Đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết cho đến nay hầu hết các ý kiến đều đồng thuận. Chỉ một số ít ý kiến băn khoăn về việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và sự đồng đều về mức độ khó dễ của đề thi.
Về nội dung này, thứ trưởng Ga cho hay Ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan được xây dựng theo một qui trình khoa học, chặt chẽ. Qui trình xây dựng câu hỏi thi được thực hiện qua 9 bước từ tổ chức biên soạn câu hỏi thô, thử nghiệm chuẩn hóa đến lựa chọn các câu hỏi thi đưa vào phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chính thức để đảm bảo mức độ tương đương giữa các đề thi.
Hiện nay Bộ đang gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa Ngân hàng câu trắc nghiệm đã có tại Cục KTKĐCLGD bằng nhiều nguồn khác nhau.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2016, đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô tại 10 điểm trên toàn quốc; lựa chọn, huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra đánh giá.
Dữ liệu câu hỏi thô, sản phẩm của các đợt biên soạn này được chuyển về Hà Nội để biên tập, thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Cho đến thời điểm này, đã thực hiện được 7 đợt biên tập, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.
Các trường đã kiểm định được tự chủ điểm sàn
Liên quan đến xét tuyển sinh ĐH năm 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết có 3 điểm mới khiến dư luận băn khoăn.
Thứ nhất là cho thí sinh đăng ký không hạn chế nguyện vọng, không hạn chế số trường. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định dù đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và trong đợt xét tuyển chính (đợt 1), thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Điều này được thực hiện nhờ phần mềm thống kê nguyện vọng xét tuyển của thí sinh chạy tự động trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ. Do mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng nên sẽ không xảy ra “thí sinh ảo” trong đợt xét tuyển chính.
Thứ hai là cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Về nội dung này, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay việc công bố kết quả thi do các Sở GD&ĐT thực hiện; việc xét tuyển ĐH do các trường thực hiện; cổng thông tin tuyển sinh chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu để các trường khai thác, xét tuyển và chạy phần mềm thống kê nguyện vọng giúp các trường loại bỏ “thí sinh ảo”. Do đó so với năm 2016, hệ thống năm nay chạy nhẹ tải hơn nhiều nên khó có thể xảy ra nghẽn mạng.
Thứ ba là bỏ điểm sàn. “Khi đưa qui định này vào dự thảo, Bộ cũng dự đoán được băn khoăn của dư luận liệu rằng khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có đảm bảo không, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo nhất quán phương châm lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu cho mọi hoạt động. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nên Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ.
Mặt khác, Luật Giáo dục Đại học cũng quy định trường ĐH được thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ thì xã hội cũng có thể yêu tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn).
Bộ GD&ĐT sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp Hiệu trưởng các trường ĐH sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp.
Nghiêm Huê
http://www.tienphong.vn/giao-duc/nong-cac-truong-nganh-da-kiem-dinh-duoc-tu-chu-diem-san-1088359.tpo