Dù số lượng thí sinh nộp hồ sơ chưa nhiều, mới chỉ khoảng 1/3 nhưng xu hướng của học sinh (HS) lớp 12 trên địa bàn Hà Nội vẫn “chuộng” ngành Kinh tế, “né” khối C.
Cô Thu Anh, hiệu phó Trường THPT Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết:“Tình hình chọn trường dự thi sẽ không có nhiều thay đổi so với mọi năm. Số HS lựa chọn thi vào các ngành tuyển sinh khối C năm 2012 chỉ khoảng 5-6 em/500 HS lớp 12”. Còn cô Hà Thị Phương Lan, hiệu phó Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa, Hà Nội, dự đoán: “Toàn khối 12 với trên dưới 700 em chắc chỉ 6-7 trường hợp đăng ký thi các ngành học khối C”.
Không chỉ “né” khối C mà HS Hà Nội còn “né” luôn cả ngành Sư phạm. Theo cô Bùi Thị Minh Nga, phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, HS của trường chủ yếu quan tâm tới các trường là ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH RMIT, Học viện Ngoại giao, FPT... Còn các trường khối xã hội các em ít quan tâm, đặc biệt là khối Sư phạm thì càng hiếm. Cả trường chỉ có 1, 2 HS dự định đăng ký vào ngành Sư phạm.
Tương tự, theo ông Nguyễn Đức Hải, hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy cho biết. “Xu hướng lựa chọn năm nay của hơn 400 HS lớp 12 của trường vẫn chủ yếu là khối ngành Kinh tế và một số trường đặc thù như công an, quân đội còn Sư phạm thì không có HS nào đăng ký mặc dù thầy cô rất nhiệt tình khuyến khích các em theo học ngành này”.
Không chỉ học sinh lớp học bình thường mà ngay ở lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, tình hình cũng không có gì khác. Trong số 27 em của lớp chỉ duy nhất một thí sinh chọn thi vào ngành học khối C. 26 HS còn lại, ngoài những em du học thì đều chọn thi vào các ngành học khối D như Tài chính, Ngân hàng, Kinh tế...
Em Phạm Nhật Minh, HS lớp 12 chuyên Địa lý của Trường THPT Chuyên Chu Văn An, cho biết lớp em có 35 bạn nhưng chỉ 2 trong số này chọn thi các trường khối C. Các bạn còn lại đều chọn thi khối A và D.
Nhiều ngành xã hội, cơ hội việc làm cao
Sở dĩ thí sinh “né” khối C là do cơ hội việc làm sau khi ra trường ít, tỷ lệ thất nghiệp nhiều. Tuy nhiên, lãnh đạo của nhiều ngành xã hội cho biết, nhiều ngành xã hội đang khan hiếm nguồn nhân lực.
Hay như ngành Việt Nam học, sau khi tốt nghiệp, SV có kĩ năng để tác nghiệp theo hướng đa ngành nghề như nghiên cứu, giảng dạy về đất nước - con người Việt Nam, hoặc hoạt động trong các lĩnh vực Du lịch, Văn hóa, hoạch định chính sách, ngoại giao, báo chí, xuất bản… Lãnh đạo khoa Việt Nam học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Theo thống kê từ phía các bạn “cựu cán bộ lớp”, 90% các bạn SV ra trường có việc làm thu nhập tốt đúng chuyên ngành đào tạo, trong đó nhiều nhất là làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, du lịch, báo chí, truyền thông”.
(Hồng Hạnh)