Việc Bộ GDĐT điều chỉnh công tác tuyển sinh ĐH vào sát kỳ thi khiến các trường và thí sinh băn khoăn.
Các trường đại học có thể không tuyển đủ chỉ tiêu!
Nhấn mạnh về ưu điểm của cách xét tuyển ĐH tập trung năm 2016, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GDĐT) Mai Văn Trinh cho biết, việc tổ chức xét tuyển tập trung với các trường ĐH sẽ là giải pháp giải quyết một cách căn bản những vướng mắc của năm 2015, đồng thời cũng giải quyết được vấn đề thí sinh (TS) “ảo" cho các trường.
Quan điểm chung của các trường và thí sinh là ủng hộ chủ trương mới, nhưng không ít trường vẫn không khỏi băn khoăn, thắc mắc. TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT cho hay: “Hiện nay, Bộ mới công bố chủ trương, chưa công bố phương án cụ thể, nên hầu hết các trường đang có tâm lý đợi phần mềm của Bộ. Vì vậy, Bộ cũng cần rút kinh nghiệm, đã công bố thì phải công bố phương án cụ thể luôn, chủ trương cũng phải nhất quán từ đầu, lấy ý kiến các trường”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông bổ sung thêm: “ Bộ cần nói rõ việc xét tuyển chung đối với các trường là có bắt buộc hay không? Nếu là bắt buộc, phải đưa vào quy chế tuyển sinh. Nếu không bắt buộc thì nên có hướng dẫn, các trường sẽ tự nguyện, tự thấy được lợi ích tốt thì họ sẽ đăng ký”. Theo ông Lập, nếu Bộ “ôm” làm hết mọi việc, các trường chỉ gửi dữ liệu lên thì Bộ không thể làm nổi và quyền tự chủ của các trường sẽ không có.
TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, xét tuyển tập trung phải có những quy tắc chung nhất định và Bộ GDĐT cần sớm công bố. “Không phải tất cả các trường ĐH-CĐ trên cả nước sẽ tham gia. Các trường phải đăng ký tham gia trên cơ sở tự nguyện. Trường nào muốn xét tuyển riêng thì phải do quyền tự chủ riêng của các trường. Không thể bắt các trường tham gia, bởi có trường xét tuyển theo học bạ và có trường kết hợp xét học bạ và phương thức khác”- ông Sơn nêu quan điểm.
Cùng quan điểm xét tuyển theo hình thức tập trung là giảm được thí sinh “ảo”, nhưng ông Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại - cho rằng, có một điều chắc Bộ chưa tính đến tình trạng là hầu hết các trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu đã được Bộ phê duyệt.
Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh khẳng định, việc xét tuyển ĐH tập trung không vi phạm quyền tự chủ của các trường ĐH trong tuyển sinh. Đây chỉ là giải pháp kỹ thuật chứ không phải Bộ ôm việc làm thay các trường, hay độc quyền khai thác dữ liệu. Còn về phần mềm xét tuyển chung, Bộ đã chủ động xây dựng phần mềm và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển (ĐKXT) năm 2015, tổ kỹ thuật đã chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy việc xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật.
Quyền lợi thí sinh có được đảm bảo?
Về quyền lợi của thí sinh, ông Trinh cho rằng, việc chạy phần mềm theo dữ liệu ĐKXT chung sẽ đảm bảo giải quyết được tình trạng thí sinh ảo phát sinh do việc thí sinh được đăng ký vào nhiều trường (2 trường ở đợt 1 và 3 trường ở mỗi đợt xét tuyển bổ sung). Đặc biệt, với phương thức xét tuyển chung, thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng phù hợp nhất với kết quả của mình cũng như phù hợp nhất với chỉ tiêu đối với mỗi ngành/nhóm ngành của trường, không gây ra tình trạng mất cân đối giữa thí sinh trúng tuyển với nguồn lực đào tạo của trường. Đây là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo PGS Văn Như Cương, dù bất ngờ trước chủ trương mới này của Bộ GDĐT, nhưng ông ủng hộ việc xét tuyển tập trung vì đây là cách làm tối ưu nhất để tạo thuận lợi cho các thí sinh trong bối cảnh hiện nay. Song, điều khiến ông lo lắng nhất là liệu có xảy ra sự cố nghẽn mạch như mùa tuyển sinh năm trước, nhất là khi được tập trung về một mối. Bộ GDĐT phải tính toán để bảo đảm không gây ra tắc nghẽn mạng. Đồng thời, cũng có những phương án để giải quyết tốt nhất nguyện vọng của thí sinh. Đơn cử như đợt 1, thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường, vậy thì xử lý thế nào khi thí sinh đỗ cả 2 trường? “Nếu xét tuyển tập trung thì phải quân lệnh như sơn, thí sinh khi đã nhấn nút chọn nguyện vọng là khóa luôn dữ liệu, không thể đăng ký trường khác nữa. Đấy cũng là cách giúp thí sinh lựa chọn nghề nghiệp đúng sở thích nhất của mình” - PGS Văn Như Cương chia sẻ. Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương cũng thẳng thắn góp ý: “Gần như đó là một thói quen của Bộ GDĐT khi có những thay đổi liên tục. Phải hết sức rút kinh nghiệm”.
Còn TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch hội đồng quản trị Đại học FPT cho rằng, nếu phương án mới của Bộ đưa ra gây nhiều xáo trộn thì cần phải tính toán lại. Còn nếu mang lại lợi ích lớn và ít thay đổi đối với thí sinh thì có thể làm luôn ngay trong mùa xét tuyển 2016. Vì theo các chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục, kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đang đến rất gần. Việc thay đổi hay sửa chữa chủ trương quá cập rập rất dễ khiến cho thí sinh bị rối loạn hoang mang và các trường không chủ động được công việc.
Còn PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng, việc Bộ GDĐT đưa ra phương án với mục tiêu để chống “ảo” sẽ khó đạt kết quả nếu không thay đổi tiêu chí vì thí sinh vẫn được nộp 2 trường. Các thí sinh đạt điểm cao thường đỗ cả 2 trường đại học và đương nhiên bao giờ thí sinh nộp giấy báo điểm vào trường nào thì trường đó mới biết được thí sinh đến học. Trong khi đó, thí sinh được quyền chọn 2 nguyện vọng, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 lại tương đương nhau.
K.Thoa
http://laodongthudo.vn/xet-tuyen-dai-hoc-tap-trung-thi-sinh-hay-cac-truong-duoc-loi-37032.html