Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay, toàn bộ mã
ngành từ 2-3 chữ số sẽ thay đổi thành 6 chữ số. Do một số trường vẫn chưa thay
đổi nên thí sinh (TS) phải xem kỹ, tránh xảy ra sai sót khi làm hồ sơ đăng kí dự
thi.
Trước đây, mã ngành gồm 2-3 chữ số và không có sự thống
nhất chung giữa các trường, do vậy dẫn đến các trường hợp: Một mã ngành sẽ được
dùng cho nhiều ngành khác nhau ở các trường; cùng một ngành có nhiều mã ngành
khác nhau. Theo Bộ GD&ĐT, để thống nhất trong quản lý ngành đào tạo, từ năm
2010, tên ngành, mã ngành đào tạo đã được chuyển đổi theo danh mục giáo dục,
đào tạo cấp IV trình độ CĐ, ĐH.
Từ năm 2012, các trường đăng ký thông tin tuyển sinh phải chuyển đổi và đăng ký theo mã ngành mới. Mã ngành đào tạo của các trường sẽ bắt đầu bằng 1 ký tự (ký tự D với trình độ ĐH và ký tự C với trình độ CĐ), kèm theo sau là 6 chữ số. Mã ngành này được thống nhất trên toàn quốc. Do vậy, các ngành giống nhau ở các trường sẽ chung tên ngành và mã ngành. Ví dụ: Mã ngành công nghệ thông tin trình độ ĐH là D480201, mã ngành kế toán trình độ CĐ là C340301.
Với quy định này, trong hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh ở mục ghi mã ngành đăng ký dự thi cũng sẽ có sự điều chỉnh từ 3 lên thành 7 ô. Do đó, thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về mã ngành tuyển sinh mới của các trường trên các trang web của trường hoặc của Bộ GD&ĐT để tránh bị sai sót, nhầm lẫn trong việc đăng ký hồ sơ dự thi.
Tuy nhiên, hiện có nhiều trường có thêm chuyên ngành đào tạo. Các chuyên ngành này có mã ngành riêng nên nhiều TS sẽ nhầm lẫn giữa mã ngành và mã chuyên ngành. Theo đại diện Phòng Đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương), nếu mã ngành tuyển sinh được quy định 6 chữ số thì mã chuyên ngành của ĐH Ngoại thương tối đa sẽ lên tới 9 chữ số. Như vậy là quá dài với TS và rất dễ xảy ra nhầm lẫn.
Còn tại ĐHBK Hà Nội, theo ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng nhà trường, Bộ GD&ĐT đã quy định thì cứ làm đúng như vậy. Với ĐH Bách khoa Hà Nội, việc quản lý mã ngành theo 6 hay 3 chữ số đều không vấn đề gì bởi khi thi vào trường, TS chỉ thi các ngành lớn. Sau khi học hết 2 năm, sinh viên cân nhắc, lựa chọn để đăng kí vào các chuyên ngành hẹp với các mã chuyên ngành riêng nên trường không sợ TS nhầm lẫn khi làm hồ sơ đăng kí dự thi. Đặc biệt, khi gửi giấy báo dự thi cho TS, trường còn gửi kèm theo một bản hướng dẫn cụ thể TS lựa chọn các chuyên ngành sao cho phù hợp vì thế hạn chế những sai sót cho TS ngay từ đầu.
Trường tự chịu trách nhiệm
Mặc dù Thông tư 14 được ban hành từ tháng 4/2010 nhưng
trên một số quảng cáo của các trường vẫn còn giữ nguyên mã ngành từ 2-3 chữ số.
Một số đơn vị chỉ mới chỉnh sửa trên trang thông tin của nhà trường. Tuy nhiên,
theo một số chuyên gia tuyển sinh, không hẳn TS nào cũng có điều kiện truy cập
Internet để kiểm tra lại thông tin.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, điều chỉnh mã ngành đào tạo này là cần thiết, nhằm thống nhất chung về mặt quản lý nhà nước về các ngành nghề đào tạo. Nhưng TS cần lưu ý để tránh nhầm lẫn trong việc đăng ký hồ sơ dự thi. Đặc biệt, về việc một số trường chưa đổi mã ngành như quy định, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực tế hiện nay có một số trường vẫn chưa đổi mã ngành từ 2-3 chữ số sang 6 số như quy định. Theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các trường phải đăng kí lại. Nếu làm sai, trường phải chịu trách nhiệm trước TS.
Mở ngành sai, bị kỉ luật