Kinh tế giảm, Nông Lâm Ngư tăng
Mùa tuyển sinh năm nay nhiều trường ĐH – CĐ cắt giảm chỉ tiêu các khối ngành kinh tế như : Trường ĐH Sài Gòn vừa công bố giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế hệ ĐH và dừng tuyển sinh khối kinh tế hệ CĐ trong mùa tuyển sinh 2013 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.900, giảm 1.400 so với năm 2012.
Trong khi khối ngành Kinh tế giảm chỉ tiêu, thì khối ngành Nông Lâm Ngư lại có xu hướng tăng.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 5.300, tăng so với năm 2012. Ông Huỳnh Thanh Hùng - phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay, trường sẽ ưu tiên tuyển sinh cho khối ngành Thủy sản, Chăn nuôi - Thú y nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và xu hướng dịch chuyển ngành nghề chung”.
TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cũng dự kiến cắt giảm chỉ tiêu các ngành Kinh tế, Sư phạm tăng chỉ tiêu các ngành Nông nghiệp. Theo đó, chỉ tiêu tuyển mới năm nay ở ĐH 2.500 chỉ tiêu và CĐ là 1.100.
Một số ngành khối nông nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ cũng dự kiến tăng chỉ tiêu trong năm 2013. Cụ thể: Ngành phát triển nông thôn tăng từ 70 lên 80 chỉ tiêu; ngành thú y tăng từ 160 lên 180 chỉ tiêu; ngành khoa học cây trồng tăng từ 240 lên 270 chỉ tiêu; ngành nông học tăng từ 80 lên 120 chỉ tiêu... Tổng chỉ tiêu tuyển mới của trường tăng thêm 1.000, tập trung các khối ngành Nông - Lâm - Ngư và Kỹ thuật.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Tây Nguyên năm 2013 là 3.200 và trường cũng cơ cấu lại việc tuyển sinh theo hướng, giảm chỉ tiêu khối ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán và tăng chỉ tiêu cho các ngành Chăn nuôi, Lâm sinh, Khoa học cây trồng...
Thí sinh vẫn chuộng kinh tế
Cho dù các trường cắt giảm chỉ tiêu khối ngành Kinh tế, nhưng tại các buổi tư vấn tuyển sinh gần đây nhiều thí sinh vẫn đổ xô thi khối ngành này. Lý do được phụ huynh và học sinh cho rằng học khối ngành Kinh tế ra trường dễ xin việc hơn.
Lê Phương, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lương Văn Can (Q.8) nói: “Em chọn thi Kế toán. Gia đình từ lâu đã hướng cho em thi ngành này. Em cũng lo lắng trước thông tin Bộ GD-ĐT giảm chỉ tiêu và nhu cầu việc làm sau này nhưng em vẫn thi kế toán”.
Nguyễn văn Anh học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) cho biết, lí do em chọn thi vào ngành Quản trị Kinh doanh (Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM) vì gia đình em ai cũng học kinh tế hết và ai cũng thành đạt, vì em cũng thích kinh tế hơn.
Còn Bà Lê Thị Thúy Hồng, phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) cho biết: “Các năm trước, tỉ lệ học sinh của trường chọn thi giữa khối ngành kinh tế và các ngành khác với tỷ lệ 60/40. Năm nay, học sinh có quan tâm đến khối Sư phạm, nhưng không nhiều. Phần đông vẫn quan tâm đến khối Kinh tế..."
Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương khái quát, nhóm ngành Kinh tế vẫn thu hút thí sinh, đặc biệt là thí sinh khá giỏi. Xu hướng thí sinh vẫn thích chọn ngành Kinh tế là dễ kiếm việc làm. Mức lương cao cũng là một trong những yếu tố cơ bản khiến các ngành kinh tế hấp dẫn thí sinh.
Ông Trần Anh Tuấn, phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Từ đầu năm 2013 tới nay, tôi đi tư vấn hướng nghiệp cho hơn 10 trường THPT trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành Đông Nam Bộ. Dù vẫn còn đắn đo trong vấn đề việc làm, mức độ cạnh tranh khi ra trường, nhưng các em vẫn quan tâm nhiều tới khối ngành Kinh tế”.
Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho rằng: “ Việc học sinh chọn khối kinh tế đã từ lâu và tiền lệ, lý do các học sinh chọn thi kinh tế là tâm lý và đa phần nhìn nhận học kinh tế ra trường lương cao…
"Tuy nhiên, các em cần lượng sức khi chọn thi khối ngành Kinh tế vì điểm thi của khối này rất cao, những học sinh khá giỏi mới đủ sức để thi” - lời ông Cường.
Anh Thư
Nguồn: vietnamnet.vn