Tin tức Tuyển sinh


Ngân hàng đề thi Trung học Phổ thông Quốc gia: Mới hoàn toàn

 
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM thi học kỳ 1 môn giáo dục công dân bằng hình thức trắc nghiệm - Ảnh: Như Hùng
 
Theo đó, vận dụng công nghệ xây dựng đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, nhưng ngân hàng câu hỏi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 đang được xây dựng hoàn toàn mới.
 
Điều này xuất phát từ mục tiêu của hai kỳ thi khác nhau: kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội dùng để tuyển sinh ĐH, trong khi kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” lại dùng kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ.
 
Mặt khác, đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội các năm trước đây bao gồm kiến thức của cả ba năm THPT, trong khi đề thi THPT quốc gia 2017 được Bộ GD-ĐT xác định chỉ có kiến thức trong chương trình lớp 12.
 

Tốn kém hơn,nhưng dùng lâu dài hơn

 
Dự kiến vào cuối tháng 1-2017, Bộ GD-ĐT sẽ công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn để thí sinh và nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.
 

“Việc xây dựng đề thi THPT quốc gia năm 2017 có nhiều thay đổi so với quy trình xây dựng đề thi quốc gia các năm trước.

Trước đây, Bộ GD-ĐT thường tổ chức để các thầy giáo, cô giáo tập trung làm đề tại một địa điểm có yêu cầu bảo mật cực kỳ khắt khe, biệt lập hoàn toàn với bên ngoài trong hơn ba tuần. Đề hoàn thiện sẽ được sử dụng cho ngay kỳ thi trước mắt năm đó.
 
Tuy nhiên với kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2017, việc xây dựng đề thi không chỉ giới hạn ở một đợt tập trung, mà được tổ chức theo nhiều đợt trong năm ở nhiều khu vực trong cả nước.
 
Nguồn câu hỏi thô được biên soạn từ những đợt tập trung này lại được chuyển về Hà Nội thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
 
Sự khác biệt lớn nữa là những câu hỏi thi này đều được thử nghiệm hai lần trên chính đối tượng thí sinh dự thi năm 2017 để xác định các thông số của câu hỏi thi” - ông Ga nhấn mạnh.
 
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mỗi đợt biên soạn bộ huy động hơn 100 giáo viên cốt cán ở cả 63 tỉnh, thành trên cả nước và giảng viên của 10 trường ĐH có đào tạo ngành sư phạm tham gia.
 
Như vậy với 10 đợt biên soạn câu hỏi thô đã thực hiện, số lượng giáo viên tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đã lên đến hàng nghìn người.
 
Việc tổ chức xây dựng đề thi như vậy liệu có làm việc ra đề thi trở nên tốn kém hơn nhiều lần? Đáp lại băn khoăn này, Thứ trưởng Ga xác nhận với việc thuê nhiều địa điểm để tổ chức ra đề, huy động đông đảo giáo viên tham gia làm đề thi hơn trước đây, chắc chắn kinh phí đầu tư cho đề thi sẽ lớn hơn các năm trước.
 
Sẽ thử nghiệm hai lần...
 
Thông tin từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết sau 10 đợt biên soạn, hiện Bộ GD-ĐT đã có hơn 60.000 câu hỏi thô, đạt gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Số câu hỏi này tiếp tục trải qua 7 đợt thẩm định để có 45.000 câu hỏi đã được biên tập.
 
Theo một chuyên gia khảo thí tham gia công tác xây dựng ngân hàng đề thi, quy trình xây dựng đề thi THPT quốc gia 2017 sẽ trải qua 9 bước từ tổ chức biên soạn câu hỏi thô, thử nghiệm chuẩn hóa đến lựa chọn các câu hỏi thi đưa vào phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chính thức. Hiện bộ đang xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi.
 
Bộ đề thi theo bài thi này sẽ công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016 - 2017 (dự kiến giữa tháng 5).
 

Tuy nhiên, thực tế hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa có ngân hàng đề thi với các câu hỏi chuẩn hóa sử dụng được cho kỳ thi THPT quốc gia.

 
Ông Ga cho biết khoảng tháng 2 bộ sẽ chính thức thử nghiệm các câu hỏi trên đối tượng học sinh đang học lớp 12. Việc chọn mẫu thử nghiệm sẽ mang tính đại diện cao, đảm bảo sự đa dạng về trình độ học sinh giữa các vùng miền khác nhau trong toàn quốc.
 
Không công bố đề thi, đáp án
 
Một điểm khác biệt trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 so với trước đây là Bộ GD-ĐT sẽ không công bố đề thi, đáp án ở hầu khắp các bài thi. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chỉ duy nhất môn ngữ văn được công bố đáp án sau khi thí sinh thi xong như mọi năm, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ không công bố đáp án.
 
Không công bố đề thi, đáp án thì thí sinh lấy đâu ra căn cứ biết mình đã làm đúng hay sai? Cơ sở nào giúp thí sinh đối chiếu, soát xét xem bài của mình bị chấm lỏng hay chặt để đề nghị phúc khảo? Trả lời câu hỏi này, ông Ga cho rằng ở các nước nói chung, nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề và đáp án.
 
“Các câu hỏi thi năm nay có thể tiếp tục còn được dùng cho kỳ thi các năm kế tiếp, nên không công bố để đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh.
 
Ngoài ra, đề thi chuẩn hóa đã được thử nghiệm nhiều lần trên chính đối tượng học sinh lớp 12 nên đáp án đã được kiểm nghiệm tính chính xác.
 

Đặc biệt, dù thí sinh chưa làm bài thi trên máy tính, nhưng việc chấm các bài thi trắc nghiệm khách quan đều được thực hiện bằng phần mềm máy tính đảm bảo độ chính xác cao, nên thí sinh có thể yên tâm về kết quả điểm số của mình” - ông Ga lý giải.


Ngọc Hà
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170109/ngan-hang-de-thi-thpt-quoc-gia-moi-hoan-toan/1249153.html

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.