Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2011 chỉ có 4,44% thí sinh thi khối ngành xã hội nhân văn; năm 2012 là 4,43%. Chưa có thống kê về khối ngành này năm 2013 nhưng chỉ tính riêng khối C, năm nay số thí sinh đăng ký dự thi chỉ 6%, tiếp tục giảm so với năm trước.
Thí sinh dự thi khối C vào Trường CĐ Văn hóa - nghệ thuật TP.HCM năm 2012 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đầu tiên là để tận dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu, tinh giản bộ máy hành chính, tập trung đầu tư nguồn lực. Hiện nay tại các khoa này bộ máy hành chính quá ít người. Có khoa chỉ còn một trưởng khoa và vài cán bộ nhân viên. Việc sáp nhập thành một khoa cũng sẽ tận dụng được giảng viên vì các ngành học này có sự giao thoa. Thứ hai, số lượng sinh viên trong cả 5 khoa chỉ còn hơn 600. Thứ ba, việc tuyển sinh các ngành học này trong các năm qua quá khó khăn vì ít thí sinh lựa chọn.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng nằm trong tình trạng này. Từ năm 2011 trường này cũng đã sáp nhập nhiều khoa thành khoa xã hội - nhân văn như hiện tại. Khoa này của trường gồm 3 chuyên ngành: quản lý đô thị, Việt Nam học và ngữ văn - truyền thông đại chúng. Từ năm 2007, Trường ĐH Sài Gòn thành lập Khoa Sư phạm khoa học xã hội sáp nhập từ 2 khoa: sư phạm ngữ văn, sư phạm sử - địa.
Theo nhiều chuyên gia, việc sáp nhập như trên chủ yếu xuất phát từ một thực tế: ngày càng ít thí sinh lựa chọn khối ngành khoa học xã hội - nhân văn. Lý do là học các ngành này ra trường gặp khó khăn khi xin việc làm. Ngoài ra, chương trình đào tạo khô khan, thiếu linh hoạt cũng khiến thí sinh ngày càng ít quan tâm đến khối ngành xã hội - nhân văn.
Giải pháp tình thế ?
Trước đây khi chưa đủ mạnh, Trường ĐH Đồng Tháp cũng chỉ có một khoa chung là khoa học xã hội - nhân văn gồm ngành văn hóa du lịch, ngữ văn, công tác xã hội. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Minh Giản, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, hiện nay trường quyết định sẽ tách các ngành này ra thành các khoa riêng vì mỗi ngành đã đủ mạnh để hoạt động. Thực tế này giúp những trường khó khăn hy vọng vài năm tới, khi có nhiều thí sinh, sẽ cho trở lại các khoa độc lập.
Trước thực trạng ngành học đóng cửa, sáp nhập khoa... do không đủ sinh viên theo học, nhiều người lo ngại sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, báo động nếu tình trạng này kéo dài sẽ thiếu hụt nhân sự ngành này. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, lo ngại: “Đây vốn là những ngành giúp rèn luyện năng lực tư duy, khả năng ngôn ngữ, kể cả ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp tốt nhất nhưng lại liên tục suy giảm đến nỗi một vị trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ của một trường ĐH lớn trong nước phải đưa ra lời cảnh báo về tình trạng báo động đỏ”.
Tạm dừng ngành học
Thực trạng quá ít sinh viên, không đủ để duy trì lớp học khiến các trường buộc phải tạm thời ngừng đào tạo một số ngành. Vào năm 2011, Trường ĐH Duy Tân có 3 ngành không tuyển đủ để mở lớp là quan hệ quốc tế, văn học và Việt Nam học - dù có đến 100 chỉ tiêu nhưng mỗi ngành đều tuyển chưa được 10 thí sinh. Cũng năm này, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng phải tạm ngưng mở lớp ngành văn hóa học. Kết thúc mùa tuyển sinh năm 2012, Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) vẫn còn hàng ngàn chỉ tiêu, trong đó ngành văn học và Việt Nam học chỉ có vài thí sinh đăng ký. |
Mỗi năm, TP.HCM cần khoảng 20.000 lao động
Theo thống kê, phân tích nhu cầu nhân lực của các ngành nghề tại TP.HCM, nhóm ngành có trình độ ĐH, CĐ khối ngành khoa học xã hội và nhân văn chiếm tỷ trọng khoảng 7% trong số chỗ làm việc cần tuyển mới hằng năm (18.000 - 20.000 người).
Những nhóm ngành có nhu cầu khá lớn bao gồm: thư viện - thông tin, quan hệ quốc tế, tâm lý học, đô thị học, công tác xã hội, du lịch, địa lý, giáo dục, lịch sử, văn học - ngôn ngữ, báo chí và các chuyên ngành ngoại ngữ đặc biệt nhu cầu số lượng lớn về chuyên ngành Anh ngữ và tiếng Trung.
Ngoài ra, nhân lực ngành này rất cần cho sự phát triển của các tỉnh Nam bộ, đặc biệt khu vực kinh tế trọng điểm phía nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng... với nhu cầu mỗi năm trên 10.000 người.
Trừ những ngành hẹp, đa số các ngành trong khối này là ngành rộng và người học ra trường có thể tham gia nhiều lĩnh vực, làm việc nhiều nghề. Sinh viên cũng cần có một số kỹ năng cần thiết như giao tiếp, nghiên cứu, ngoại ngữ... nhưng phần lớn sinh viên chưa đạt yêu cầu nên dẫn đến khó khăn khi xin việc làm.
Ông TRẦN ANH TUẤN |
Đăng Nguyên
Nguồn: thanhnien.com.vn