Ông Nghĩa tiết lộ thêm: Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các địa phương đề nghị đăng ký cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Trên cơ sở rà soát các địa phương sẽ báo cáo UBND tỉnh quyết định. Hạn cuối báo cáo về Bộ GD-ĐT là ngày 23/3. Như vậy, số lượng cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì chỉ được ấn định sau ngày này và tất nhiên sẽ có trước thời điểm thí sinh đăng ký dự thi.
Hai cụm thi: Nghiêm túc như nhau!
Trước câu hỏi về lo lắng, băn khoăn việc có thể xảy ra tình trạng “tháo khoán” ở cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “Chúng tôi đã tính toán điều này trước khi ra phương án hình thành cụm thi tỉnh. Bộ đã phân tích đề thi, kết quả thi, phổ điểm của các năm trước và thấy phổ điểm của học sinh phân bố hợp lý. Trước đây có hiện tượng tháo khoán, nhưng giờ đã khác, thi nghiêm túc hơn, đề thi hợp lý hơn. Vì vậy thi cụm tỉnh chắc chắn cũng sẽ nghiêm túc hơn. Nhưng dư luận xã hội yên tâm hơn với cụm thi liên tỉnh. Vì vậy, chúng tôi quyết định hình thành cả hai cụm thi và độ nghiêm túc của cả hai cụm này là như nhau. Cụm thi tỉnh thì vẫn do trường đại học chủ trì phối hợp với sở để tổ chức. Công tác thanh tra giữa 2 loại cụm thi là giống nhau”.
Cũng theo Thứ trưởng Hiển, công tác chấm thi thực hiện như quy chế. Sẽ có chấm thử ở tại mỗi Hội đồng để rút kinh nghiệm trước khi chấm. Công tác chấm thi về cơ bản không khác so với mọi năm.
“Việc hướng dẫn ôn tập đã có ngay từ đầu năm. Đề thi 2014 năm trước đáp ứng được yêu cầu phân loại học sinh. Đề thi năm 2015 sẽ không có sự khác biệt so với năm ngoái, vì vậy thí sinh cứ yên tâm ôn tập. Nội dung nằm trong chương trình THPT, vì vậy các em không nên lo lắng. Việc ôn tập vẫn diễn ra bình thường. Bộ không ban hành cấu trúc đề thi. Nhưng để đáp ứng yêu của học sinh, tới đây Bộ sẽ công bố đề thi minh họa” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
Nói thêm về đề thi, ông Trần Văn Nghĩa cho hay, đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, với 2 mục đích, vì thế sẽ có 2 nhóm câu hỏi: một nhóm tương đương đề thi THPT, bảo đảm những em học sinh trung bình cũng có thể làm được bài và đạt tốt nghiệp. Nhóm thứ 2 tương tự câu hỏi phân loại, giống đề thi ĐH-CĐ. Hướng đề thi giống như năm 2014. Thí sinh có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp và thi ĐH-CĐ năm trước để ôn luyện.
Lưu ý về đăng ký dự thi và nguyện vọng xét tuyển
Về việc đăng ký dự thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Vài ngày tới Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể. Việc đăng ký dự thi của thí sinh tự do phải hết sức lưu ý.
Về thí sinh tự do chúng ta phân ra hai nhóm. Một là, thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT và dự thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ thì được đăng ký dự thi ở một nơi và chọn cụm thi do ĐH chủ trì, miễn là thuận lợi cho mình. Chẳng hạn đăng ký dự thi ở Hà Nội nhưng có thể chọn cụm thi do ĐH chủ trì ở TPHCM thi.
Hai là, thí sinh tự do nhưng chưa tốt nghiệp THPT thì đăng ký dự thi ở đâu thì dự thi ở cụm thi chỉ định dành cho địa phương đó. Ví dụ, đăng ký dự thi ở Nam Định thì chỉ được chọn cụm dự thi do ĐH chủ trì ở Hà Nội.
Về việc xét tuyển, ông Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý: Sau khi có kết quả thi, các trường sẽ cấp cho thí sinh 4 giấy chứng nhận kết quả thi trong đó 1 giấy nguyện vọng (NV) 1 và 3 NV bổ sung. Với NV1, thí sinh chỉ được đăng kí vào 1 trường, mỗi trường tối đa 4 NV vào 4 ngành khác nhau. Trong quá trình xét tuyển, nếu thấy có khả năng trượt, thí sinh có thể rút hồ sơ để đăng kí trường khác hoặc điều chỉnh NV trong trường.
Chỉ có TS trượt NV1 mới có quyền được đăng kí NV bổ sung. Với các NV bổ sung, thí sinh có thể dùng đồng thời cả 3 giấy vào tối đa 3 trường mỗi trường 4 NV, như vậy mỗi thí sinh sẽ có tối đa 12 NV. Vì thế, sau khi có kết quả thi, các em phải hết sức cân nhắc. Ở NV bổ sung thì ở mỗi đợt xét tuyển thí sinh không được phép rút hồ sơ. Nếu sau khi hết đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh vẫn chưa trúng tuyển thì được phép đến trường mình nộp rút hồ sơ để nộp xét tuyển đợt bổ sung kế tiếp.
Nguyễn Hùng
Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sau-ngay-233-moi-an-dinh-cum-thi-do-so-gddt-chu-tri-1046958.htm