Những lộn xộn trong đợt 1 xét tuyển kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là nguyên nhân sẽ có nhiều điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh trong năm 2016 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 khối ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay 22.10.
Đổi mới sợ càng rối hơn
Bộ không nên thay đổi cả quy trình xét tuyển vì phương án tuyển sinh năm 2015 về cơ bản đã hợp lý. Thay vào đó chỉ cần điều chỉnh kỹ thuật để phương án này hoàn thiện hơn. Nên giữ lại phương án tuyển sinh đã thực hiện năm nay, khi đã có cơ sở dữ liệu dùng chung thì thay vì sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi, thí sinh (TS) có thể sử dụng tài khoản cá nhân để nộp, rút, điều chỉnh nguyện vọng ngay trên mạng. Nếu thực hiện xét tuyển theo những định hướng đổi mới Bộ đưa ra thì việc xét tuyển năm tới sẽ còn rối hơn cả năm nay. Tôi cho rằng vẫn phải quy định số lượng nguyện vọng TS được đăng ký xét tuyển nếu không sẽ rất ảo.
PGS-TS Đỗ Văn Xê
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ
Chưa phù hợp với thực tế VN
Mở rộng cửa cho TS được tự do đăng ký xét tuyển là xu hướng tiên tiến nhưng chưa phù hợp với thực tế các trường VN. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên phương án xét tuyển năm nay cũng khó khăn cho TS nên cần có một phương án dung hòa hơn. Quy trình xét tuyển có thể giữ nguyên năm nay nhưng mỗi đợt xét tuyển TS được phép đăng ký vào 3 trường khác nhau, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng và không cho phép TS rút ra nộp vào trong mỗi đợt xét. “Thả” để TS đăng ký xét tuyển sẽ rất khó cho các trường, bản thân TS cũng vất vả vì phải nộp nhiều trường nhiều nơi.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính
Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM
Nên xét tuyển theo thang điểm
Có rất nhiều câu hỏi cần được đặt ra nếu cho phép các trường lớn tự liên kết tuyển sinh như đâu là ranh giới để chọn lựa 30 trường tốp đầu, việc phân bổ trường tốp đầu ở các vùng miền ra sao...? Tuy nhiên, phương án xét tuyển theo thang điểm là phù hợp, Bộ sẽ định hướng chung về mốc thời gian xét, còn bản thân các trường sẽ tự dàn xếp nhau về thời gian nhận hồ sơ. Thực tế từ kinh nghiệm năm 2015, nhiều trường ĐH lớn yêu cầu TS nhập học rất sớm, trước cả thời gian bắt đầu xét tuyển đợt tiếp theo. Khi đó, dù không yêu cầu TS sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển, nhưng TS cần có giấy này để làm thủ tục nhập học, tránh trường hợp đã trúng tuyển tiếp tục tham gia xét tuyển đợt sau. Điều này sẽ giúp giảm lượng TS ảo cho các trường.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa
Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
Liên kết tuyển sinh là ý tưởng tốt
Chủ trương các trường tốp trên liên kết với nhau để cùng tổ chức tuyển sinh là một ý tưởng tốt. Trong kỳ tuyển sinh vừa rồi, sự cạnh tranh cũng như không khí căng thẳng gần như chỉ nằm ở những trường tốp đầu. Cơ chế để các trường bắt tay nhau cần trên cơ sở tự nguyện để đảm bảo tính tự chủ. Bộ có thể tổ chức một hội thảo chuyên đề và mời các trường tham dự. Bộ sẽ nói rõ về việc tạo điều kiện cho các trường những gì, đến mức độ nào nếu cùng liên kết tuyển sinh. Sau khi đã thống nhất với nhau thì có thể tự các trường đứng ra cùng thảo một biên bản ghi nhớ hợp tác, không cần phải “dính” tới Bộ nữa.
PGS -TS Hoàng Minh Sơn
Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Không cần thiết tự do đăng ký xét tuyển
Cho TS tự do đăng ký xét tuyển là thay đổi quá lớn và không cần thiết. Cách thay đổi tuyển sinh như năm vừa qua về cơ bản là tốt, chỉ cần sửa chữa một số sai sót xảy ra trong quá trình triển khai. Cần cấp ít lại giấy chứng nhận kết quả thi chứ không nên bỏ. Không in giấy chứng nhận điểm, các em đăng ký dựa trên hình thức nào? Các trường dựa vào đâu để nhận đăng ký? Nhưng điều quan trọng hơn là vì các trường không kiểm soát được số lượng ảo nên các trường gọi nhiều TS thì sợ vượt, gọi ít lại không đủ chỉ tiêu.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ
Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
Nhiều rủi ro khi tự do đăng ký
Tự do xét tuyển có thuận lợi là các trường sẽ xác định cho mình đối tượng nào và tuyển ra làm sao, tuyển khi nào. Nhưng tại VN thì thách thức sẽ nằm ở vấn đề nhiều trường chưa sẵn sàng cho việc này và đặc biệt uy tín đào tạo sẽ quyết định TS có đăng ký hay không. Nếu TS được tự do đăng ký thì sẽ rủi ro cho cả trường và TS.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình
Giám đốc Tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Hoa Sen
Các trường sẽ tự xử lý “ảo”
Vấn đề quan trọng là phải làm sao để TS được thỏa mãn nguyện vọng một cách tốt nhất tương xứng với thực lực của các em, và các trường tuyển được những TS tốt nhất so với khả năng thu hút của mình. Việc chỉ cho phép TS đã đỗ nguyện vọng 1 không được xét tuyển nguyện vọng tiếp theo là rất dở, ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của TS. Do đó việc Bộ dự kiến “thả” để TS tự do đăng ký, tự do lựa chọn nơi học, còn các trường được tùy ý đồng ý nhận những em đủ điều kiện trúng tuyển vào trường mình mà không cần phải quan tâm em đó đã trúng tuyển trường khác hay chưa, là một hướng đúng đắn. Còn các trường sẽ xử lý thế nào với “ảo”, đó sẽ là vấn đề mà từng trường sẽ phải tự tìm cách để giải quyết.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng
Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT
Dự kiến thi THPT quốc gia vào trung tuần tháng 6
Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ được tổ chức trong 3 ngày 13, 14, 15.6.2016.
Bộ sẽ tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh, có một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; TS ở các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện; các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt các điểm thi tạo thuận lợi cho TS.
Đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực TS, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi.
Sẽ điều chỉnh chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn.
Quý Hiên
|
Hà Ánh - Quý Hiên - Đăng Nguyên (ghi)
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dh-cd-2016-co-nen-tha-het-muc-hay-khong-623803.html