Thí sinh tự do đăng ký thi THPT quốc gia năm 2016 tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM
Cha mẹ sửa giấy khai sinh, con có nguy cơ không được thi
Hơn tuần nay, em Trần Tấn Lộc, học lớp 12A6 Trường THPT Hát Dịch (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mang tâm trạng hoang mang vì chưa thể làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016. Lộc rơi vào trường hợp rắc rối này chính do nhà trường phát hiện giấy khai sinh của em đã bị sửa sang năm khác so với thực tế.
Khi đối chiếu lại hồ sơ gốc của em Trần Tấn Lộc để chuẩn bị triển khai làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016, nhà trường phát hiện giấy khai sinh của em không khớp với ngày tháng năm sinh trên học bạ, bằng tốt nghiệp THCS, hộ khẩu. Cụ thể, giấy khai sinh gốc của em là ghi sinh ngày 1/1/1996 nhưng trong bản khai sinh khi làm thủ tục nhập học lớp 1 đã sửa lại sinh ngày 1/1/1995.
Khi tìm hiểu với phụ huynh, cha mẹ của Tấn Lộc cho biết do muốn con được đi học sớm nên họ đã tự sửa lại năm sinh. Mẹ của Lộc cho biết: “Trong học bạ, sổ hộ khẩu, giấy CMND và các giấy tờ khác của con tôi đều ghi là ngày sinh là 1/1/1996, chỉ có mỗi giấy khai sinh là tôi sửa lại thành ngày 1/1/1995”.
Trước tình thế này, Ban giám hiệu trường cũng không biết xử lý ra sao và hướng dẫn phụ huynh làm đơn gửi các cơ quan chức năng “cầu cứu”. Trong đơn, phụ huynh em Lộc thừa nhận tự sửa giấy khai sinh của Lộc và xin được xem xét, tạo điều kiện cho con mình được đăng ký tham gia kỳ thi THPT sắp tới.
Cô Hiền, giáo viên hướng dẫn em Lộc làm hồ sơ cho biết đã liên hệ với Phòng Tư pháp huyện Tân Thành để hỏi về việc điều chỉnh giấy khai sinh cho em nhưng đơn vị này nói không thể sửa bản chính. Còn bằng tốt nghiệp THCS của em này cũng không thể cấp lại bản mới. Hôm 15/4, em Lộc và cô giáo đã đến Sở GD-ĐT nhờ hướng dẫn.
Chỉ vì lỗi sửa giấy khai sinh của ba mẹ mà em Lộc có nguy cơ không thể thi lấy bằng tốt nghiệp THPT sau 12 năm học. Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho biết “Bộ GD-ĐT luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Các năm trước có rất nhiều trường hợp thí sinh không may bị mất hết giấy tờ tùy thân nhưng vẫn được thi sau khi thí sinh làm cam kết. Tuy nhiên, đối với trường hợp của em Trần Tấn Lộc lại khá hi hữu". Theo ông Cường, trước hết Ban Giám hiệu Trường THPT Hát Dịch phải chủ động phối hợp và liên hệ để giải quyết. Nếu huyện Tân Thành không giải quyết được thì báo cáo Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu Sở không giải quyết được thì phải báo cáo để Bộ GD-ĐT xem xét giải quyết.
Cô Hiền cho biết những ngày qua cô đã đưa em Lộc đến nhiều cơ quan chức năng nhờ xem xét, mới đây gia đình em Lộc cũng vừa làm đơn gửi Bộ GD-ĐT hi vọng được xem xét. Theo giáo viên này, em Lộc cảm thấy bế tắc nên đòi bỏ học cả tuần nay, các giáo viên phải động viên em cố gắng để không bỏ dở cơ hội có bằng tốt nghiệp trước khi hoàn thành 12 năm “đèn sách”. Theo đánh giá của giáo viên chủ nhiệm, Lộc có sức học trung bình nhưng em rất ngoan hiền.
May mắn hơn là trường hợp của thí sinh Thân N. T.V. ở TPHCM dù thông tin trên giấy khai sinh và học bạ không trùng khớp nhau. Em T.V. là thí sinh tự do và đã tốt nghiệp THPT năm 2015. Trước đó, thí sinh này mang họ mẹ là Võ N. T.V. nên trong hồ sơ học bạ các cấp học lẫn bằng tốt nghiệp THPT đều là họ Võ. Nhưng tháng 10/2015 em đã được cấp lại giấy khai sinh mang họ cha thành Thân N.T.V. Vì họ không trùng khớp họ trong giấy khai sinh và các giấy tờ khác nên em tỏ ra lúng túng không biết ghi hồ sơ thế nào.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, trường hợp em T.V. vẫn được nộp hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia năm 2016, tuy nhiên khi nộp đơn thí sinh phải gửi kèm các giấy tờ chứng minh có sự cho phép của UBND quận về thay đổi về họ. Bên cạnh đó, thí sinh này cũng phải đến Sở GD-ĐT TPHCM xin được cấp lại phó bảng bằng tốt nghiệp THPT với thông tin điều chỉnh về họ mới của mình.
Giáo viên từ chối nhận hồ sơ của thí sinh vì không nắm rõ quy chế
Mới đây, phụ huynh của em Giả N. Q. N., học lớp 12A3 Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng) phản ánh em Q.N. làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016 nhưng giáo viên hướng dẫn khai hồ sơ của trường từ chối nhận hồ sơ vì em này khai ưu tiên khu vực 1 (KV1).
Phụ huynh em Q.N. cho biết em có hộ khẩu thường trú ở TPHCM, nhưng học từ lớp 1 đến lớp 12 tại Sóc Trăng. Từ năm lớp 10 đến nay học tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai của tỉnh. Được biết, tất cả các trường thuộc tỉnh Sóc Trăng đều là KV1. Khi nghe con phản ánh việc giáo viên không đồng ý em được khai ưu tiên KV1 thì phụ huynh đã tìm hiểu Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 thì nhận thấy Q.N. phải được hưởng ưu tiên KV1. Tuy nhiên, giáo viên của trường vẫn không chấp nhận và cho rằng phải có hộ khẩu 18 tháng thì mới được khai KV1.
Đối với trường hợp này, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho rằng em Giả N.Q.N. được hưởng ưu tiên KV1 và giáo viên không chấp nhận hồ sơ của học sinh là sai. Ông Cường cho biết tại mục 4, điều 7 Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 của Bộ GD-ĐT quy định rõ: “Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học THPT (hoặc thời gian học trung cấp) có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó”.
Hà Minh
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thi-sinh-co-nguy-co-lo-ky-thi-thpt-quoc-gia-vi-nhung-loi-hi-huu-20160415171731769.htm