Tháng 12/2011, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 57, quy định: Kể từ năm 2012, các ĐH, học viện không đào tạo trình độ TCCN. Quy định này khiến các trường trung cấp vui mừng vì họ sẽ có nguồn tuyển dồi dào hơn.
Thế nhưng đến tháng 6/2012, Bộ lại sửa đổi điều 6 trong Thông tư 57. Theo đó, các trường ĐH không phải ngừng tuyển sinh hệ TCCN ngay từ năm 2012 mà giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh TCCN để dừng tuyển sinh trước năm 2017.
Thực tế hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh của hệ trung cấp trong các trường ĐH không giảm mà còn tăng hơn trước. Nhiều trường để duy trì hệ trung cấp đã “mua” lại trường trung cấp khác hoặc xin thành lập trường mới.
Tháng 3/2012, ĐH Tôn Đức Thắng có tờ trình, sau đó được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập trường TCCN Tôn Đức Thắng trên cơ sở nâng cấp Phòng TCCN và Dạy nghề của trường này.
Sinh viên trong giờ thực hành (Ảnh minh họa)
Theo website của ĐH Tôn Đức Thắng, trường trung cấp này được xem là một bộ phận của trường và việc tuyển sinh vào trường trung cấp cũng “bám” vào trường “mẹ đẻ”.
Cách đây vài tháng, ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đã “mua” Trường TC Kinh tế công nghệ Gia Định vốn đang chật vật trong việc tuyển sinh từ nhiều năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm chỉ ở mức 350 sinh viên.
Sau khi được ĐH Nguyễn Tất Thành đầu tư, chỉ tiêu của trường đã tăng lên 1.000 cho năm nay. Hiện tại, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo tuyển sinh hệ TCCN với tổng chỉ tiêu 2.000.
ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) cũng thành lập trường trung cấp Thái Bình Dương, chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng từ 270 của năm trước lên 1.000 chỉ tiêu.
Ở một số trường ĐH khác, chỉ tiêu hệ trung cấp năm nay không những không giảm mà còn tăng.
Ở ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, chỉ tiêu hệ TCCN tăng từ 450 (năm 2011) lên 500; chỉ tiêu hệ TCNN của ĐH Thái Bình Dương cũng tăng từ 270 (năm 2011) lên 500...
Trung cấp hết nguồn tuyển
Các trường ĐH duy trì hệ trung cấp đã làm cho trường TCCN tiếp tục khó tuyển sinh. Ths. Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường trung cấp Đại Việt TPHCM cho biết: “Năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 2.800 nhưng đến nay trường mới tuyển được 1.000 học sinh.
“Nếu các trường ĐH vẫn tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp thì các trường TCCN như chúng tôi sẽ còn khó khăn về nguồn tuyển dài dài. Năm nay, thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các trường ĐH, CĐ kéo dài tới gần hết năm, họ sẽ “vét” hết thí sinh, chúng tôi sẽ cạn kiệt nguồn tuyển”, ông nói.
Tương tự, Trường trung cấp Bách khoa Sài Gòn có chỉ tiêu 2.200 nhưng hiện mới chỉ tuyển được khoảng 700 học sinh. ThS. Châu Văn Dưỡng, hiệu trưởng trường này cho biết: Thế mạnh của trường là đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như y sĩ, hộ sinh, dược sĩ, điều dưỡng và trường đã đầu tư xây dựng 16 phòng thí nghiệm, thực hành với các trang thiết bị hiện đại theo chuẩn của Bộ Y tế nhưng hiện nay vẫn phải chịu chung số phận với các trường TCCN.
Hàng loạt trường TCCN khác đang khó tuyển sinh. Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh mới chỉ tuyển được 800/1.500 học sinh; trường trung cấp Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn cũng mới tuyển được khoảng 1.000/ 2.400 chỉ tiêu; Trường trung cấp Tin học kinh tế Sài Gòn tuyển được gần 100 em trên tổng số 850 chỉ tiêu.
Ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch Khối liên kết các trường chuyên nghiệp TPHCM cho rằng, học sinh và phụ huynh vẫn còn mang tâm lý dù học TCCN nhưng học ở trường ĐH vẫn oai hơn.
Không những thế, các trường ĐH còn quảng bá học xong trung cấp ở trường sẽ được liên thông lên bậc cao hơn...
Lãng phí!
Tại hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục trung cấp chuyên nghiệp TPHCM” vừa diễn ra tại TPHCM, ThS. Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho rằng chồng chéo trong đào tạo TCCN ngoài gây khó cho quy hoạch, lập kế hoạch đào tạo nhân lực của từng trường còn gây tâm lý bất an cho học sinh khi chọn trường.
Chưa kể, hệ thống quản lý giáo dục nghề nghiệp còn lỏng lẻo, xảy ra mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề.
Nhiều nhà giáo dục cho rằng, cơ quan chủ quản cho ra đời quá nhiều trường TCCN nhưng lại duy trì hệ trung cấp trong trường ĐH là bất hợp lý, gây ra lãng phí lớn đối với xã hội.
Nhà giáo Trần Chút với gần 50 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục nói rằng: Sự lựa chọn trường học là do học sinh, và tâm lý chung ai cũng muốn mình học ở trường ĐH. Nếu các trường ĐH không còn đào tạo trung cấp thì học sinh học trung cấp sẽ chọn trường trung cấp để học.
Hàng loạt chính sách của nhà nước ta hiện nay trong khâu tuyển dụng (đòi hỏi bằng cấp, chính sách lương)… đang bất cập, khiến người học không muốn học trung cấp. Hơn nữa, việc ra các văn bản bất nhất, chắp vá của BộGD&ĐT thể hiện yếu kém trong quản lý và vi phạm Luật Giáo dục năm 2005, Luật Giáo dục Đại học mới được ban hành là xóa bỏ hệ trung cấp trong trường ĐH.