Tin tức Tuyển sinh


Rút - nộp hồ sơ: Khó cho thí sinh ở xa

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào Trường ĐH Sài Gòn năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào Trường ĐH Sài Gòn năm 2014. Ảnh: TẤN THẠNH

 
Ngay sau khi lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin rằng thí sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển từ việc rút - nộp hồ sơ (Báo Người Lao Động số ra ngày 4-2), lãnh đạo nhiều trường bày tỏ sự băn khoăn.

Thêm cơ hội nhưng tốn kém, bất tiện
 
Theo lãnh đạo Cục Khảo thí, trong 20 ngày xét tuyển đợt đầu tiên, cứ 3 ngày/lần, các trường phải công khai thông tin xét tuyển và thí sinh dựa vào đó để xác định cơ hội trúng tuyển, nếu không nhiều cơ hội thì rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Các trường ĐH dành một số chỉ tiêu nhất định cho đợt xét tuyển sau.
 
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng việc cho rút hồ sơ ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển nhưng cũng bất lợi đối với những thí sinh ở xa vì việc rút hồ sơ không thể thông qua bưu điện được mà phải đích thân các em đến hoặc ủy quyền cho người thân. Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cũng ủng hộ việc cho thí sinh rút hồ sơ, đồng thời cho rằng sẽ rất vất vả đối với những trường có lượng hồ sơ lớn. “Ngoài ra, có thể có nhiều thí sinh ở xa trường sẽ phải lưu lại ở TP nhiều ngày để rút - nộp hồ sơ gây tốn kém không khác gì đi thi ĐH trước đây” - ông Sĩ nói.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, lại cho rằng đó là sự bất công và chỉ có lợi cho những thí sinh ở thành phố, gần trường mà các em nộp hồ sơ. Ông đề xuất ngay trong trường nên cho thí sinh thay đổi các nguyện vọng nếu cảm thấy không có khả năng trúng tuyển. Việc này rất thuận lợi khi triển khai xét tuyển online, thí sinh chỉ cần đăng nhập, sau đó chỉnh sửa là xong.
 
Cần có biện pháp kỹ thuật khoa học hơn
 
Trước yêu cầu 3 ngày/lần, các trường phải công khai thông tin xét tuyển để giúp thí sinh biết được khả năng trượt, đỗ của mình để rút - nộp hồ sơ, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho rằng đây là việc làm cần thiết. “Cập nhật càng sớm thì thí sinh càng biết mình có cơ hội trúng tuyển cao hay không. Cơ hội trúng tuyển của thí sinh là rất quan trọng” - bà Thủy nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, đại diện nhiều trường thừa nhận việc để thí sinh thoải mái rút - nộp hồ sơ là gây phiền hà, khó khăn cho các trường bởi thêm một công đoạn là sẽ “đẻ” ra nhiều việc. Bên cạnh đó, việc cập nhật hàng ngàn hồ sơ cùng lúc là điều không dễ. Theo PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cần có giải pháp hài hòa giữa các trường và thí sinh. Khi nộp đơn xét tuyển, thí sinh cần cân nhắc cẩn trọng chứ không phải thích là nộp, không thích là rút. Chuyên gia này góp ý Bộ GD-ĐT nên giãn thời gian cập nhật thông tin từ 3 ngày lên 5 ngày để đỡ gây áp lực cũng như phức tạp cho các trường. Đồng thời, sau khi đã chốt danh sách xét tuyển (hết thời hạn 20 ngày) thì thí sinh không được rút hồ sơ ra nữa.
 
Đại diện một trường ĐH tại TP HCM cho rằng việc cho phép thí sinh rút - nộp hồ sơ trên thực tế khó thực hiện vì thí sinh ở xa không thể “chầu chực” để rút ở trường này rồi nộp vào trường khác. Hơn nữa, việc cho phép “rút ra - nộp vào” không thể hiện tính chất chính quy của một kỳ thi quy mô quốc gia, tạo tâm lý may rủi và không có sự cân nhắc, tính toán của thí sinh. “Cần có biện pháp kỹ thuật mang tính khoa học hơn chứ không nên đưa ra các giải pháp kiểu đối phó” - vị này nói.
 
Xét tuyển càng nhanh càng tốt
 
Vấn đề các trường tự chủ trong việc dành một phần chỉ tiêu cho nguyện vọng sau, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng tùy vào từng ngành, thường thì những ngành khó tuyển mới dùng đến nguyện vọng 2, còn những ngành tuyển sinh tốt có thể tuyển đủ ngay từ nguyện vọng 1. Theo một chuyên gia tuyển sinh, khi xét tuyển, dù qua phương thức tuyển sinh “3 chung” trước đây hay dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, chắc hẳn chẳng có trường ĐH, CĐ nào thích chủ động chừa chỉ tiêu lại để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trường nào cũng sẽ mong muốn xét tuyển xong càng nhanh càng tốt để triển khai năm học. Quy luật thực tế của những năm trước đây là các trường ĐH lớn có điểm chuẩn trúng tuyển cao và hầu hết đều kết thúc xét tuyển ở nguyện vọng 1. Rất ít trường gọi xét tuyển thêm nguyện vọng 2. Đó là chưa kể trước đây, dù Bộ GD- ĐT không đồng ý nhưng trên thực tế, nhiều trường cũng đã thực hiện việc xét tuyển nguyện vọng 1B, nghĩa là nếu thí sinh không trúng tuyển ngành này thì có thể được chuyển sang ngành khác trong trường.
 
YẾN ANH - HUY LÂN
Nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/rut-nop-ho-so-kho-cho-thi-sinh-o-xa-20150205231329324.htm

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.