Tin tức Tuyển sinh


Các trường ráo riết tổ chức ôn thi cho HS

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT


Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Trường THPT Dân tộc nội trú Quỳ Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An) có khoảng 325 em đăng ký dự thi. Trong đó 80% học sinh là người dân tộc thiểu số. Các em hầu hết trọ học xa nhà, thiếu người quản lý, đôn đốc việc tự học đối với các em vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Khoảng 4 năm trở lại đây, chi đoàn giáo viên nhà trường đã tự nguyện mở các lớp dạy học ban đêm cho học sinh nội trú, trong đó ưu tiên học sinh khối 12. Sau khi biết các môn thi tốt nghiệp, trường đã giao cho các giáo viên bộ môn lên kế hoạch ôn tập cụ thể với định mức 15 tiết/môn.

Riêng bộ môn tiếng Anh được tăng cường 25 tiết trên đợt vì trong 6 môn thi tốt nghiệp, học sinh của trường hạn chế nhất môn tiếng Anh. Song song với đó, Đoàn trường và các tổ chuyên môn còn có sáng kiến truyền tải những cách giải hay, hệ thống hóa kiến thức, công thức các môn tự nhiên trên hệ thống bảng tin của trường. Một đề bài được đưa ra, học sinh tham gia giải, trình bày lên bảng tin, nhiều cách giải và tìm ra cách giải hay nhất. Với cách làm này, thu hút rất nhiều học sinh tham gia và hiệu quả đem lại rất lớn.
Nghệ An tăng tốc cho các em có một kỳ thi tốt nghiệp đạt nhiều kết quả cao.

Em Lương Thị Huyền, học sinh lớp 12 cho biết: “Vào giờ ra chơi, chúng em thường tập trung ở bảng tin để xem cách giải Toán, đố nhau những câu đố vui liên quan đến bài học, với cách học trực quan này, dễ nhớ, dễ thuộc mà không mất nhiều thời gian...”.

Còn đối với trường THPT Dân tộc nội trú Kỳ Sơn (huyện biên giới Kỳ Sơn), một trường vùng cao nơi có đến 97% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số thì để có được kết quả thi tốt nghiệp như mong đợi rất cần sự vào cuộc tích cực của giáo viên và nỗ lực của các em học sinh. Trường đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12 và đã mở thêm lớp phụ đạo dành riêng cho học sinh yếu.

Thầy Lương Thanh Nghệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường tách riêng học sinh yếu để ôn tập tối đa nhằm nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp. Nhà trường tổ chức ôn thi cho các em theo chủ đề. Tất cả giáo viên soạn sẵn bộ đề cương bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp. Chúng tôi thường xuyên động viên tinh thần các thầy cô để cố gắng ôn cho các em đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp. Nhà trường đã tổ chức thi thử tốt nghiệp cho các em lần 1, kết quả có khoảng 50% học sinh khối 12 đạt điểm từ trung bình trở lên”.

Đối với các em học sinh thuộc diện chương trình 30a này thì kết quả của kỳ thi tốt nghiệp rất quan trọng. Bởi theo NQ 30a của Thủ tướng Chính phủ thì học sinh của các huyện nghèo sau khi đậu tốt nghiệp được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ.
Tập trung ôn thi tốt nghiệp tại trường THPT DTNT Kỳ Sơn.

“Có thể nói kỳ thi tốt nghiệp THPT là “mốc” quan trọng quyết định tương lai của các em. Do đó, ban giám hiệu nhà trường quyết tâm ôn tập thật chu đáo, kỹ lưỡng để các em có kết quả cao nhất. Đồng thời quán triệt đến học sinh, phụ huynh tinh thần nghiêm túc, khách quan của kỳ thi để các em chuẩn bị tốt tâm lý khi bước vào kỳ “vượt vũ môn” này”, thầy Nghệ cho biết thêm.

Đối với các trường ngoài công lập, cố gắng để có số thí sinh trượt ít nhất chính là mục tiêu mà hầu hết các trường nhắm tới. Hiện các trường đang cố gắng hoàn thành sớm chương trình để dành thời gian cho học sinh ôn tập. Thời điểm này là giai đoạn thắt chặt kỷ cương, nề nếp để học sinh không bị xếp loại hạnh kiểm yếu, kém mà mất cơ hội thi tốt nghiệp. Học sinh của các trường: Dân lập Lê Doãn Nhã (Yên Thành), Dân lập Nguyễn Trãi (TP.Vinh), Dân lập Sào Nam (Nam Đàn)... khi được hỏi đều cho biết các em thường xuyên được giáo viên kiểm tra định kỳ để phát hiện các lỗ hổng kiến thức, kịp thời củng cố kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong khi đó, các Trung tâm giáo dục thường xuyên tâm cũng chuẩn bị đầy các trang thiết bị như bàn ghế, điện sáng, quạt mát... Năm nay, Sở GD&ĐT Nghệ An có chủ trương lập hội đồng thi theo loại hình trường (công lập, dân lập và bổ túc văn hóa riêng biệt) nhưng với các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh đều cho rằng mọi cái hoàn toàn bình thường, không có gì khó khăn, trở ngại. Cái chính là dạy và học thực chất thì kết quả sẽ thực chất.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT năm nay, Bộ GD-ĐT chủ trương giao quyền tự chủ tổ chức thi tốt nghiệp cho các tỉnh: Giám đốc Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ về việc tổ chức thi và việc thi theo cụm hay không theo cụm. Đồng thời chịu trách nhiệm toàn bộ về việc tổ chức lực lượng thanh tra kỳ thi trong toàn tỉnh bởi kỳ thi năm nay sẽ không có thanh tra của Bộ GD&ĐT theo dõi ở các điểm thi như những năm trước.

Việc tổ chức chấm thi cũng do Giám đốc Sở trực tiếp chỉ đạo, không sử dụng hình thức chấm chéo giữa các tỉnh như những năm trước. Riêng tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức các hội đồng thi theo loại hình trường (công lập, dân lập và Bổ túc THPT).

Do tính chất “tự chịu trách nhiệm” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT nên Sở GD-ĐT Nghệ An cũng như các thành viên ban chỉ đạo kỳ thi quan điểm chuẩn bị tốt các phương án để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đặc biệt không để xảy ra hiện tượng lộn xộn ngoài phòng thi; khách quan trong chấm thi, không chạy theo tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp mà đánh giá thiếu thực chất, chính xác.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, toàn tỉnh Nghệ An có 61 cụm thi, 91 hội đồng thi và 1855 phòng thi với khoảng hơn 40 nghìn thí sinh. Ban chỉ đạo các kỳ thi đã quán triệt đến cán bộ quản lý giáo dục lưu ý các điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Đồng thời yêu cầu các trường chuẩn bị tốt các phương án để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi. Trước mắt, các trường tổ chức tốt công tác ôn thi cho học sinh, tập huấn quy chế coi thi cho giáo viên chu đáo, nghiêm túc. Cán bộ quản lý giáo dục ở các huyện, thị, các nhà trường phải lên kế hoạch tổ chức kì thi một cách chu đáo, chi tiết, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

 
 Lany Nguyễn

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.