Ông cho rằng, việc thi tốt nghiệp THPT chỉ chứng tỏ học sinh đã học hết chương trình phổ thông, đã trải qua một kỳ thi và có quyền đăng ký thi, xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo nguyện vọng.
Nếu học sinh đăng ký vào các trường khối Tự nhiên, trường ĐH có thể xem điểm thi tốt nghiệp xem những thí sinh có thi các môn khoa học tự nhiên như Vật lý, Hóa học hay không. Hoặc nếu đăng ký vào trường khối Khoa học xã hội, nhà trường cũng có thể xem xét qua điểm tốt nghiệp có thi Lịch sử, Địa lý hay không...
“Đặc biệt, trong thời gian sắp tới, khi có nhiều trường tổ chức thi tuyển sinh riêng, người ta có thể thay đổi theo định hướng thi tốt nghiệp THPT như thế này” - PGS Văn Như Cương nhận định.
Bộ GD&ĐT sẽ vất vả hơn, nhưng học sinh được hưởng lợi
Bày tỏ sự tán đồng đối với nhiều thay đổi trong dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến đóng góp, PGS Văn Như Cương cho rằng với những điểm mới này, có thể Bộ GD&ĐT sẽ vất vả hơn nhưng học sinh thì được hưởng lợi. Các em không chỉ giảm đi gánh nặng, áp lực qua việc giảm số môn thi mà còn được quyền chọn lựa môn thi theo năng lực và sở thích.
"Không chỉ vậy, Dự thảo cũng đã tính đến quá trình học tập của học sinh ở lớp 12. Tức, điểm trung bình của năm lớp 12 được tham gia vào để tính điểm tốt nghiệp. Đó là ý tưởng đúng và tôi hoàn toàn ủng hộ” - PGS Văn Như Cương khẳng định.
Phấn khởi trước quy định mới, PGS Văn Như Cương đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT nên có quyết định sớm để có thể triển khai ngay phương án thi tốt nghiệp mới trong năm.
Hiếu Nguyễn (ghi)