Tin tức Tuyển sinh


Thi nhiều ngành, nhiều khối: lợi hay hại?

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT


ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - ở lại tư vấn đến phút cuối - Ảnh: Tiến Thành

Cùng một ngành học nên chọn thi trường nào; nên tập trung thi một khối cho tốt hay thi nhiều khối, nhiều đợt để tăng cơ hội trúng tuyển là tâm tư của rất nhiều học sinh Khánh Hòa gửi đến ban tư vấn.

Trước buổi tư vấn, ông Trần Ngọc Anh - phụ trách Phòng giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa - cho biết: “Sở GD-ĐT đã phát hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ cho học sinh từ ngày 10-3. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều em vẫn phân vân chưa biết nên chọn ngành nào, trường nào”. Và để tìm câu trả lời, hơn 2.500 học sinh các trường THPT ở TP Nha Trang và các khu vực lân cận đã tìm đến chương trình.

Tập trung “khối thi thế mạnh”

"Những thí sinh thi nhiều khối sẽ tốn kém vì phải nộp nhiều hồ sơ đăng ký dự thi, tốn nhiều công sức do ôn luyện thi nhiều môn, học dàn trải... Rõ ràng thi nhiều khối sẽ có nhiều bất lợi hơn so với thi một khối"

TS Nguyễn Văn Thư

"Đặc biệt năm nay các mã ngành đều thay đổi nên càng phải chú ý để ghi thật chính xác. Bên cạnh đó, việc ghi ngày tháng năm sinh cũng phải chú ý, nên tập trung để làm cho chính xác. Các em cần ghi lại số điện thoại liên hệ của mình để khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ phát hiện sai sót có thể liên hệ các em để chỉnh sửa"

TS Lê Thị Thanh Mai

Chia sẻ băn khoăn của học sinh, TS Lê Thị Thanh Mai - ĐHQG TP.HCM - thông tin kỳ thi năm 2011 nhiều thí sinh chọn hai khối để dự thi như A, B (60%), khối A, D (30%), thậm chí nhiều bạn thi hai khối A, C (3,5%).

 Với những thí sinh có ý định thi hai khối để tăng cơ hội trúng tuyển, TS Mai đưa ra lời khuyên: “Hai khối A, B có mức độ tương quan giữa các môn thi khá lớn nên cũng thêm cơ hội cho thí sinh.

Với những bạn thiên về khối thi D1, nếu chọn thêm khối A sẽ vất vả hơn vì phải ôn thêm môn vật lý, hóa học. Tuy nhiên, nếu bạn chọn D1, A1 thì sẽ có ưu thế hơn”. Ngoài ra, theo TS Mai, thí sinh cũng không nên chọn thi hai khối không tương quan như A, C vì sẽ bị phân tán nhiều về kiến thức, tư tưởng ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi.

TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng những thí sinh dự tính chọn nhiều trường, khối thi do chưa xác định rõ ràng, định hướng ngành nghề của bản thân chưa tốt. Trong trường hợp này, thí sinh sẽ có nhiều bất lợi.

Đó là thay vì đầu tư học chắc một khối thi nào đó với ba môn, những thí sinh thi từ hai khối trở lên sẽ phải học ít nhất bốn môn. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - chia sẻ thêm: “Trường THPT đào tạo cho các bạn đầy đủ kiến thức ở nhiều môn học, tuy nhiên năng khiếu của bạn ở các môn học thường khác nhau.

 Vì vậy, bạn cần tự xác định năng lực, sở trường của mình để có lựa chọn đúng đắn. Nếu lượng sức mình không đủ khả năng học nhiều môn, bạn nên chọn một khối thi thế mạnh của mình để có kết quả tốt”.

Sau khi đã xác định được “khối thi thế mạnh”, theo ban tư vấn hiện một ngành nhưng có rất nhiều trường đào tạo, thí sinh cần chọn ngành, trường yêu thích trước. Sau đó xem thử ngành, trường đó có phù hợp với sức học của mình hay không. “Một điều quan trọng nữa là bạn nên tìm hiểu thông tin về học phí, chính sách hỗ trợ của nhà trường dành cho sinh viên, trường đó ở xa nhà hay không... Những bạn do hoàn cảnh gia đình khó khăn có thể chọn trường gần nhà, trường trung cấp, CĐ để ra đi làm và sau đó liên thông lên ĐH” - TS Mai tư vấn.

Về băn khoăn của một bạn là giữa hai trường có ngành đào tạo giống nhau thì có nên chọn trường “tên tuổi”, TS Mai tư vấn: “Cần tham khảo điểm chuẩn của ngành đó giữa hai trường và xem mình có cơ hội vào ngành nào. Xem hai trường này về cơ sở vật chất, điều kiện học tập, hỗ trợ người học, trường hợp hai trường đều giống nhau thì nên chọn trường truyền thống vì sẽ tạo sự yên tâm cho các em nhiều hơn”.

Cẩn thận với hồ sơ đăng ký dự thi

Trong khi đó, nhiều học sinh khác lại bộc bạch rằng các bạn chưa biết được nộp bao nhiêu hồ sơ dự thi và nếu làm hồ sơ sai thì có bị gì không. Chia sẻ cùng thí sinh, TS Mai thông tin hiện Bộ GD-ĐT không giới hạn việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH. “Nhưng các em lưu ý, lệ phí nộp mỗi hồ sơ là 80.000 đồng (năng khiếu 250.000 đồng). Nộp nhiều hồ sơ sẽ rất tốn kém cho chính các em, trường tổ chức thi và xã hội. Do đó, phải hết sức cân nhắc trong việc làm hồ sơ đăng ký dự thi. Làm sai hồ sơ đăng ký dự thi khiến chúng ta phân tâm, phải xử lý nhiều việc do sai sót, do đó các em nên cẩn thận”.

Trong khi đó, câu hỏi của một học sinh Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật nhận được đồng tình của nhiều bạn khác khi băn khoăn: “Sức học em không cao lắm. Em muốn chọn một trường vừa sức nhưng sợ bằng cấp không có giá trị bằng trường điểm cao”. ThS Lâm Tường Thoại tư vấn: “Mẫu bằng chung của các trường thống nhất, chung trong cả nước và chỉ khác tên trường.

Thứ hai, bằng cấp có giá trị toàn quốc chứ không phải một khu vực. Cuối cùng, các trường đào tạo phần kiến thức chung chiếm tối thiểu 70% theo quy định của Bộ GD-ĐT về ngành đó dù học ở trường nào. Điều quan trọng là em phải học được những gì về kiến thức, kỹ năng kèm theo như tin học, ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc... thì tốt nghiệp trường nào em cũng được ưu tiên tuyển dụng. Nếu em tốt nghiệp tại trường nổi tiếng nhưng không đủ kỹ năng thì cũng không được ưu tiên”.

Cơ hội việc làm cao tại trường địa phương

Theo ThS Trần Ngọc Anh, tỉnh Khánh Hòa đang ưu tiên nguồn nhân lực các ngành công nghiệp và du lịch. “Tỉnh khuyến khích học sinh thi vào các trường ĐH, CĐ tại địa phương để giải quyết những khó khăn về kinh tế. Mặt khác, trong nhiều năm qua điểm chuẩn các trường tại Khánh Hòa đều không quá cao nên cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn” - ông Ngọc Anh nói.

Cũng theo ông Ngọc Anh, hiện nay ngành sư phạm ở Khánh Hòa đang rất cần người tốt nghiệp sư phạm kỹ thuật. Nhu cầu tuyển dụng ngành này rất cao và chắc chắn ra trường sẽ có việc làm tại các trường trung cấp nghề, trung tâm tổng hợp hướng nghiệp... Rất khuyến khích các bạn nam thi ngành này.

(NHÓM PVGD)

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.