Là giáo viên chuyên Vật lý của trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), thầy Lê Văn Hoành có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như trong việc ôn thi môn Vật lý cho học sinh tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng như quốc tế. Mới đây nhất là tấm Huy chương Vàng của em Lê Huy Quang, lớp 12 chuyên Lý, trường THPT chuyên Lam Sơn tại kỳ thi Olimpic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 13 được tổ chức tại Ấn Độ.
Qua Dân trí, thầy Hoành có một số lời khuyên về cách ôn thi môn Vật lý để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012.
Thứ nhất về phần bài tập: Môn Vật Lý là môn thi trắc nghiệm đòi hỏi tính toán nhiều. Thường đề thi có 50 câu rải đều cả chương trình nên học sinh không thể học tủ được mà phải học đều cả chương trình cơ bản của SGK.
Vì là môn thi trắc nghiệm nên thời gian làm bài thi ngắn, do đó các thí sinh phải rèn luyện cho mình khả năng tính toán, bấm máy tính và tính nhẩm nhanh.
Trong đề thi môn Vậy lý chủ yếu là chương trình lớp 12, vì vậy nhiều thí sinh chủ quan không nắm lại chương trình lớp 10 và 11. Tuy trong đề thi chủ yếu là chương trình lớp 12, nhưng nhiều kiến thức có liên quan đến lớp 10 và lớp 11. Nhiều bài tập các em cho là khó, vì các em không nắm được kiến thức của chương trình lớp 10 và lớp 11.
Trong khi làm bài thi, có một số bài tập, câu hỏi khó, để giải ra nhanh thì phải sự dụng các kết quả của những bài dễ và phải nhớ kết quả của nó. Vì có những bài dễ không phải là định lý, định luật nên khi làm xong các em thường hay quên, không để ý.
Trong quá trình ôn tập, học sinh cần chú ý làm thêm một số bài tập tự luận. Bởi vì bài tập, câu hỏi khó trong đề thi môn Vật lý của kỳ thi Đại học, thường là lấy từ bài tập tự luận.
Thứ hai là về phần lý thuyết: Thí sinh cần chú ý hiểu bản chất vấn đề để xoay xở trong mọi tình huống, điều đó không có nghĩa là học một số câu, hiểu theo kiểu máy móc mà phải hiểu bản chất vấn đề thì mới không bị lúng túng, rối.
Đến thời điểm này, thời gian ôn thi không còn nhiều, thí sinh không thể học một cách tràn lan mà cần làm các bài tập tổng hợp, các đề thi thử, qua đó nếu cảm thấy thiếu chỗ nào thì tìm cách vá chỗ đó.
Trước khi bước vào môn thi, thí sinh cần có tâm lý thoải mái, cố gắng ngủ ngon, bình tĩnh, tự tin không rối, vì thời gian làm bài ngắn, không vội vàng, thong thả nhưng mà thong thả vội, không rối.
Trên đây là những chia sẻ, lời khuyên cơ bản của thầy giáo Lê Văn Hoành với mong muốn sẽ cho các thí sinh làm tốt bài thi môn Vật lý trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới.
Duy Tuyên (ghi)