Tin tức Tuyển sinh


Bất hợp lý liên thông

Học sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 Ảnh: ĐẶNG TRINH

Học sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 - Ảnh: ĐẶNG TRINH

 
Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm.
 
Thi tốt nghiệp THPT... 2 lần!
 
Tuy nhiên năm nay, Bộ GD-ĐT đã bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo “3 chung” nhưng quy chế mới không đề cập gì đến tuyển sinh liên thông. Một chuyên gia nhận định có thể hiểu việc tuyển sinh liên thông không thay đổi so với trước đây, như vậy, thí sinh chưa tốt nghiệp trung cấp, CĐ chưa đủ 36 tháng muốn liên thông phải thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. “Kỳ thi thay đổi, quy chế thi thay đổi nhưng Thông tư 55 vẫn giữ là sự bất hợp lý mà đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa tháo gỡ. Như vậy, thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT 2 lần. Đó là chưa kể đối tượng này đã có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc CĐ. Như vậy là hết sức vô lý” - chuyên gia này phân tích.
 
ThS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng Thông tư 55 khiến bậc CĐ lâm vào cảnh bi đát bởi rất ít người đợi đến 36 tháng để thi liên thông. Trong khi đó hiện nay, bộ cho phép các trường tuyển sinh bằng học bạ. Thí sinh chỉ cần trung bình 6 điểm trong học bạ là có thể trúng tuyển vào ĐH nên sẽ rất ít học sinh chọn học CĐ.
 
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng Thông tư 55 không còn phù hợp trong tình hình hiện nay. “Nên rút lại Thông tư 55 bởi nhiều trường ĐH xét điểm học bạ đối với thí sinh tốt nghiệp THPT có điểm trung bình các môn dùng để xét tuyển cho từng ngành trong 3 năm học THPT từ 6 trở lên thì không có lý do gì những người đã có bằng CĐ phải chờ đến 36 tháng” - ông Dũng nói.
 
Giảm cả lượng lẫn chất
 
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng với Thông tư 55, Bộ GD-ĐT đã đạt được “mục tiêu” giảm người học liên thông. Nhưng điều này lại hạn chế cơ hội được học nâng cao và học tập suốt đời của người dân. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, tỉ lệ tuyển sinh hệ liên thông chính quy chỉ đạt khoảng 20% so với trước đây.
 
ThS Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing, cho biết trước khi có Thông tư 55, mỗi năm trường tuyển được khoảng 1.000 sinh viên liên thông trong số vài ngàn hồ sơ. Sau khi Thông tư 55 ra đời, trường chỉ tuyển được 200-300 sinh viên đủ 36 tháng, số thí sinh chưa đủ 36 tháng thi theo kỳ thi “3 chung” thì chất lượng rất kém nên không tuyển được.
 
Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ThS Phạm Thái Sơn, phó trưởng phòng đào tạo, cho biết trước khi có Thông tư 55, mỗi năm trường có 4.000-5.000 thí sinh đăng ký dự thi liên thông và tuyển được 200-300 em có chất lượng. Nhưng sau đó thì nguồn thí sinh tốt nghiệp CĐ từ 36 tháng trở lên rất ít, nhóm thi theo kỳ thi “3 chung” mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 100 sinh viên.
 
Đại diện nhiều trường ĐH cho biết số lượng sinh viên hệ liên thông giảm mạnh kéo theo chất lượng đào tạo cũng giảm vì không ai muốn đầu tư vào một hệ đào tạo không có nguồn tuyển sinh.
 
Bít cửa học lên cao
 
ThS Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng, cho rằng Thông tư 55 đã triệt tiêu cơ hội học lên cao đối với nhiều người. Bởi, tốt nghiệp CĐ sau 1-2 năm nhiều người đã có việc làm nên rất khó sắp xếp thời gian để học ban ngày. Đối với nữ, thời gian này nhiều người đã có gia đình nên rất khó theo học. “Có thể có những lo ngại về chất lượng tuyển sinh liên thông của các trường nhưng vấn đề này vẫn có thể giải quyết được bằng việc ràng buộc các trường áp dụng đào tạo đầy đủ theo tín chỉ” - ông Sỹ nói.
 
HUY LÂN
Nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bat-hop-ly-lien-thong-20150317210014311.htm

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.