edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT
‘Bỏ Ngoại ngữ là vô lý!’
Theo dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra, năm nay thí sinh sẽ thi 4 môn: 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn còn lại do mỗi thí sinh tự chọn trong số 5 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.
Ảnh minh họa: Văn Chung
Đối với môn Ngoại ngữ, học sinh có thể đăng ký thi để được công điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp; có thể là: bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Trong khi dự thảo này nhìn chung được dư luận đánh giá là một động thái đáng mừng, giảm áp lực thi cử cho các em học sinh cuối cấp khi phải đứng trước 2 kỳ thi lớn, có tính chất quyết định, thì nhiều ý kiến cũng cho rằng việc bỏ môn Ngoại ngữ ra khỏi danh sách những môn thi bắt buộc “là vô lý”.
“Giáo dục của đất nước đang hướng tới đào tạo "công dân toàn cầu". Điểm yếu của nguồn lực lao động Việt Nam khi hội nhập là Ngoại ngữ. Cần đưa môn Ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc như ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết” - anh Thành Lê nói.
Cùng ý kiến, chị Thu Phương cho rằng dự thảo này sẽ hoàn hảo hơn nếu Bộ bổ sung môn Ngoại ngữ vào trong số các môn tự chọn. “Nếu không thì chính Bộ đã đi ngược lại xu thế hội nhập giáo dục do chính mình đưa ra khi xem nhẹ việc kích thích học sinh học Ngoại ngữ như một phương tiện để vươn xa trong học tập và làm việc sau này”.
Thẳng thắn phản đối đề xuất loại bỏ môn Ngoại ngữ, anh Nguyễn Văn An cho rằng nếu bỏ thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ thì học sinh sẽ không học. “Nếu học sinh không học thì đề án ngoại ngữ đến năm 2020 coi như là bỏ - tốn vài ngàn tỉ đồng để giải ngân. Vậy là người Việt sẽ không hoà nhập được với thế giới bên ngoài”.
Có độc giả còn đề xuất ý kiến nên đưa môn Tin học vào danh sách môn thi tốt nghiệp. “Sao xã hội Việt Nam đang tiến tới thời kỳ của công nghệ thông tin mà lại không đưa môn Tin học vào môn tự chọn nhỉ? Vì môn này tôi thấy các ngành, nghề đều phải sử dụng nó đó thôi!”
Tạo điều kiện cho tiêu cực?
Tạo điều kiện cho tiêu cực cũng là một trong những nỗi lo khi dự thảo này được thực hiện. Vì ngoài diện học sinh được miễn thi theo Quy chế thi hiện hành, Bộ GD-ĐT còn dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Kết quả học tập như thế nào thì được miễn và đối tượng được miễn sẽ được xếp hạng như thế nào trong tấm bằng tốt nghiệp là những câu hỏi được nhiều người đặt ra. Đề xuất này cũng được dự đoán là sẽ nảy sinh tiêu cực để những học sinh chưa thực sự học tốt vẫn có học bạ đẹp và được miễn thi.
“Với nhận thức và cách làm việc hiện nay, những thay đổi này sẽ đem lại rất nhiều tiêu cực từ vùng sâu cho tới thủ đô. Cuối cùng người tài mà nghèo vẫn không có đất dung thân” - độc giả Phan Quốc Đạt nhận định.
Theo chị Thương Nguyễn thì với cơ chế như hiện tại, những phụ huynh muốn con em mình đỡ phải thi, có năng lực học tập kém nhưng lại muốn có học bạ đẹp, xếp loại tốt nghiệp cao… thì lại chạy điểm, chạy bằng thôi.
Anh Tuấn Ngọc cho rằng đề xuất 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn là rất hay, tuy nhiên theo anh, tất cả học sinh nên bắt buộc thi tốt nghiệp. “Học bạ đẹp chưa chắc là giỏi, là học sinh giỏi sợ gì thi tốt nghiệp!”
Anh Trương Qúy thì băn khoăn về việc học lệch của học sinh khi được phép chọn 2 trong 5 môn thi. “Học sinh sẽ chủ yếu chọn các môn lý, hóa, sau đó là các môn sinh và đia lý. Môn sử sẽ rất ít em chọn”.
Thi tốt nghiệp 4 môn không mới?
Nhiều độc giả đánh giá rằng dự thảo này lại quay trở về 25 năm trước. Bạn đọc tên Hoàng nhận xét: “Trước đây thi tốt nghiệp 4 môn, hiện tại thi 6 môn, bây giờ lại chuẩn bị thi 4 môn. Trước đây thi đại học đề riêng, hiện tại thi đề chung, bây giờ chuẩn bị thi đề riêng. Tự nhiên tôi lại nhớ câu: "Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào…”
Một phụ huynh chia sẻ rằng thay đổi của Bộ theo hướng này khiến anh “bớt lo âu” hơn. Anh đề xuất thêm về phương án tuyển sinh đại học: Bộ nên cương quyết phương án các trường tự tuyển sinh. Trường nào dạy tốt thì có học sinh tốt đến học. Học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn trong năm. Như vậy đỡ áp lực. Tôi tin nếu có vấn đề ảnh hưởng xấu thì cũng chỉ mất 3 -5 năm là sẽ ổn định và phát triển tốt.
Trong khi một số người đánh giá dự thảo là “tư duy nhiệm kỳ”, “đẽo cày giữa đường” thì vẫn có những ý kiến lạc quan hơn cho rằng động thái này dù gì cũng đáng khen, “muộn còn hơn không”, cho thấy Bộ ít nhiều cũng đã có tinh thần cầu tiến và đã đưa ra được những hành động cụ thể.
Nguyễn Thảo (tổng hợp)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/156296/-dua-ngoai-ngu-ra-khoi-ky-thi-tot-nghiep-la-vo-ly-.html