Thí sinh chỉnh sửa hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014Ảnh: TẤN THẠNH
Trước lo lắng về việc tổ chức thi cụm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho hay bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố và giao cho các trường ĐH chủ trì.
Không cần thiết phân biệt cụm thi
Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh (TS) của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. “Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm bảo đảm sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước” - ông Trinh nhấn mạnh.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, đồng thời giảm áp lực và tốn kém cho học sinh và xã hội. Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn bày tỏ sự lo lắng với việc tổ chức thi cụm. Một chuyên gia của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay việc điều hành cụm thi liên tỉnh lên tới cả trăm điểm thi sẽ hết sức khó khăn đối với trường ĐH chủ trì. Trong khi quy chế lại chưa thể hiện rõ sẽ phải thành lập các điểm thi như thế nào? Nếu lượng TS quá lớn sẽ không thể tập trung mà phải chia TS ra nhiều điểm thi ở các huyện của 2 tỉnh vì không thể bảo đảm điều kiện phòng thi, nơi ăn ở cho TS. “Nếu việc tổ chức thi ở cụm thi tỉnh giống như ở cụm thi liên tỉnh, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì thì liệu có cần phải phân biệt cụm thi nào sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp, cụm thi nào xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển sinh ĐH, CĐ?” - chuyên gia này băn khoăn.
Dựa vào đâu để chỉnh sửa sai sót?
Theo Bộ GD-ĐT, quy trình và phương thức đăng ký dự thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 về cơ bản không thay đổi nhiều so với các năm trước. Cụ thể, TS vẫn khai hồ sơ đăng ký dự thi và nộp về trường THPT để chuyển đến các sở GD-ĐT. Các sở này sẽ chịu trách nhiệm nhập dữ liệu tuyển sinh để gửi về bộ. Trên cơ sở tổng hợp, bộ sẽ lọc thông tin rồi phân dữ liệu tuyển sinh về từng cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Các trường ĐH chủ trì cụm thi sẽ chịu trách nhiệm in giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi gửi tới các sở chuyển về cho TS qua các trường THPT như trước đây. TS sẽ sử dụng các giấy chứng nhận này để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường.
Khi nghiên cứu về công tác tổ chức cụm thi, các chuyên gia phân tích: Điều 9 dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ghi rõ “Sở GD-ĐT quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và gửi dữ liệu đăng ký về Bộ GD-ĐT”. Tuy nhiên, điều 13 lại ghi rằng “thủ trưởng trường phổ thông hoặc nơi TS nộp phiếu đăng ký dự thi chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ đăng ký dự thi...”. Theo các chuyên gia, với độ vênh này, cuối cùng hồ sơ TS nằm đâu cũng chưa rõ. Đó là chưa nói đến việc nếu các cụm không quản lý hồ sơ thì sai sót biết căn cứ vào đâu mà sửa. “Các năm trước, năm nào trường chúng tôi cũng phải kiểm tra và chỉnh sửa hồ sơ TS do những sai sót trong khâu nhập dữ liệu từ các địa phương. Năm nay, không có hồ sơ gốc của TS, nếu có gì sai thì chúng tôi biết dựa vào đâu mà sửa?” - một đại diện của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lo lắng.
Nên bình đẳng trong xét tuyển
Phó giám đốc một sở GD-ĐT cho rằng nếu việc tổ chức cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là hoàn toàn giống nhau thì không nên phân biệt TS chỉ dự thi xét tốt nghiệp THPT với TS kết hợp xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nên cho phép TS ở cụm thi tỉnh cũng được quyền sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
|
YẾN ANH
Nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ai-se-chinh-sua-ho-so-du-thi-2015010622060329.htm