Tin tức Tuyển sinh


Phương án xét tuyển theo nhóm trường

 Theo các chuyên gia, xét tuyển theo nhóm trường là có lợi cho thí sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo các chuyên gia, xét tuyển theo nhóm trường là có lợi cho thí sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 
Theo GS Hà Huy Khoái và tiến sĩ Phan Huy Phú (đại diện Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội), nếu như việc xét tuyển theo nhóm trường được hiện thực thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho thí sinh (TS) cũng như cho các trường. “Tránh ảo, giảm các trường hợp bất hợp lý, các trường tuyển được TS tốt hơn, tiết kiệm công sức và tiền bạc cho các trường và TS, rút ngắn thời gian xét tuyển và “nhóm xét tuyển” càng lớn thì các điểm ưu việt này càng rõ”, hai đại diện này nhận xét.
 
Có thể được đăng ký vào nhiều hơn 2 trường
 
Trong bản trình bày các kiến nghị đã được trao đổi với bộ phận thường trực Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, nhóm nghiên cứu đưa ra 4 phương án giả định.
 
Theo phương án 1, TS được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng (NV) và thứ tự ưu tiên các NV được xếp theo trường, nhưng nếu thực hiện thì việc tổ chức các nhóm trở nên vô nghĩa.
 
Phương án cho TS đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 NV và thứ tự ưu tiên được xếp cho các NV cùng nhóm xét tuyển, không tách theo trường là khả thi và không mâu thuẫn gì với chủ trương Bộ đã công bố (2 trường, mỗi trường 2 NV).
 
Cũng có phương án cho TS đăng ký 4 NV vào nhiều nhất 2 nhóm xét tuyển (có thể 4 NV vào 4 trường cùng nhóm).
 
Cuối cùng là phương án cho 4 NV của TS phải thuộc cùng một nhóm xét tuyển và thứ tự ưu tiên được xếp từ 1 đến 4. Phương án này tránh triệt để hiện tượng “ảo” nhưng có khả năng sẽ bị dư luận phản đối vì khi đăng ký vào nhóm một trường, TS không được đăng ký vào trường thứ hai, như thế TS bị “mất quyền lợi”.
 
Mỗi khu vực chỉ nên có một nhóm
 
Theo các chuyên gia, tốt nhất là mỗi khu vực chỉ có một nhóm xét tuyển. “Nếu hiểu được vấn đề, TS sẽ muốn đăng ký NV vào “nhóm xét tuyển” nào có nhiều trường, vì vậy những trường đứng một mình sẽ bất lợi hơn những trường tham gia vào một nhóm nào đó. Và khi một nhóm xét tuyển càng có nhiều trường thì các trường đứng một mình càng bất lợi”, GS Hà Huy Khoái và tiến sĩ Phan Huy Phú chia sẻ.
 
Trong trường hợp có nhiều nhóm xét tuyển trong một khu vực thì cần phải cho phép một trường có thể tham gia vào nhiều nhóm, miễn là mỗi “mã xét tuyển” của trường chỉ được tham gia vào một nhóm. Ví dụ: ngành kế toán của trường A tham gia vào nhóm xét tuyển có Trường ĐH Kinh tế quốc dân, còn ngành điều dưỡng tham gia vào nhóm có Trường ĐH Y Hà Nội.
 
Bộ GD-ĐT cần có mẫu đăng ký NV phù hợp với quy định, dùng chung cho toàn quốc. Không thể để mỗi nhóm đưa ra mẫu đăng ký riêng. Trong đợt xét tuyển đầu, mỗi TS chỉ nộp một phiếu đăng ký xét tuyển và Bộ phải là nơi điều phối việc này.
 
Theo nhóm nghiên cứu, Bộ nên chủ trì việc lập các nhóm xét tuyển.
 
Đề nghị áp dụng từ năm 2016
 

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN vừa có kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, trong đó là những góp ý cho các quy định về tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ. Bản kiến nghị gồm 5 nội dung, trong đó đề nghị Bộ triển khai tuyển sinh theo nhóm ngay từ kỳ tuyển sinh 2016.

 
 Quý Hiên
http://thanhnien.vn/giao-duc/phuong-an-xet-tuyen-theo-nhom-truong-677015.html

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.