Các trường thông báo tuyển sinh liên thông ĐH chính quy
Nói “không” với “thi chung”
Nhiều trường ĐH lớn như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Ngoại thương... đến thời điểm này cũng chưa quyết định chính thức việc có tuyển sinh liên thông chính quy với đối tượng tốt nghiệp trung cấp, CĐ chưa đủ 36 tháng.
Các trường ĐH khác như ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Tài chính - marketing, Kinh tế TP.HCM, Sư phạm TP.HCM... cũng không tuyển đối tượng tốt nghiệp dưới 36 tháng trong kỳ tuyển sinh năm nay.
ThS Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết điều này quá mới mẻ và rất phức tạp cả trong khâu tổ chức thi và tổ chức đào tạo nên trường quyết định chưa tuyển sinh, chờ khi nào chuẩn bị kỹ rồi mới làm. Những năm trước lượng thí sinh liên thông tại trường rất lớn, nhưng năm nay do chỉ tuyển đối tượng tốt nghiệp từ 36 tháng trở lên nên hồ sơ rất ít.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết lý do không tuyển sinh vì có nhiều điều chưa rõ ràng. Theo ông này, nếu số trúng tuyển ít quá, trường phải đào tạo thế nào, việc so sánh chương trình người đó đã học cũng mất rất nhiều thời gian và chưa biết bố trí học ở thời điểm nào.
Hơn nữa, đa số người học liên thông đã đi làm, nếu ghép học với lớp chính quy ban ngày liệu họ có nghỉ làm để học được không. Nếu lấy chỉ tiêu liên thông từ chỉ tiêu chung mà không tuyển được thì ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung. Do vậy trường quyết định chưa tuyển sinh liên thông chính quy đối với người tốt nghiệp dưới 36 tháng.
TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - cho biết năm nay trường không tuyển liên thông đối tượng chưa đủ 36 tháng.
Các trường tuyển sinh liên thông có thể căn cứ vào kết quả thi ĐH này mà xét trúng tuyển khi sinh viên đã tốt nghiệp CĐ, giúp sinh viên thuận lợi hơn trong quá trình học.
“Tiếp tục nghiên cứu”
Trao đổi với PV, ông Trịnh Tuấn Anh - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho biết để triển khai tuyển sinh liên thông chính quy, ngoài thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trường còn phải xây dựng quy chế quy định chi tiết cụ thể.
“Dự kiến năm nay trường không tuyển sinh liên thông chính quy với đối tượng bắt buộc phải thi chung với ĐH chính quy khi thời gian đến kỳ thi ĐH chỉ còn vài tháng. Chưa bàn đến việc cơ hội trúng tuyển của các em cao hay thấp, nhưng để sắp xếp việc học cho từng em, tính toán miễn trừ kiến thức cho từng trường hợp như quy định, trường cần có thời gian nghiên cứu về phương thức đào tạo, khối lượng kiến thức các em đạt được khi học trình độ CĐ ở các trường”- ông Tuấn Anh nói.
Thực tế ngay tại thời điểm này, nhiều trường vẫn tỏ ra lúng túng không biết sẽ phải áp dụng việc xét trúng tuyển thí sinh liên thông chính quy thế nào, có áp dụng điểm sàn trong xét tuyển hay không.
PGS.TS Lê Trọng Thắng- trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ - địa chất, cho biết mỗi năm trường có khoảng 1.000 chỉ tiêu liên thông ĐH chính quy, nhưng thực tế chỉ tuyển được 600-700 em, chủ yếu SV ngành kinh tế, ngành kỹ thuật rất ít thí sinh.
“Rõ ràng phần nhiều thí sinh học CĐ, trung cấp trước đó có vấn đề về kiến thức cơ bản nên được phân loại theo học trình độ như vậy. Nhưng cần hiểu liên thông về chuyên môn, nay bắt các em thi, xét trúng tuyển như Đh chính quy thì thật sự khó. Trường sẽ vẫn tuyển sinh nhưng dự đoán không nhiều em qua được cánh cửa rất hẹp này” - ông Thắng phân tích.
Liên thông ĐH chính quy và ĐH chính quy: Điểm chuẩn như nhau
Trao đổi với PV, ông Bùi Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, khẳng định việc thi tuyển thí sinh liên thông chính quy sẽ không có gì khác biệt với thí sinh thi ĐH chính quy.
“Điểm chuẩn của từng ngành là như nhau đối với ĐH chính quy và liên thông ĐH chính quy. Năm nay, thí sinh thi liên thông chính quy lần đầu tiên được xét tuyển sang trường khác khi không trúng tuyển nguyện vọng đăng ký, nhưng việc xét tuyển cũng tuân thủ nghiêm quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện hành. Thí sinh phải đạt trên điểm sàn bộ quy định mới có cơ hội tham gia xét tuyển” - ông Tuấn nói. |
Minh Giảng – Ngọc Hà