tiến, đánh giá toàn diện năng lực của ứng viên. Vì vậy, các ứng viên tránh học tủ, học lệch. Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh mới này sẽ không đánh giá nhiều về năng lực ghi nhớ/tái hiện, mà về khả năng áp dụng kiến thức. Cho nên, các ứng viên cần lưu ý về khả năng vận dụng, phân tích, tổng hợp, sáng tạo. Các ứng viên cũng nên tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, nghiên cứu khoa học, hoạt động nhóm, đồng thời rèn luyện tính tự chủ H.T (theo ĐHQG HN) |
Hồ Thu
Nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/nhieu-truong-doi-moi-thi-tuyen-sinh-nam-2014-673296.tpo