Thí sinh nộp hồ sơ nguyện vọng bổ sung ở Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Sinh viên “ảo” quá nhiều
Tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM, sau 2 đợt tuyển bổ sung đến nay hệ ĐH tuyển được 3.000 sinh viên, còn thiếu 500 chỉ tiêu. Riêng hệ CĐ chỉ tiêu tuyển 1.500 nhưng trường chỉ tuyển được 25%. Trường dự kiến sẽ phải tiếp tục tuyển tiếp đợt 3 cho đến ngày 31-10. Tuy nhiên, khả năng tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt là hệ CĐ, rất khó do đến thời điểm này nguồn tuyển đã khan hiếm.
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, hệ ĐH đến thời điểm này chỉ tuyển được 70% và hệ CĐ chỉ đạt 50% so với chỉ tiêu. “Cứ tưởng nguồn tuyển dồi dào thì sẽ dễ tuyển hơn mọi năm nhưng thực tế hồ sơ nộp vào không ồ ạt và số hồ sơ ảo lớn. Do đó, đến thời điểm này ngoài khối ngành y dược đã tuyển đủ, các khối ngành khác như xã hội, kỹ thuật vẫn còn thiếu nhiều chỉ tiêu, đặc biệt ngành thiết kế đồ họa hiện mới tuyển được 10 sinh viên” - ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng Phòng Hành chính Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết.
Tình hình tuyển sinh tại các trường CĐ còn chật vật hơn. Trường CĐ Tài chính Hải quan, một trong những trường đông thí sinh dự thi nhất tại TP HCM , phải tuyển nguyện vọng bổ sung 215 chỉ tiêu các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh doanh thương mại..., tuy nhiên chỉ có 189 thí sinh xét tuyển và có 183 thí sinh trúng tuyển. Theo đó, một số ngành trường không tuyển đủ chỉ tiêu.
Ông Trần Mạnh Thành cho biết chưa có năm nào việc tuyển sinh lại đáng buồn như năm nay. Dù số lượng thí sinh dự thi vào Trường CĐ Bách Việt là 7.000, trong đó có 2.000 thí sinh trúng tuyển nhưng số sinh viên nhập học thực chỉ 700. Trường phải tuyển bổ sung 2 đợt nhưng đến nay mới tuyển được 1.200/2.300 chỉ tiêu. Ông Thành cho biết năm trước, khối ngành kinh tế mỗi ngành tuyển được 5-6 lớp thì năm nay chỉ được 1 lớp; công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật xây dựng... năm ngoái tuyển được 3 lớp thì năm nay chỉ được 1 lớp. Trường sẽ phải tuyển tiếp nguyện vọng bổ sung cho đến ngày 31-10, tuy nhiên việc tuyển sinh chậm trễ sẽ gây hệ lụy rất lớn trong việc tổ chức đào tạo.
Hệ CĐ khó sống
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng Phòng Tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM, điểm sàn không tăng nhưng khoảng cách giữa điểm sàn ĐH và CĐ vẫn cách nhau 3 điểm, mà phổ điểm năm nay cao hơn năm ngoái, do đó nguồn tuyển hệ CĐ trở nên hạn hẹp do thí sinh đậu điểm sàn ĐH nhiều. Ngoài ra, nhiều trường ĐH tại các địa phương được phép tuyển đối tượng ưu tiên thấp hơn điểm sàn 1 điểm nên thí sinh mức điểm này đổ về các trường địa phương để học ĐH, vì thế hệ CĐ càng trở nên chật vật.
Đại diện nhiều trường nhận định nguyên nhân chính là quy chế liên thông sửa đổi đã ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển sinh hệ CĐ. Ông Trần Mạnh Thành cho rằng quan niệm phải học ĐH đã ăn sâu vào nếp nghĩ của mọi người, do đó việc hạn chế người học liên thông lên ĐH đã khiến cho hệ CĐ điêu đứng. “Việc hoạch định chính sách cần có lộ trình thực hiện, đằng này quy chế liên thông đùng một cái áp dụng khiến người học hoang mang”- ông Thành nói.
Ông Lê Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ Công Thương TP HCM, cũng cho rằng quy chế liên thông đẩy các trường CĐ vào thế khó vì tâm lý của thí sinh là muốn học ĐH. “Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại quy chế liên thông, nếu không các trường CĐ sẽ không sống được” - ông Bình cho biết.
Theo ông Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, các năm trước chỉ tiêu hệ CĐ là 300 nhưng năm nay đã giảm xuống 100 và trường cũng chỉ tuyển được 70 sinh viên. Trong khi đó, hệ CĐ chạy đề cương, chương trình riêng; số sinh viên ít nên khi nợ môn không đủ sĩ số để mở lớp; học phí lại thấp hơn hệ ĐH trong khi thù lao chi trả cho giảng viên 2 hệ là như nhau; việc liên thông lại siết chặt... Do đó, năm tới trường dự định sẽ đóng cửa hệ CĐ.
Rút ngắn thời gian học CĐ
Ông Trần Mạnh Thành cho biết thời gian đào tạo hệ CĐ 3 năm là hơi dài và lãng phí, trường sẽ đề xuất rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 2 năm. Đồng thời hệ CĐ cần phải đổi mới cơ cấu chương trình vì chương trình khung hiện còn nhiều môn mang tính chất hàn lâm, thiếu thực tế. Ngoài ra, để hệ CĐ tồn tại được thì đầu ra cho hệ này cần được cải thiện. Ông Lê Thanh Bình cũng cho rằng nên rút ngắn thời gian đào tạo CĐ xuống còn 2 năm. Đối với vấn đề liên thông, Bộ GD-ĐT nên quản lý chương trình, cơ sở vật chất..., còn đầu vào không nên xiết quá chặt như hiện nay. |
Thùy Vinh