Khối A vẫn ưu thế, khối C lác đác
Đầu tháng 5, các Sở GD-ĐT trên cả nước đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng cho các trường. Theo ghi nhận, thí sinh dự thi khối A vẫn chiếm ưu thế trong khi số lượng thí sinh dự thi khối C ngày càng lèo tèo.
Tại TP.HCM, số hồ sơ khối C chỉ có 2.639 bộ trong tổng số 148.293 bộ. Sở GD-ĐT Tây Ninh cũng cho biết, Sở chỉ thu được 967 bộ hồ sơ khối C trong tổng số 14.788 bộ. Tình hình cũng tương tự ở các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Tiền Giang - theo thông tin từ báo Dân Việt.
Ở tỉnh Đồng Tháp, tổng số hồ sơ là 21.902 bộ nhưng khối C chỉ có 778 bộ, khối A cao nhất với 11.192 bộ, khối B: 6.560 bộ. Tỉnh Bến Tre có 949 hồ sơ khối C trên tổng số 20.412 bộ. Tỉnh Long An: 1.079 bộ khối C trên tổng số 27.850 bộ. Tỉnh Tiền Giang: 830 hồ sơ khối C trên tổng số 27.408 bộ.
Tương tự các năm trước, tỷ lệ thí sinh đăng ký khối C ở tỉnh Đồng Nai chỉ chiếm 3%, ở Thanh Hóa là 8%.
Báo Tiền Phong đưa tin, trong số 43.309 HS của tỉnh Thái Bình, khối A và A1 chiếm 53,4%; khối B: 28,7%; khối D: 12,2%; khối C: 3,1%.
Ở nhiều trường, con số này cũng sụt giảm tương đối. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay nhận 3.306 hồ sơ khối C – giảm so với con số 4.042 hồ sơ của năm 2012. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chỉ nhận được 49 hồ sơ khối C trong tổng số 12.007 hồ sơ nộp vào trường.
Giám đốc ĐH Thái Nguyên cũng thừa nhận tỷ lệ chọi của khối C những năm gần đây thấp hẳn so với các năm trước, cụ thể nay chỉ còn 1 chọi 4, 5 so với trước đây 1 chọi 20, 30.
Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội – một trong những trường tập trung nhiều ngành học tuyển đầu vào khối C cũng cho biết lượng hồ sơ khối C năm nay giảm.
Cơ hội việc làm của khối C thấp
Trả lời báo Tiền Phong về hiện tượng này, ông Phạm Hữu Bản – chuyên viên tuyển sinh Sở GD-ĐT Thái Bình cho rằng các ngành khối C sau khi ra trường hầu như chỉ các cơ quan nhà nước tuyển dụng, cơ hội việc làm ít hơn các khối học khác, dẫn đến việc người học ngày càng “xa lánh”.
Ông Nguyễn Văn Kim – phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn thì cho rằng cơ cấu đào tạo và khối thi có vấn đề. Ví dụ như, có những ngành mới mở của trường đòi hỏi sinh viên phải có khả năng phân tích tốt, nhưng học sinh thi khối C vào trường nếu chỉ chuyên tâm vào Văn, Sử, Địa thì sẽ khó học các ngành này.
Ông Kim nhận định thực trạng dạy và học các môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa đang là vấn đề đáng lo ngại. “Với môn Sử và Địa, học sinh không chú ý học. Năm nào thi tốt nghiệp thì học sinh học, nếu không thi thì học sinh sẽ bỏ luôn!”
Đặc biệt, năm nay tổng hồ sơ đăng ký dự thi ở nhiều địa phương có giảm, một phần là do lượng thí sinh của năm nay ít hơn theo năm sinh. Đây cũng được cho là một dấu hiệu đáng mừng khi lượng hồ sơ ảo có vẻ ít hơn.
Xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh năm nay cũng có những chuyển biến rõ rệt. Khối ngành kinh tế, ngân hàng đã bớt “nóng” trong khi các ngành sư phạm, y khoa, kỹ thuật có xu hướng tăng.
Năm nay, ở phía Nam, các trường được đông đảo thí sinh đăng ký dự thi là: ĐH Nông lâm, Sư phạm, Công nghiệp, Quốc gia và một số ĐH vùng như Thủ Dầu Một (Bình Dương), ĐH Đồng Nai (Đồng Nai)... Trong khi ở phía Bắc, những trường “hút” thí sinh gồm có: ĐH Công Đoàn, ĐH Công nghiệp, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Thương mại…
Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH,CĐ tại các địa phương năm 2013 là 1.710.983 hồ sơ, trong đó hồ sơ dự thi ĐH chiếm 79% (1.343.656 hồ sơ), hồ sơ dự thi CĐ chiếm 21% (367.327 hồ sơ).
So với năm 2012, tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm 6% tương đương với gần 100.000 bộ hồ sơ.
Tỷ lệ hồ sơ khối A năm nay đạt 39,1% (năm 2012 là 47,2%); khốiC đạt 6% so với năm 2012 là 6,2%;
Khối A1 đạt 10,2% - tăng 5% so với năm 2012; khối B đạt 23,2%, tăng 1,9%. Khối D1 đạt 17,0% - tăng 0,8% so với năm trước. Các khối khác có tỷ lệ tăng nhẹ. |
Nguyễn Thảo (tổng hợp)
Nguồn: vietnamnet.vn