Tin tức Tuyển sinh


Đừng chủ quan khi thi cao đẳng

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT

Cấu trúc tương đồng

 

Theo thạc sĩ Phạm Hồng Danh, giảng viên toán Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, những năm trước cấu trúc đề thi CĐ và ĐH gần như giống nhau hoàn toàn vì cùng một nhóm ra đề, nhưng từ năm ngoái đã có 2 nhóm riêng nên phong cách có khác chút ít. Về cơ bản, cấu trúc đề thi CĐ cũng gần giống ĐH nhưng dễ hơn.
 
Thi đại học
Đề thi 2 đợt thi ĐH vừa qua không quá khó giúp nhiều thí sinh tự tin bước vào kỳ thi CĐ sắp diễn ra - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Trong 2 đợt thi ĐH vừa qua, đề thi đều ra hàm bậc 3 vì vậy nhiều khả năng đề thi CĐ sẽ có hàm hữu tỉ hoặc bậc 4. Phần lượng giác chú ý đặt ẩn phụ và đưa về ẩn tích số. Phần đại số chú ý hệ phương trình đẳng cấp, gần giống đẳng cấp, phương trình, bất phương trình mũ, logarit, biểu thức các căn số. Phần tích phân chủ yếu là đổi biến và tích phân từng phần nhưng nhiều khả năng phần đổi biến sẽ có trong đề thi.

 

Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên Trường học trực tuyến Sài Gòn, đề thi môn vật lý ở ĐH và CĐ đều giống nhau cả về kiến thức, yêu cầu, kỹ năng, cấu trúc đề thi. Chỉ có câu hỏi có mức độ dễ hơn thi ĐH. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý: Nắm rõ các định luật vật lý, định nghĩa, công thức chính xác; nắm chắc các số liệu, định cỡ và ước lượng các giá trị, so sánh chúng với các giá trị khác đã biết.  Khi giải các bài toán, cần xem kết quả, đơn vị có hợp lý không, có phù hợp với thực tế không. Chú ý đến các hiện tượng vật lý và ứng dụng trong thực tế...

 

Đề thi có quy luật

 

Ông Hà Ngọc Hiển, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM), nhận định: “Từ đề thi môn tiếng Anh các năm trước cho đến đợt ĐH vừa qua, có thể thấy khuynh hướng ra đề có những quy luật nhất định. Những năm trước phần ngữ âm trong đợt thi ĐH thường ra vào trọng âm và CĐ ra vào âm tiết. Tuy nhiên, năm nay ở đề thi ĐH có sự khác biệt hơn khi đề khối A1 đi vào phần âm tiết, khối D1 vừa âm tiết vừa trọng âm. Tôi nghĩ, đợt CĐ sắp tới phần ngữ âm của đề có thể sẽ ra vào cả 2 phần trên, chứ không chỉ âm tiết như mọi năm”.

 

Về phần bài đọc, theo ông Hiến, đề thi CĐ thường không ra quá khó, mức độ khó nhất có thể chỉ bằng bài đọc ở đề thi tiếng Anh khối A1 vừa rồi.

 

Bà Hà Thị Kim Liên, nhóm trưởng môn hóa khối 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), chia sẻ: “Chưa bao giờ đề thi ĐH môn hóa lại dễ như năm nay. Theo quy luật, đề thi CĐ sẽ còn dễ hơn nữa, nên mức độ khó của đề sẽ nằm khoảng giữa đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi ĐH vừa rồi”. Tuy nhiên, cô Liên lưu ý  kiến thức môn hóa có tính liên thông cao qua các năm học. Do vậy, để làm tốt bài  thi, thí sinh cần nắm và vận dụng tốt kiến thức cả lớp 10, 11 và 12.

 

Ông Trần Ngọc Danh, giáo viên môn sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cũng phân tích: “Đề thi ĐH môn sinh vừa rồi gần gũi với sách giáo khoa hơn đề các năm trước. Ở đề thi CĐ môn sinh sắp tới, tôi nghĩ độ khó chỉ bằng khoảng 6/10 đề thi ĐH vừa rồi”.
 

Các môn xã hội chưa chắc dễ hơn đề thi ĐH

 

Ở môn ngữ văn, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên bộ môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), không thể nói đề thi ngữ văn CĐ dễ hơn ĐH. Chỉ có thể nói rằng việc đánh giá thí sinh sẽ vừa tầm hơn. Thí sinh cần phải nắm tất cả nội dung sách giáo khoa đã được học.

 

Với môn địa lý, theo ông Nguyễn Đăng Lợi, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn TP.HCM, thí sinh không được chủ quan là đề thi CĐ sẽ dễ hơn đề ĐH. Các năm gần đây đề địa lý CĐ có mức độ khó không thua kém ĐH. Cấu trúc đề thi cũng giống nhau nên thí sinh cũng phải thi CĐ với tâm thế như thi ĐH.

 

Những năm gần đây, đề thi CĐ luôn trải rộng từ đầu đến cuối chương trình. Chủ trương của Bộ GD-ĐT luôn yêu cầu đề thi môn địa lý phải vừa kiểm tra kiến thức vừa buộc thí sinh phải có hiểu biết về thực tế cuộc sống. “Theo tôi, đề thi CĐ vẫn sẽ thể hiện tính thời sự và tình hình kinh tế xã hội của đất nước”, ông Lợi cho biết.

 

Đề thi ĐH có nằm ngoài chương trình?

 

Sau 2 đợt thi ĐH, Báo Thanh Niên nhận được nhiều thắc mắc của các giáo viên về đề thi môn vật lý (khối A, A1) và toán (khối B).

 

Theo một số giáo viên, câu 12 (mã đề 426) và câu 33 (mã đề 318) trong đề thi vật lý có kiến thức nằm ngoài sách giáo khoa phổ thông. Muốn giải được hai câu này, thí sinh phải vận dụng kiến thức ngoài sách giáo khoa. Trả lời Báo Thanh Niên, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết ban đề thi khẳng định các câu này đều nằm trong chương trình THPT và sách giáo khoa hiện hành.

 

Ngoài ra, theo thạc sĩ Ngô Thanh Sơn, giáo viên toán Trường THPT Vĩnh Viễn TP.HCM, câu 6 đề thi toán khối B năm nay nằm trong một đề thi thử có trên một trang web chuyên chia sẻ các đề thi thử toán từ tháng 11.2012. Nhóm ra đề của Bộ chỉ sửa các số x, y, z trong đề thi gốc thành a, b, c trong đề thi của Bộ. Cụ thể, đề thi này nằm trên trang web: http://www.vnmath.com/2012/11/e-thi-thu-mon-toan-lan-1-nam-2013-cua.html. Trước thực tế này, ông  Sơn  đặt vấn đề về tính bảo mật của đề thi; đồng thời đây lại là câu phân loại, nhiều khi mang tính quyết định đối với thí sinh thi vào các trường như y dược, ngoại thương... nên không đảm bảo công bằng cho những thí sinh chưa tiếp cận với câu này. Báo Thanh Niên cũng đã gửi thắc mắc này đến lãnh đạo Bộ.

 

Đăng Nguyên

 

Hà Ánh -  Đăng Nguyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130712/dung-chu-quan-khi-thi-cao-dang.aspx

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.