Đó là lời khuyên của ông Trần Ngọc Danh, Tổ trưởng tổ Sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Giải thích điều này, ông Danh nói: “Trong khoảng thời gian quá ngắn, nếu lao theo các bài toán quá khó, học sinh sẽ mất rất nhiều thời gian trong khi đề thi có thể sẽ không ra tới. Thay vào đó, học sinh nên tập giải cẩn thận các dạng đề cơ bản. Các bước làm bài cẩn thận sẽ giúp thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi”.
Tuy nhiên, ông Danh cũng lưu ý: “Học sinh nên tập trung luyện thêm các dạng đề có kiến thức tổng hợp và nâng cao”. Riêng với môn sinh, ông Danh nhận định: “Từ tinh thần kỳ thi tốt nghiệp vừa qua và theo đề thi tuyển sinh ĐH các năm trước, khả năng sẽ có phân nửa câu hỏi và điểm số nằm trong phần kiến thức về di truyền học. Do vậy, thí sinh cần lưu ý học kỹ mảng kiến thức này”.
Ông Nguyễn Duy Hiếu, Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), khuyên: “Thời điểm này học sinh đã được học qua hết các phần kiến thức nên việc cần làm là hệ thống hóa các kiến thức cơ bản thuộc chương trình lớp 12 theo dạng chủ đề. Đồng thời, ôn thêm kiến thức cũ đã học ở lớp 10 và 11 như: phương trình lượng giác, phương trình hệ phương trình, tổ hợp, trình hợp, xác suất… Riêng kiến thức về bất đẳng thức giá trị lớn nhất và nhỏ nhất sẽ là phần khó nhất nên nếu thí sinh muốn đạt điểm tuyệt đối thì mới cần tập trung học”.
Tập giải đề như thi thật
Về cách học, ông Hiếu cho biết: “Sau khi hệ thống hóa kiến thức theo chủ đề, học sinh nên chuyển qua làm thử các đề thi dạng tổng hợp. Trước hết là những đề thi chính thức mà Bộ đã ra các năm trước, rồi đến các đề thi thử năm nay của các trường thực sự có uy tín”. Võ Diệu Ánh Dương, thủ khoa Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2012 với tổng điểm 27,5, chia sẻ: “Khi luyện đề, cố gắng chỉ làm bài trong khoảng thời gian 2/3 so với thời gian thi từng môn theo quy định. Đề thi cũng nên chọn ở nhiều dạng khác nhau và nên khó một chút để có nhiều kinh nghiệm”.
Trước xu hướng ngày càng mở của đề thi môn văn, cô Nguyễn Thanh Hằng, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho hay: “Đề tài trong câu nghị luận xã hội sẽ rất rộng, có thể là bất kỳ một vấn đề hay hiện tượng nào trong cuộc sống. Để có điểm tốt, thí sinh phải thể hiện được sự cảm nhận, suy nghĩ sâu sắc các vấn đề. Đặc biệt, cần thể hiện lập trường chính kiến bản thân trên tinh thần nhân văn, nhân bản”.
Hà Ánh
Nguồn: thanhnien.com.vn