TT - Trong ngày 20-2, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đã tư vấn cho gần 4.000 học sinh trong hai chương trình được lần lượt tổ chức tại Bình Phước, Đồng Nai. Làm thế nào xác định ngành nghề phù hợp, chọn ngành theo năng lực hay sở thích đã được rất nhiều học sinh đặt ra.
|
Thạc sĩ Lâm Tường Thoại tư vấn cho học sinh Bình Phước trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 20-2 - Ảnh: Minh Đức |
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Bình Phước do báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Bình Phước phối hợp tổ chức. Chương trình tại Đồng Nai do báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Trường ĐH Lạc Hồng phối hợp tổ chức. Đây là lần thứ ba chương trình đến với các bạn học sinh Bình Phước. Chị Phạm Thị Yến Linh - phó ban thanh niên trường học Tỉnh đoàn Bình Phước - cho biết tổ chức này đã phối hợp đưa học sinh từ 12 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh về tham dự chương trình. Trong đó có trường ở huyện biên giới Lộc Ninh cách xa nơi tổ chức khoảng 100km nên việc thông tin hướng nghiệp, tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa cho học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Tránh ngộ nhận về sở thích
Tại cả hai chương trình tư vấn, rất nhiều học sinh băn khoăn chưa biết làm thế nào để xác định ngành nghề có phù hợp với khả năng. Nên chọn ngành theo năng lực hay sở thích? TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ đây là câu hỏi mà nhiều thí sinh quan tâm. Một trong những vấn đề quan trọng là phải xác định khả năng của mình, sở trường của mình là gì. Chọn nghề theo sở thích, chúng ta sẽ dành hết tâm huyết học và dễ thành công.
Tuy nhiên, sở thích là một việc, còn năng lực của mình có đáp ứng được hay không lại là chuyện khác. Chẳng hạn có bạn thích báo chí, ngành này điểm chuẩn rất cao, liệu khả năng của các bạn có đủ để trúng tuyển không? Nếu năng lực không đáp ứng được chúng ta có thể đi đường vòng, chọn một ngành nghề phù hợp để phát huy hết nhiệt huyết, năng lực của mình.
ThS Lâm Tường Thoại tư vấn thêm: “Đôi khi các bạn bị ngộ nhận về sở thích. Có thể do chúng ta nghe theo bạn bè, thích sự hào nhoáng của ngành đó. Chúng ta chọn ngành cần tính đến chuyện lâu dài sau này. Các bạn nên tham khảo ý kiến phụ huynh, thầy cô giáo, bạn bè... Khi đã xác định được ngành mình yêu thích thật sự, chúng ta cần xem lại khả năng học tập của mình. Cùng ngành đó nhưng mỗi trường có điểm chuẩn khác nhau. Do đó, khi đã chọn ngành, chúng ta phải chọn trường phù hợp. Nếu năng lực chúng ta không đủ vào ĐH chúng ta có thể chọn học CĐ, TCCN để sau này liên thông lên ĐH”.
Một bạn học sinh lại băn khoăn chưa biết chọn trường theo sở thích của mình hay lựa chọn của ba mẹ. TS Nguyễn Văn Thư đưa ra ví dụ trường hợp của con trai mình: “Tôi khuyên con chọn học trường khác nhưng cuối cùng cháu lại chọn học Trường ĐH Bách khoa. Cháu đã đưa ra các lý lẽ để thuyết phục rằng cháu học Bách khoa sẽ phù hợp với mình hơn và tôi đã để cháu lựa chọn. Việc chọn trường, chọn ngành thường có sự giằng co giữa con cái và cha mẹ. Các bạn nên trao đổi thoải mái, kỹ lưỡng với cha mẹ. Nên đưa ra các lý lẽ, thuyết phục cha mẹ nhưng ý kiến của cha mẹ các em cũng cần tham khảo kỹ”.
|
Học sinh Đồng Nai tìm hiểu thông tin trong cuốn Cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 trước chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp chiều 20-2 - Ảnh: Minh Đức |
Một bạn học sinh thích học tài chính ngân hàng nhưng lại lo lắng vì khả năng giao tiếp của mình không tốt nên chưa dám quyết định. ThS Trần Thế Hoàng chia sẻ thật ra không phải ai cũng có khả năng nói chuyện lưu loát trước nhiều người, ngay cả các thầy tư vấn nhiều khi nói cũng bị lắp bắp. Ở lĩnh vực kinh tế, không phải lĩnh vực nào cũng đòi hỏi liên tục giao tiếp. Nếu ở những ngành như marketing, các bạn có thể làm việc ở bộ phận xây dựng chiến lược marketing. Hay như ngành ngân hàng, làm ở các lĩnh vực kế toán, văn phòng sẽ không quá chú trọng kỹ năng giao tiếp.
ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing, tư vấn thêm: hầu hết sinh viên khi theo học, ngoài học chuyên môn các em phải học thêm nhiều kỹ năng như ngoại ngữ (phải nói nhiều), vi tính, sinh viên phải làm việc theo nhóm, báo cáo chuyên đề... Do đó, khi tốt nghiệp các em có thể sẽ giao tiếp rất tốt. Nếu thích nhóm ngành kinh tế như thế, các em nên chọn học ngành này. Trong quá trình học, các trường sẽ hỗ trợ tăng cường kỹ năng để khi ra trường các em có thể làm việc tốt hơn.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đưa ra con số thống kê: trên thế giới chỉ có khoảng 40% người tốt nghiệp làm việc đúng chuyên môn của mình. Do đó các bạn đừng quá lo nếu chẳng may chọn ngành nghề chưa phù hợp với mình. Việc chọn ngành nghề cũng như việc xây nhà. Nhà trường chỉ cung cấp cho các bạn kiến thức nền, khi ra trường, tùy thế mạnh và sở trường của mình, các bạn có thể sử dụng kiến thức đó để phát huy thế mạnh của mình ở một lĩnh vực khác. Thực tế nhiều người đã rất thành công với những công việc không phải chuyên môn được đào tạo ở trường.
Xác định thế mạnh
Một học sinh ở TP Biên Hòa băn khoăn chưa biết chọn ngành nào phù hợp với sở thích và nhân lực tại địa phương. TS Nguyễn Văn Tân, trưởng phòng sau ĐH - kiểm định - nghiên cứu khoa học Trường ĐH Lạc Hồng, tư vấn hiện nay Biên Hòa có 70 cụm công nghiệp và có nhiều công ty nước ngoài đang cần các ngành như Đông phương học, kỹ thuật... Những ngành này của Trường ĐH Lạc Hồng đang rất “hút” thí sinh. Tuy nhiên, bạn cần xác định được mong muốn của bạn, thế mạnh của bạn ở ngành học nào để học tốt hơn. TS Trần Hành - hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - tư vấn thêm Đồng Nai có rất nhiều khu công nghiệp, nhu cầu về nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ rất lớn. Trong khi đó việc học gần nhà sẽ giúp các bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Một học sinh khác đặt câu hỏi liệu có phải tốt nghiệp ĐH loại trung bình sẽ khó xin việc hơn người tốt nghiệp khá, giỏi. TS Phạm Tấn Hạ tư vấn: tốt nghiệp trung bình đúng là cơ hội việc làm sẽ không nhiều. Tuy nhiên, bằng cấp chưa nói lên được điều gì nhưng nhiều công ty sơ tuyển có thể ưu tiên người khá, giỏi. Nếu các bạn cố gắng học như ở bậc phổ thông, việc lấy bằng khá ở ĐH sẽ không khó. Những năm đầu ĐH các bạn chưa quen cách học với bậc ĐH và gặp rất nhiều khó khăn. Hãy cố gắng hết mình để học thật tốt và có kết quả tốt nghiệp tốt nhất để có cơ hội việc làm tốt hơn. ĐH là môi trường để tích lũy kiến thức và rèn luyện kỹ năng để khi ra trường, đi làm, các bạn có nhiều cơ hội phát huy hơn.
Bằng liên thông từ CĐ lên ĐH và bằng ĐH có khác nhau?
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng nhấn mạnh ai cũng muốn mình vào ĐH nhưng mỗi người có một khả năng khác nhau. Không nên có tâm lý bằng mọi cách phải vào ĐH. Nếu em học CĐ, sau đó liên thông lên ĐH sẽ chậm hơn một năm so với học thẳng ĐH nhưng vẫn là ĐH chính quy. Do đó, các em có nhiều cách đạt được ước mơ của mình. Đi đường thẳng không được thì đi đường vòng. ThS Trần Thế Hoàng tư vấn thêm tất cả các trường khi liên thông đều cấp bằng chính quy mà không ghi chữ “liên thông”. Học liên thông sẽ có ưu thế hơn các bạn khác vì được đào tạo chuyên môn, kỹ năng và các bạn đã có nhiều kinh nghiệm khi đi làm.
|
MINH GIẢNG - HÀ BÌNH