Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh minh họa). Ảnh: Đàm Duy
4.000 thí sinh “không thèm” xét tuyển ĐH
Thống kê tại nhiều địa phương sau khi hết hạn nhận hồ sơ đăng ký (ĐKDT) kỳ thi THPT quốc gia 2016 cho thấy, tỷ lệ TS dự thi chỉ với nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT tăng đột biến so với năm trước.
Ông Ngô Văn Chất – Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng thông tin (Sở GDĐT Hà Nội) cho biết, năm nay, trong số hơn 92.400 hồ sơ chỉ có hơn 76.000 TS có nguyện vọng thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì để lấy kết quả xét tuyển ĐH - CĐ. Còn gần 16.400 TS đăng ký thi tại các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì chỉ để xét tốt nghiệp.
“So với năm 2015, số TS không xét ĐH tăng 4.000, đây là con số tăng đột biến. Có nhiều lý do dẫn đến lượng TS “chê” vào ĐH tăng trong đó có việc phân luồng từ các trường THPT đã làm tốt hơn. Học sinh đã bớt “choáng” với tấm bằng ĐH khi tỷ lệ cử nhân thất nghiệp được công bố ngày càng nhiều. Các em cũng đã biết xác định được khả năng của mình và xác định được vào ĐH không phải là con đường duy nhất” – ông Chất nói.
Nghệ An là tỉnh có truyền thống “khoa bảng” nhưng điều lạ kỳ là năm nay tỉnh là 1 trong những tỉnh có số lượng hồ sơ “chê” ĐH nhiều nhất. Thống kê từ Sở GDĐT Nghệ An cho thấy trong số 31.698 TS dự thi THPT quốc gia năm nay chỉ có gần 19.600 TS đăng ký xét tuyển vào ĐH- CĐ, hơn 12.100 TS chỉ đăng ký thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp (chiếm gần 40%). Một số trường có số lượng TS không đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ cao nhất như THPT Nguyễn Huệ hơn 90%; THPT Đinh Bạt Tụy gần 97%…
Tại Đà Nẵng, toàn thành phố có gần 11.000 hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó có gần 7.900 TS thi lớp 12 và 1.856 TS tự do đăng ký thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, có tới hơn 1.200 TS đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp. Được biết, con số TS “từ chối” xét vào ĐH - CĐ cũng tăng hơn nhiều so với năm trước.
Ở các tỉnh miền núi tỷ lệ này lại càng cao. Ông Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục thuộc Sở GDĐT Hòa Bình cho biết, khoảng 60% TS của tỉnh thi chỉ để xét tốt nghiệp và 40% TS có nhu cầu học ĐH- CĐ. Theo ông Vinh, đây là xu thế tất yếu tại các tỉnh miền núi, nhu cầu vào ĐH- CĐ của các em không cao và các em cũng đã đánh giá được khả năng của mình khi lựa hướng đi cho mình phù hợp với nhu cầu địa phương mình sinh sống. Tương tự, Hà Giang năm nay cũng có 4.900 TS/6.700 TS chỉ thi để xét tốt nghiệp (chiếm 73%).
Chọn “đường vòng”
Ngoài việc đã được định hướng, sợ thất nghiệp thì một trong những lý do khá “bất ngờ” khiến thí sinh “chê” vào ĐH tăng đột biến năm nay là do một bộ phận TS chọn cụm thi ở địa phương làm “đường vòng” lấy kết quả xét vào các trường ĐH chỉ cần… đánh giá học bạ.
Em Nguyễn Thị Phương - học sinh lớp 12 (ở Lạng Sơn, Hạ Hòa, Phú Thọ) là một trong số TS chọn “đường vòng” để vào ĐH năm nay. Phương cho biết: “Em sức học chỉ ở mức trung bình khá nên chọn thi cụm địa phương cho… dễ thở. Thi cụm địa phương vừa không phải đi xa, và chắc chắn sẽ bớt căng thẳng hơn. Hơn nữa hiện cũng có rất nhiều trường ĐH- CĐ xét học bạ và bằng tốt nghiệp, kể cả trường công lập và dân lập nên vẫn có cơ hội vào ĐH”.
Đây cũng là lý do mà em Trần Văn Hậu (Tứ Kỳ, Hải Dương) chọn thi tại cụm địa phương. Hậu cho biết: “Em định thi vào Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội), sau khi biết trường này xét tuyển học bạ 5 kỳ học với 3 môn đăng ký theo khối xét tuyển. Biết mình có khả năng xét tuyển vào trường này nên em chọn thi tại cụm địa phương cho bớt căng thẳng, không phải mất công sức rồng rắn đi thi nữa”.
Được biết, mùa xét tuyển ĐH- CĐ năm nay có hơn 100 trường ĐH- CĐ sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển, trong đó có cả trường công lập, dân lập. Một số trường dành chỉ tiêu từ 20 – 30% cho đối tượng TS chỉ xét bằng học bạ.
Tuy nhiên, ông Ngô Văn Chất lưu ý các TS: “Các em không nên có tư tưởng chọn thi cụm do Sở chủ trì vì cụm thi này “dễ chịu” hơn. Suy nghĩ như vậy là sai lầm. Không có sự khác biệt nào giữa hai hình thức cụm thi. Đối với cụm thi của Sở năm nay có khi còn “căng” hơn vì quy chế của Bộ GDĐT yêu cầu có 50% giám thị coi thi là giảng viên các trường ĐH- CĐ. Vì vậy, không thể có chuyện dễ dãi”./.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH- CĐ Việt Nam
Tín hiệu mừng
Tỷ lệ học sinh thi ĐH ngày một giảm là tín hiệu đáng mừng khi nhận thức của các em và các bậc cha mẹ về vấn đề ngành nghề, bằng cấp đã thay đổi. Vào ĐH không phải là con đường duy nhất. Hiện nay, nhiều cơ hội học nghề 1 – 2 năm là có thể đi làm có thu nhập cho bản thân và lo cho gia đình. Sẽ bớt cảnh “giấu bằng cử nhân đi làm công nhân”, sẽ có nhiều hơn đội ngũ “làm thợ” giỏi, tạo sự hài hòa trong việc sắp xếp nhân lực cho các ngành sản xuất.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu – Giáo viên trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)
Xu thế tất yếu
Học sinh không chọn thi ĐH là một xu thế tất yếu khi bằng cấp đang ngày một... mất giá vì tỷ lệ có bằng mà thất nghiệp cao như hiện nay. Các em học sinh cuối cấp cần hiểu rằng, dù học bất cứ cái gì suy cho cùng cũng chỉ là học một cái nghề để mưu sinh. Chính vì vậy, chọn học sinh phải căn cứ vào thực lực của bản thân và thực trạng kinh tế ,xã hội của đất nước thì mới là lựa chọn đúng đắn./.
|
Tùng Anh
http://danviet.vn/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2016-vui-vi-nhieu-thi-sinh-che-dai-hoc-678860.html