Tin tức Tuyển sinh


Kết thúc đợt 1: Điểm chuẩn có thể không thay đổi

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT

Điểm sàn khối A1 sẽ cao hơn khối A ?

 

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận định: “Chỉ có 44 thí sinh (TS) bỏ thi sau toàn đợt thi, năm nay như vậy là rất thấp. Điều này chứng tỏ TS làm bài được. Bên cạnh đó, nhiều TS tỏ ra phấn khởi, hài lòng với bài thi và cho rằng đề thi năm nay dễ thở hơn năm trước. Vì thế, rất có thể điểm thi của TS sẽ cao hơn năm trước, kéo điểm sàn cao hơn. Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ cách xác định điểm sàn như mọi năm thì điểm sàn sẽ không thay đổi so với trước đó”.
 

Các thí sinh làm bài môn vật lý tại hội đồng thi Trường ĐH Ngoại thương - Ảnh: Ngọc Thắng 

 

Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ý kiến: “Đề thi được nhận định dễ hơn năm ngoái nên nếu điểm sàn có tăng thì tối đa chỉ nửa điểm. Tuy nhiên, khả năng điểm sàn giữ nguyên là rất cao”.

 

Trong khi đó thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing, cho rằng khả năng điểm sàn khối A sẽ vẫn giữ nguyên mức năm ngoái là 13 nhưng khối A1 có thể cao hơn từ 0,5 đến 1 điểm so với khối A. “Sở dĩ như vậy vì hầu hết các trường, số TS dự thi vào khối A1 luôn cao hơn khối A. Chẳng hạn, Trường ĐH Tài chính Marketing, tỷ lệ thí sinh dự thi khối A là 80% trong khi khối A1 là 85%”.

 

Theo thạc sĩ Phạm Hồng Danh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, năm nay lượng câu dễ và câu khó nhiều như nhau trong đề thi các môn khối A, A1 vì vậy TS khó đạt điểm cao nhưng đạt điểm trung bình thì khá dễ. “Tuy nhiên theo chủ quan, điểm sàn của 2 khối A, A1 nhiều khả năng sẽ ở mức 14 điểm” - ông Danh nói.

 

Không thể thấp hơn

 

Nói về điểm chuẩn, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, cho biết: “Năm nay chỉ tiêu của trường tăng 300, TS đăng ký dự thi giảm hơn 3.000. Tuy nhiên, điểm chuẩn các ngành vào trường năm nay có thể vẫn không biến động nhiều vì mức điểm này đã ổn định từ nhiều năm nay”. Cũng theo tiến sĩ Hùng, điểm chuẩn các ngành của trường sẽ dao động trong khoảng từ mức điểm sàn của Bộ cho đến cao hơn sàn tối đa 3 điểm. Một số ngành điểm chuẩn cao hơn sàn từ 2 đến 3 điểm, gồm: công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, kỹ thuật môi trường. Các ngành còn lại, điểm chuẩn dự kiến sẽ chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn một vài điểm.

 

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cũng nhận định: “Dự kiến sẽ không có nhiều biến động về điểm chuẩn các ngành của trường so với năm ngoái”. Năm 2012, điểm chuẩn các ngành khối A của trường dao động từ 14 đến 17,5 điểm, khối A1 thấp hơn nửa điểm so với khối A ở tất cả các ngành. Trong đó, trội lên là một số ngành như: công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, kế toán…

 

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn cũng dự đoán: “Năm nay lượng TS dự thi vào trường giảm nhiều nên khả năng điểm chuẩn các ngành cao nhất cũng chỉ bằng mức năm ngoái, trong khoảng từ 16 đến 19 điểm tùy theo ngành”.

 

Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, cũng khẳng định sẽ không có biến động lớn về điểm chuẩn; chỉ những TS đạt từ 17 - 18 điểm trở lên mới có cơ hội đỗ vào trường. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, nhận định: “Năm nay số lượng TS đăng ký vào trường giảm đáng kể so với năm ngoái nhưng kinh nghiệm cho thấy đây đều là những học sinh có học lực khá giỏi nên mức điểm chuẩn ít nhất cũng tương đương năm ngoái chứ không thể thấp hơn”. Tương tự, bà Lê Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết số lượng hồ sơ tăng giảm không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các trường tốp đầu vì hầu hết TS thi vào các trường này đều có chất lượng cao. ĐH Ngoại thương có tỷ lệ chọi thấp nhưng với cách ra đề phân loại tốt thì khả năng điểm chuẩn không thay đổi nhiều so với các năm trước (ở mức khoảng 24 - 26 điểm).

 

Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng điểm chuẩn vào trường năm nay ít nhất sẽ duy trì ở mức 20 - 21. Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dự đoán: “Với cách ra đề năm nay, điểm sàn khối A, A1 chắc chắn sẽ không thể thấp hơn 13 điểm”.

 

Tuy không đưa ra nhận định cụ thể về điểm chuẩn nhưng ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết nhiều năm gần đây mức điểm chuẩn vào trường ít có biến động, chỉ tăng giảm từ 0,5 - 1 điểm tùy từng ngành. Khối kỹ thuật, ngành thấp nhất khoảng 18 và ngành cao nhất là 21,5 - 22. Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ địa chất, cho hay: “Năm nay đề thi có tính phân loại tốt hơn, quan sát không khí chung cho thấy kết thúc mỗi môn thi tình hình không căng như các năm trước, số học sinh làm được bài nhiều hơn nên hy vọng điểm thi năm nay sẽ có sự khởi sắc”.

 

Trong khi đó, số lượng TS thi vào Trường ĐH Cảnh sát phòng cháy chữa cháy gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 300 vì thế ông Đỗ Ngọc Cẩn, Hiệu trưởng trường này dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay chắc chắn sẽ không thể dưới 20 điểm.

 

Chưa có phương án điểm sàn
 
Trao đổi với Thanh Niên chiều ngày 5.7, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Đến thời điểm này Bộ chưa có phương án cuối cùng về điểm sàn. Đến khoảng nửa đầu tháng 8 sau khi có kết quả bài thi của TS, Bộ sẽ thành lập hội đồng xác định điểm sàn trong đó có đại diện các trường. Hội đồng này sẽ thảo luận, họp bàn đưa ra phương án cuối cùng”.
 
Cũng theo ông Ga: “Năm nay, cách thức xác định điểm sàn chưa biết sẽ có thay đổi như thế nào. Theo như cách làm các năm trước, điểm sàn được xác định dựa trên tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, một số ý kiến đề xuất nên xác định điểm sàn là ngưỡng tối thiểu học sinh có thể học ĐH, CĐ và độc lập với chỉ tiêu”.
 

H.A (ghi)

Dự kiến công bố kết quả chậm nhất ngày 25.7
 

Theo quy định của Bộ, các trường ĐH phải công bố điểm thi muộn nhất ngày 1.8 và gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển trước 20.8.

 

Trao đổi với Thanh Niên ngay sau khi kết thúc đợt thi thứ nhất, nhiều trường ĐH đã bắt đầu công tác tập huấn chấm thi. Tuy nhiên, một số trường cho biết đợi sau khi hoàn tất đợt thi thứ 2 mới tiến hành chấm thi các bài tự luận. Còn lại, bài thi trắc nghiệm các trường đều chuyển nhờ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT chấm hộ. Nhiều trường hợp đồng với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hoặc các trường phổ thông có uy tín để chấm thi. Hầu hết các trường cho biết tuần cuối tháng 7 sẽ công bố điểm thi.

 

Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, cho biết học viện chỉ tổ chức thi đợt 1 nên ngay trong buổi chiều 5.7, trường đã tổ chức làm phách và sau đó tổ chức chấm ngay. Còn Trường ĐH Mỏ địa chất sẽ tổ chức tập huấn chấm thi vào đầu tuần tới và tiến hành chấm ngay sau đó. Nhiều trường dự kiến chậm nhất 25.7 sẽ công bố điểm thi.

 

Điểm mới trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay là Bộ quy định bắt buộc các trường phải tổ chức chấm kiểm tra 5% số lượng bài thi tự luận để kịp thời điều chỉnh những sai sót nếu có để tránh tối đa ảnh hưởng tới kết quả làm bài của TS. Các trường cho biết đã thành lập thêm một ban riêng trong hội đồng chấm để làm nhiệm vụ chấm kiểm tra.

 

Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết năm nay Bộ GD-ĐT sẽ lưu ý một số nơi từng chấm không chính xác hoặc những nơi năm ngoái chấm thi có vấn đề. Kết quả chấm thẩm định sẽ được Bộ công bố công khai.
 

Tuệ Nguyễn

 

Tuệ Nguyễn - Hà Ánh - Đăng Nguyên

Nguồn: thanhnien.com.vn

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.