Thí sinh vẫn tiếp tục điệp khúc rút nộp hồ sơ. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Có trường mới tuyển được 1/10 chỉ tiêu…
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trong đợt 3 này thông báo tuyển 1.500 chỉ tiêu, điểm xét tuyển bằng điểm sàn (trừ ngành dược lấy 18,75 điểm), thế nhưng, qua 10 ngày xét tuyển, trường này chỉ nhận được chưa đầy 100 hồ sơ.
Thiếu quá nhiều chỉ tiêu, buộc lòng trường này phải tuyển tiếp đợt 4 với 1.400 chỉ tiêu. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường vẫn tỏ ra không mấy hy vọng bởi nguồn tuyển ngày càng eo hẹp.
Tương tự, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng phải tuyển sinh thêm đợt 4 với 200 chỉ tiêu cho cả ĐH và CĐ. Ông Trịnh Hữu Chung, phó Hiệu trưởng trường cho biết: “Nguồn tuyển đang ngày càng cạn kiệt nên đợt này, trường chỉ tuyển một lượng ít thí sinh với mức điểm cao chứ không tuyển đại trà”.
Trong khi đó, trường ĐH Lạc Hồng, kết thúc tuyển sinh đợt 3 cũng chỉ nhận được 2/3 chỉ tiêu. “Dù vẫn thiếu chỉ tiêu nhưng đợt này trường quyết định không tuyển nữa bởi nguồn tuyển giờ đã cạn kiệt rồi”, ông Lâm Thành Hiển, phó hiệu trưởng trường nói. Tương tự, trường ĐH Kinh tế- Tài chính TPHCM cũng sẽ không tuyển sinh tiếp đợt 4 dù chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Ở hệ CĐ, các trường còn bi đát hơn khi hết 3 đợt, nhiều trường mới tuyển chỉ 1/10 chỉ tiêu. Cụ thể, trường CĐ Đại Việt Sài Gòn hiện mới tuyển được hơn 100 thí sinh trong khi chỉ tiêu hơn 2.000; trường CĐ Công nghệ thông tin TPHCM nhận được hơn 300 trên tổng số 700 chỉ tiêu… Nhiều trường CĐ khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Lạm phát bằng đại học
Trao đổi với PV, TS Phạm Thị Ly (thuộc ĐH QG TPHCM) cho biết, việc các trường ĐH, CĐ khó tuyển sinh có nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là học phí tăng cao trong lúc triển vọng việc làm không khả quan. “Mặc dù học phí ở Việt Nam còn thấp, nhưng đối với người nghèo vẫn là cao. Thêm vào đó, thực tế “chạy” chỗ làm khiến người thu nhập thấp nhìn giáo dục ĐH như là một khoản đầu tư rủi ro; thậm chí triển vọng tài chính còn kém hơn so với xuất khẩu lao động”, bà Ly nói.
Bên cạnh đó, theo bà Ly, tâm lý chuộng bằng cấp, và tình trạng vào ĐH quá dễ dàng, khiến các trường CĐ không tuyển sinh được cũng là điều dễ hiểu. Bà Ly cho rằng, trường công thì chẳng cần phải cải thiện cũng sẽ vẫn tồn tại, vì họ được bao cấp. Trường tư không có người học thì sẽ chết tức khắc. “Dĩ nhiên các trường biết rất rõ điều này, nhưng vẫn không có nhiều trường có một chiến lược bài bản để thay đổi kịp thời. Tình trạng thiếu nguồn tuyển cho thấy bằng ĐH đã lạm phát nghiêm trọng, và cái thời người ta đến trường chỉ để lấy bằng mà không quan tâm đến học vấn, tri thức, kỹ năng đã qua rồi. Sẽ chỉ có những trường tập trung vào chất lượng đào tạo, dịch vụ phục vụ sinh viên tốt, tạo được điểm nhấn làm nên ưu thế cho người học trên thị trường lao động mới có thể tồn tại”, bà Ly phân tích.
Ở một khía cạnh khác, bà Ly cho biết, khi tuyển sinh không đủ, kinh phí sẽ không có để tái đầu tư có thể sẽ dẫn đến chất lượng đi xuống bởi nó là một thách thức lớn với các trường tư. Chính sách nhà nước có vai trò quan trọng trong vấn đề này. Nếu chính sách không thay đổi, nhiều trường tư sẽ chết, và mục tiêu xã hội hóa GDĐH sẽ khó mà đạt được.
Theo bà Ly, để hoàn thiện lại hệ thống giáo dục, giải pháp vẫn là tái cấu trúc hệ thống, cụ thể, trường công, vì tiêu tiền thuế của người dân, cho nên phải bù đắp cho những khiếm khuyết của thị trường chứ không phải là chạy theo thị trường như hiện nay ta đang thấy, còn trường tư có thế mạnh là năng động, linh hoạt, đáp ứng nhanh với thị trường, nhưng họ cần được cạnh tranh một cách công bằng.
“Trong khi chính sách chưa được điều chỉnh, các trường tư phải tự cứu mình bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nhất là phải đem lại cho người học những gì mà các trường công hiện nay chưa trang bị được thì mới mong tồn tại”, bà Ly nói.
Trong khi đó, TS Vũ Thị Phương Anh (ĐHQG TPHCM) cho rằng, trong những năm tới các trường ĐH, CĐ cần phải có những thay đổi căn bản để cải thiện hình ảnh nếu không muốn bị đào thải. “Trên thực tế, quá trình đào thải đã bắt đầu; quá trình tái cấu trúc, sáp nhập, thay đổi chủ đầu tư, thay đổi định hướng hoạt động đang diễn ra ở một số nơi”, bà Anh nói.
Thất nghiệp nhiều - lãng phí lớn !
Theo các thành viên của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc có đến 200 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp là một sự lãng phí rất lớn. Đại biểu Lê Thành Nhơn cho rằng, so với những năm trước số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp không giảm mà càng ngày càng có xu hướng gia tăng. Nếu như năm 2014 mới chỉ có khoảng 165 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp thì nay đã tăng lên gần 200 nghìn sinh viên. “Đây là một sự lãng phí rất lớn, bởi chúng ta phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng mới đào tạo được 200 nghìn người này”, ông Nhơn nói và đề nghị Bộ LĐ, TB &XH cần phối hợp chặt với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có các giải pháp hạn chế tình trạng thất nghiệp trên.
Văn Kiên
|
Nguyễn Dũng
Nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dh-cd-2015-khong-thay-doi-nhieu-truong-se-chet-912031.tpo