Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Năm 2013, chỉ tính số sinh viên (SV) nhập học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có hơn 990 người vào ngành dược sĩ bậc CĐ và gần 400 người bậc ĐH. So với số chỉ tiêu ngành trường xác định từ đầu trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 thì vượt khá nhiều. Chẳng hạn ngành dược sĩ bậc CĐ chỉ tiêu là 600 nhưng thực tế hơn 900 SV nhập học. Riêng ngành dược sĩ bậc ĐH, khi thông báo tuyển sinh trường đã cố tình “né” công bố chỉ tiêu cụ thể ngành này. Tuy nhiên, so với các ngành bậc ĐH khác của trường, dược sĩ là ngành tuyển nhiều SV nhất, mặc dù ngay từ năm trước đã có số liệu cảnh báo về tình trạng cung vượt cầu của các ngành liên quan đến sức khỏe.
Việc tuyển lệch chỉ tiêu giữa các ngành nghề cũng diễn ra ở nhiều trường khác. Chẳng hạn, năm nay trong số 400 SV nhập học vào Trường ĐH Hòa Bình chủ yếu của các ngành được nhiều người quan tâm như: quan hệ công chúng, mỹ thuật công nghiệp, công nghệ thông tin… Tương tự, Trường ĐH Yersin Đà Lạt tuyển 160 SV vào ngành điều dưỡng, kiến trúc trên 100, quản trị kinh doanh trên 100... trong khi không ít ngành còn lại, mỗi ngành chỉ tuyển 10 người.
Việc tuyển SV ồ ạt vào một số ngành “nóng” đã diễn ra từ nhiều năm trước đó, đặc biệt các ngành khối kinh tế. Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng nhiều SV kinh tế ra trường không có việc làm. Thực trạng này khiến trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ siết chặt chỉ tiêu và việc mở các ngành khối kinh tế. Giờ đây, điều này đang lặp lại với khối ngành sức khỏe.
Vơ vét tuyển sinh, ảnh hưởng chất lượng đào tạo
Theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ ban hành năm 2007, các trường sẽ đăng ký chỉ tiêu đến cơ quan chủ quản, cơ quan này sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra thực hiện quy định và trao đổi với Bộ trước khi thông báo chỉ tiêu chính thức cho trường. Nhưng bắt đầu từ năm 2012, Bộ chính thức giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường trong xác định chỉ tiêu. Dựa trên tiêu chí về tỷ lệ SV/giảng viên quy đổi và diện tích sàn xây dựng/SV, các trường tự xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm với Bộ. Cũng theo quy định này, Bộ chỉ quản lý tổng chỉ tiêu chung và cho phép các trường hoàn toàn tự chủ trong xác định chỉ tiêu từng bậc đào tạo và ngành học.
Vịn vào quy định này, nhiều trường tự tiện tuyển SV không theo chỉ tiêu đã định sẵn cho từng ngành dẫn đến hiện tượng tập trung số lượng chủ yếu vào những ngành nhiều người quan tâm, bất chấp cả việc trường chưa đủ khả năng đào tạo và cung của ngành đã vượt cầu như dự báo.
Là thành viên hội đồng thẩm định mở ngành dược sĩ bậc ĐH của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, một cán bộ cho biết: “Với thực tế điều kiện đăng ký mở ngành của trường này, hội đồng thẩm định đã đề xuất năm nay trường chỉ nên tuyển 100 chỉ tiêu. Tuy nhiên, thực tế số SV trường tuyển lại gấp cả chục lần với mức điểm bằng sàn” (khối B bậc ĐH năm nay 14 điểm). Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược TP.HCM với nhiều năm kinh nghiệm nhưng chỉ tuyển 300 SV ngành dược sĩ với điểm chuẩn 26. Như vậy, sự chênh lệch chất lượng thí sinh đã rõ rệt ngay từ ban đầu. Thêm nữa, khi số SV nhập học quá nhiều so với điều kiện giảng dạy cho phép sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.
Trao đổi về kinh nghiệm trong việc xác định chỉ tiêu ngành nghề, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng không có quy định nào của Bộ yêu cầu các trường phải xác định chỉ tiêu từng ngành và theo đúng chỉ tiêu đã xác định. Do vậy, việc xác định chỉ tiêu ngành hay không tùy từng trường. Tuy nhiên, khi xác định chỉ tiêu ngành phải dựa vào tiêu chí cụ thể về điều kiện giảng dạy.
“Việc cho phép uyển chuyển trong điều phối chỉ tiêu giữa các ngành xét về mặt nào đó sẽ giúp các trường thuận lợi trong tuyển sinh, cũng như tuyển được SV có chất lượng. Nhưng nếu trường chỉ vơ vét SV bằng mọi cách cho đến khi hết thí sinh đủ điểm vào một số ngành nào đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Đó là chưa nói, việc tuyển sinh ngẫu hứng không theo dự báo nhân lực sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu ngành nghề, SV khi ra trường sẽ khó tìm việc, giống như tình trạng đã diễn ra với khối ngành kinh tế thời gian qua”, tiến sĩ Dũng cảnh báo.
Thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh bình quân từng giai đoạn thay vì từng năm
Việc lớn cần làm cho chiến lược phát triển giáo dục VN là cân đối cung cầu thị trường lao động, phân tầng các bậc học để giảm sự “thừa thầy thiếu thợ”. Những việc làm thời gian qua của Bộ như giảm chỉ tiêu một số nhóm ngành, nhóm trường không đủ năng lực, hạn chế việc mở trường khi không có đủ điều kiện... là hết sức có ý nghĩa. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra, cũng rất quan trọng cho vấn đề đổi mới toàn diện GD-ĐT là tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở GD-ĐT.
Bộ đã từng đưa ra chính sách thiết thực về tự chủ và tự chịu trách nhiệm như việc giao tự chủ tài chính ổn định trong 3 năm, nhưng nên tăng lên từ 3 - 5 năm theo thời gian một khóa học. Chỉ tiêu tuyển sinh duyệt cho các trường hằng năm cũng nên xem là chỉ tiêu bình quân trong giai đoạn đó. Các trường có thể điều chỉnh tăng giảm trong khoảng thời gian tự chủ, ổn định từ 3 - 5 năm này.
Tiến sĩ Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) |
Hà Ánh