Theo đó, ngoài việc đưa ra một số điều chỉnh như phải nộp bản gốc chứng nhận kết quả thi để xét tuyển, điểm chuẩn xét tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước, bổ sung 23 huyện nghèo có học sinh được ưu tiên xét tuyển... phương hướng tuyển sinh còn đưa ra những hướng dẫn chi tiết cho thí sinh trong việc đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển.
Học sinh trường nào, nộp hồ sơ ở đó
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm: một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2 (phiếu số 1 do sở giáo dục và đào tạo lưu giữ, phiếu số 2 do thí sinh giữ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết); 3 ảnh chân dung cỡ 4x6cm được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKDT; 3 phong bì đã dán sẵn tem ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại của thí sinh và bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).
Có quyền rút hồ sơ xét tuyển
Một thay đổi lớn của mùa tuyển sinh năm nay là thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi dùng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi, không được dùng bản sao như đăng ký vào một số trường như năm trước.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) gồm: giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc) và 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Trong thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.
Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau. Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.
Bộ GD-ĐT cũng quy định hằng ngày, các trường nhận và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh. Đặc biệt, bộ lưu ý thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển.
Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn ĐH trở lên; vào các trường CĐ khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0). Thí sinh dự thi CĐ chỉ được tham gia ĐKXT vào các trường CĐ khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn cao đẳng theo quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0).
Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không được thấp hơn điểm sàn
Đây là một nguyên tắc quan trọng trong việc xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Theo đó, các trường khi xác định điểm chuẩn sẽ phải căn cứ vào điểm sàn, bảo đảm điểm chuẩn khi chưa nhân hệ số môn thi. Căn cứ kết quả thi của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của từng khối thi, Bộ GD&ĐT sẽ xác định và công bố điểm sàn hệ ĐH, hệ CĐ đối với từng khối thi A, A1, B, C, D. Thí sinh có kết quả thi thấp hơn điểm sàn không được xét tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi theo đề chung.
Các trường chủ động trong việc xét tuyển theo nguyên tắc: điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước, xét tuyển thí sinh có kết quả thi từ điểm cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu và chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1 điểm và giữa các khu vực là 0,5 điểm (trừ các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có quy định riêng).
Bộ cũng cho phép các trường có thể xác định điểm trúng tuyển theo khối thi, theo ngành học hoặc điểm trúng tuyển chung.