Theo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thì việc xét công nhận tốt nghiệp dựa trên điểm số của 4 bài thi và điểm trung bình kết quả học tập lớp 12, theo tỷ lệ 50/50 ( cùng với điểm khuyến khích và diện ưu tiên nếu có).
Việc xét tốt nghiệp THPT căn cứ vào 50% điểm trung bình kết quả học tập năm lớp 12, liệu có công bằng cho tất cả thí sinh dự thi hay không ? Điểm trung bình các môn học năm lớp 12 được thực hiện theo như cách hiện nay, liệu có còn thí sinh đỗ “ nhầm” tốt nghiệp THPT hay không?.
Theo tinh thần Nghị quyết số: 29-NQ/TW của BCH TW Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ: “ Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”.
Theo Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông; ban hành kèm theo Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12..12.2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ( gọi tắt là Thông tư 58), thì điểm trung bình kết quả học tập của học sinh, có 2 hình thức kiểm tra: kiểm tra miệng ( bằng hỏi-đáp) và kiểm tra viết; được thực hiện qua 2 loại bài kiểm tra: Bài kiểm tra thường xuyên gồm kiểm tra miệng, kiểm tra viết 15 phút và bài kiểm tra định kỳ gồm kiểm tra viết 1 tiết, kiểm tra học kỳ.
Thực hiện Thông tư 58, hiện nay các trường THPT tổ chức kiểm tra để tính điểm trung bình kết quả học tập của học sinh, theo 2 cách:
1. Kiểm tra tập trung để lấy điểm 1 tiết và điểm học kỳ của 8 môn học gồm: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, và Ngoại ngữ. Theo cách này đề kiểm tra học kỳ lớp 12 ở một số trường THPT là đề chung của Sở GD&ĐT; còn đề kiểm tra học kỳ lớp 10, lớp 11 và đề kiểm tra 1 tiết là đề chung theo khối lớp của nhà trường.
Việc phân công giáo viên coi kiểm tra và chấm bài kiểm tra tương tự như thi tốt nghiệp THPT; riêng năm nay nhiều trường THPT kiểm tra học kỳ thêm môn Giáo dục công dân và bài kiểm tra các môn trên thực hiện theo hình thức trắc nghiệm( trừ môn Ngữ văn).
Với cách này, nếu tổ chức coi kiểm tra nghiêm túc, mỗi phòng kiểm tra có nhiều mã đề cho môn trắc nghiệm, thì kết quả điểm kiểm tra sẽ phản ánh trung thực và đúng năng lực học tập của học sinh; giáo viên khó sửa điểm, nâng điểm hoặc cho điểm theo ý muốn và cũng không thể gợi ý cho học sinh đề kiểm tra ở các lớp học thêm.
Thế nên, nếu tổ chức kiểm tra các môn học theo cách tập trung, thì điểm trung bình môn khi đưa vào phương thức xét tốt nghiệp THPT là tương đối hợp lý.
2. Kiểm tra trong tiết học theo thời khoá biểu để lấy điểm học kỳ, điểm 1 tiết của 4 môn Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục Quốc phòng và An ninh( GDQP&AN); riêng môn Thể dục theo Thông tư 58 chỉ xếp loại ; cách này còn lấy điểm miệng và điểm 15 phút của tất cả 12 môn học. Theo cách này, giáo viên dạy ra đề kiểm tra, tự coi kiểm tra và chấm điểm bài kiểm tra của học sinh; do vậy việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phụ thuộc vào người thầy; nếu thầy không có lương tâm và lòng tự trọng thì tính khách quan của điểm số là không có; bởi lẽ người thầy dễ dàng nâng điểm hoặc cho điểm theo ý muốn; tự giới hạn nội dung bài kiểm tra; có thầy gợi ý đề kiểm tra ở lớp học thêm.
Trong khi đó, Hiệu trưởng và tổ chuyên môn không thể giám sát được giáo viên cho điểm miệng có khách quan hay không; còn điểm 15 phút từ nhiều năm nay nhà trường hoàn toàn giao phó cho giáo viên tự quyết định đề kiểm tra, coi và chấm điểm bài kiểm tra cho học sinh.
Do đó, nếu chỉ tổ chức kiểm tra học kỳ tập trung 9 môn như nhiều địa phương đang triển khai thực hiện trong năm học này, có thể khẳng định điểm trung bình môn kết quả học tập của học sinh chưa thực sự khách quan; bởi còn loại bài kiểm tra học kỳ và 1 tiết của 3 môn Công nghệ, Tin học và GDQP&AN cùng với bài kiểm tra miệng và 15 phút của 12 môn học chưa được tổ chức tập trung.
Thế nên, với cách tổ chức kiểm tra như hiện nay, sẽ còn giáo viên nâng điểm để học sinh xếp loại học lực cuối năm không phải loại kém và đủ tiêu chuẩn dự thi tốt nghiệp THPT ( theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2015/TT-BGDĐT ngày 26.02.2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT); đó là nguyên nhân hàng năm ở các trường THPT rất hiếm học sinh không được dự thi tốt nghiệp vì lý do học lực và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có thí sinh bị điểm “ liệt” (đúng ra giáo viên phải xếp học lực loại kém); cụ thể theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2015 có 37.000 điểm “liệt”, năm 2016 cả nước có 19.000 bài thi bị điểm “ liệt”.
Mặt khác, với cách tổ chức kiểm tra như hiện nay, sẽ còn giáo viên nâng điểm để học sinh có điểm trung bình các môn cả năm từ 7,0 trở lên; khi xét tốt nghiệp theo tỷ lệ 50/50, chỉ cần điểm trung bình của 4 bài thi từ 3,0 là đỗ tốt nghiệp; do đó sẽ còn thí sinh đỗ “ nhầm “ tốt nghiệp THPT.
Do vậy, việc đưa điểm trung bình kết quả học tập của học sinh năm lớp 12 vào phương thức xét tốt nghiệp THPT quốc gia chiểm 50%, như trong phương án thi năm 2017 của Bộ GD&ĐT là chưa hợp lý. Do đó, thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần thay đổi cách tổ chức kiểm tra các môn học, theo đó:
- Điểm kiểm tra miệng tất cả các môn học: Không đánh giá bằng điểm số, mà đánh giá bằng nhận xét và tính vào điểm hành vi đạo đức của học sinh để xếp loại hạnh kiểm học kỳ và cả năm.
- Điểm kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết và kiểm tra học kỳ của 12 môn học ( trừ môn Thể dục và môn GDQP&AN) được đánh giá bằng cho điểm; được tổ chức theo cách tập trung: Đề kiểm tra học kỳ lớp 12 do Sở GD&ĐT ra chung cho các trường THPT; đề kiểm tra học kỳ lớp 10, 11 và đề kiểm tra 15 phút và 1 tiết của 12 môn học là đề chung theo khối lớp của nhà trường, kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm với ít nhất 8 mã đề/ phòng kiểm tra ( trừ môn Ngữ văn), phân công giáo viên coi kiểm tra và chấm bài kiểm tra tương tự như thi tốt nghiệp THPT.
Mặt khác, Sở GD&ĐT phân công cán bộ giám sát việc tổ chức kiểm tra học kỳ ở các trường THPT. Khi thay đổi cách tổ chức kiểm tra như trên, hy vọng các trường THPT sẽ chấm dứt được tình trạng học sinh đỗ “nhầm” tốt nghiệp THPT; nếu theo lộ trình của Bộ GD&ĐT đến năm 2019 sẽ lấy điểm trung bình kết quả học tập 3 năm cấp THPT thì phương thức xét tốt nghiệp THPT dựa trên điểm số của kỳ thi và điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 theo tỷ lệ 50/50 sẽ được công bằng hơn.
Mặt khác các trường Đại học, Cao đẳng xét tuyển qua học bạ sẽ có chất lượng cao hơn; quan trọng hơn nữa là sẽ chấm dứt tình trạng giáo viên dùng điểm số để “ ép” học sinh học thêm.
TRẦN VŨ
(http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/thi-tot-nghiep-thpt-2017-thi-sinh-co-con-do-nham-khong-610576.bld)