Tin tức Tuyển sinh


Sinh viên cần biết khi học tín chỉ

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT


Cần thận trọng khi đăng ký học phần

Theo các nhà quản lý GDĐH, đăng ký học tập là một khâu rất quan trọng trong việc tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. SV đăng ký không đúng (vượt quá xa) với năng lực học tập của mình, có thể dẫn đến kết quả học tập yếu kém, sẽ bị buộc thôi học. Tất nhiên, trách nhiệm đầu tiên là cố vấn học tập (giáo viên [GV] chủ nhiệm), vì cố vấn học tập phải tư vấn và ký vào bản đăng ký học tập của SV. Nhưng dù thế nào thì công tác tư vấn khối lượng học tập cho SV trong mỗi học kỳ vẫn là trách nhiệm của cả SV lẫn nhà trường.

Quy chế đào tạo tín chỉ của Bộ GD&ĐT quy định rất cụ thể việc đăng ký khối lượng học tập, trong đó có giới hạn cho từng đối tượng SV. Bên cạnh đó, quy chế còn cho phép SV được rút bớt học phần đã đăng ký. Đó là những điều kiện giúp SV không thể vì đăng ký học quá sức mà bị buộc thôi học. Cụ thể, việc đăng ký học tập của SV diễn ra trong 3 giai đoạn: đăng ký sớm, đăng ký bình thường và đăng ký muộn. SV có quyền rút các học phần đã đăng ký trong vòng 6 tuần đầu của học kỳ chính, nếu cảm thấy không theo được. Điều đó có nghĩa là SV hoàn toàn có cơ hội cũng như có đủ thời gian để cân nhắc và sửa sai.

Bản chất của việc đào tạo theo học chế tín chỉ là sự tích lũy kiến thức của người học theo từng học phần trong quá trình học tập. Trong toàn bộ thời gian học tối đa cho phép, người học phải tích lũy được đủ số tín chỉ tối thiểu quy định cho từng văn bằng và đạt điểm trung bình chung tích lũy tối thiểu. Sau từng học kỳ, người học cũng phải tích lũy được một số tín chỉ tối thiểu và đạt được điểm trung bình chung tích lũy tối thiểu, đảm bảo sau thời gian học cho phép, có thể tốt nghiệp. Nhà trường sẽ xét tiến độ học tập của SV theo từng học kỳ.

Trong thời gian qua, không ít SV ở một số trường ĐH đã bị buộc thôi học một cách oan uổng, là do cả nhà trường lẫn SV đều chưa hiểu rõ quy chế đào tạo tín chỉ mà Bộ GD&ĐT ban hành. Bản thân GV ở các trường ĐH khi cho điểm đánh giá SV cũng chưa quan tâm đến thang điểm mà quy chế quy định, nên đã cho điểm theo tư duy cũ của quy chế đào tạo theo niên chế.

Trao đổi về việc vì sao có nhiều SV vừa qua bị buộc thôi học chỉ vì không nắm rõ quy chế, bà Trần Thị Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Với quy chế mới thì điểm 5,5 trở lên mới được đánh giá là mức điểm trung bình chứ không phải là điểm 5. Vì thế, mới dẫn đến trường hợp một số SV đạt điểm 5 nhưng vẫn bị xếp điểm học phần vào thang điểm D (trung bình yếu). Theo quy chế đào tạo tín chỉ, nếu SV thấy các học phần bị điểm D thì được đăng ký học lại để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy. Như vậy, sẽ không dẫn đến hậu quả là SV bị buộc thôi học, chỉ vì cứ nghĩ đạt điểm 5 là “qua cầu” rồi”.

Một vấn đề quan trọng khác mà các tân SV cũng rất cần lưu ý. Đó là khi đăng ký dự thi vào ĐH, nhiều SV chưa hiểu hết về ngành nghề sẽ học. Vì vậy, trong quá trình học, có không ít SV muốn được chuyển ngành cho phù hợp với khả năng. Tuy nhiên, Quy chế 43 (đào tạo theo tín chỉ) quy định SV chỉ được đăng ký học thêm một ngành thứ hai, chứ không được chuyển đổi ngành học. Để tránh tình trạng SV bỏ ngành học thứ nhất để học ngành thứ hai, quy chế còn nêu rõ: “SV chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất”.

Theo các chuyên gia GDĐH, sở dĩ các quy định của Bộ GD&ĐT chưa phát huy hết những ưu việt của hình thức đào tạo tín chỉ (cho phép SV thay đổi ngành học trong quá trình học tập), là vì hiện nay các trường ĐH đang tuyển sinh theo hình thức “ba chung” và lấy điểm chuẩn theo ngành (đã được Bộ duyệt). Thí sinh được tuyển sinh theo ngành, theo điểm chuẩn khác nhau. Nên nếu SV đã đăng ký ngành nào thì bắt buộc phải theo học ngành đó, để đảm bảo công bằng cho các SV khác. Do vậy, trong trường hợp SV muốn chuyển đổi ngành học thì phải chấp nhận học hai ngành.
 

 
 

Để học tín chỉ có hiệu quả

Điều SV cần lưu ý đầu tiên khi bước vào quá trình học tín chỉ là cách tính điểm. Khác với đào tạo theo niên chế, điểm học phần cho theo thang điểm 10, sau đó chuyển thành điểm chữ, gồm: A, B, C, D. Nhưng khi tính điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy, điểm chữ ở mỗi học phần được quy đổi qua điểm số ở thang điểm 4. Tuy nhiên, ở mỗi trường lại có cách vận dụng tính điểm khác nhau. Chẳng hạn, hệ thống các trường, khoa ở ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn sử dụng thang điểm chính thức là 10, việc quy đổi sang điểm chữ và điểm số thang điểm 4 chỉ có tính tham khảo hoặc để ghi vào bảng điểm quốc tế.

Theo các nhà quản lý GDĐH, khi học tín chỉ, cột điểm của SV luôn có 2 phần: điểm quá trình và điểm thi kết thúc môn. Trong đó, tùy theo môn học mà 2 phần điểm này được chia ở mức khác nhau, từ 20 - 50% điểm quá trình và 50 - 80% điểm thi kết thúc môn. Điểm quá trình gồm điểm chuyên cần, làm bài tập trên lớp, làm việc nhóm, làm bài luận... Đặc biệt, theo quy định cũ, điểm học phần từ 4,6 đã được làm tròn thành 5,0 điểm, nhưng theo quy định mới thì 4,9 vẫn là 4,9 điểm. Do vậy, nhiều SV không chú ý điểm này nên rớt môn rất thê thảm, dù điểm còn thiếu là rất ít. Điểm quá trình rất quan trọng, sẽ ảnh hưởng và quyết định tới các loại điểm khác. Vì thế, SV cần cố gắng hết sức để đạt được điểm tốt ngay từ điểm quá trình.

Nhiều tân SV khi theo học tín chỉ giai đoạn đầu bị sốc rất nặng, do không hiểu rõ và không làm đúng quy trình trong đăng ký môn học. Lợi thế của học chế tín chỉ là cho phép SV toàn quyền quyết định kế hoạch học tập của mình, phù hợp với khả năng và hoàn cảnh thực tế của bản thân. Nhưng có không ít SV đã sai lầm trong việc lên kế hoạch học tập, như: đăng ký quá nhiều môn ở học kỳ này, nhưng quá ít môn ở học kỳ khác.

Để có kế hoạch học tập tốt, cần đăng ký môn học phù hợp. SV cần nghiên cứu kỹ chương trình đào tạo của nhà trường, cụ thể là tìm hiểu kỹ thông tin trong cuốn Sổ tay SV mà trường phát vào đầu khóa học. Theo lời khuyên của các nhà quản lý GDĐH: tân SV khi nhập học, nếu thiếu thông tin thì nên hỏi kinh nghiệm từ các anh chị SV đi trước, hoặc tham vấn ý kiến từ các cố vấn học tập (GV chủ nhiệm) của mình. Đặc biệt, SV nên tận dụng triệt để sự cho phép trong việc hoãn thi, rút bớt học phần, đăng ký học cải thiện (thi lại học phần), học vượt, học kéo dài... Lưu ý: SV năm thứ nhất, trong học kỳ đầu tiên không nên học vượt.

Về phương pháp học tập, đối với SV, khó nhất khi học tín chỉ là phải áp dụng phương pháp học tích cực, đó là tự học và học nội dung cốt lõi là chính. Cụ thể, nếu như giờ lý thuyết chủ yếu là nghe, viết và suy ngẫm, thì giờ thảo luận phải là nói nhiều và tranh luận. Ưu tiên đặt câu hỏi hơn là trả lời. Tránh đi vào những vấn đề quá sâu, phức tạp và mất nhiều thời gian. Đừng nôn nóng hiểu sâu, hãy hiểu những vấn đề cơ bản trước. Điều quan trọng, theo các chuyên gia GDĐH, là SV phải học cách tự đọc tài liệu để hiểu kỹ “linh hồn” của từng chương và tiến tới cả học phần.

Tuy nhiên, các chuyên gia GDĐH cũng khuyên: SV khi học tín chỉ, muốn được điểm cao và hiệu quả học tập tốt, không đơn giản chỉ lên thư viện đọc sách từ sáng đến tối, “cày” chăm chỉ, đến kỳ thi học thuộc bài, mà quan trọng là phải có kỹ năng và sự sáng tạo trong học tập. Điểm khác biệt lớn nhất của học chế tín chỉ so với cách học truyền thống là thời lượng sẽ dành nhiều hơn cho thảo luận, làm việc nhóm và tự đọc sách.

Các chuyên gia GDĐH cho rằng, để đạt hiệu quả tốt trong đào tạo tín chỉ, cần có sự chuẩn bị và nỗ lực từ cả 3 phía: nhà trường, GV và SV. Nhà trường cần phải minh bạch tất cả các thông tin liên quan đến việc học của SV, thông qua lịch học vụ, sổ tay SV, mạng điện tử...; GV phải thay đổi tư duy và phương pháp giảng dạy phù hợp với đào tạo tín chỉ, thiết kế bài giảng trên lớp và nội dung tự học tại nhà cho SV (1 tín chỉ phải có 30 giờ tự học của SV); Phải lấy người học làm trung tâm, xem đó là cách tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, như: thảo luận, học nhóm, thậm chí cả đọc - chép...; Với SV, quan trọng nhất là phải hết sức chủ động, biết cách tự đánh giá khả năng học tập của mình, để có sự lựa chọn môn học phù hợp. 

Đào Quốc Toàn

 

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.