Trường ĐH Sư phạm TP HCM sẽ là một cụm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH
Một trong các giải pháp đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 là tổ chức thi theo cụm. Hình thức thi theo cụm không phải là mới vì trong thực tế, những năm qua cũng đã được tổ chức ở cả 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung”. Tuy nhiên, việc tổ chức thi theo cụm ở 2 kỳ thi trước rất khác nhau.
Thi tốt nghiệp theo cụm chỉ chính thức được 3 năm
Tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm trường tại các địa phương được áp dụng từ năm 2009 (thi theo cụm và chấm chéo) với quy định mỗi cụm trường gồm ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc thành lập cụm trường hỗn hợp gồm ít nhất 2 trường THPT và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên. Trường hợp đặc biệt, những trường ở vùng xa, vùng cao, hải đảo, đi lại khó khăn, không đáp ứng quy định này thì Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải báo cáo Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trên thực tế không phải 100% các trường đều thi theo cụm từ 3 trường trở lên.
Năm 2009, cả nước có 1.069 cụm trường; 398 trường thi theo cụm. Như vậy, ngay từ đầu đã có một nửa số trường THPT không tổ chức thi theo cụm trường được. Đến năm 2010, số cụm trường tăng lên 1.233, nghĩa là tình trạng “chẻ nhỏ” cụm trường thành một, hai trường xảy ra nhiều hơn.
Năm 2011 đã xảy ra tình trạng 11 tỉnh, thành ĐBSCL “bắt tay” nhau điều chỉnh đáp án, hướng dẫn chấm thi của bộ để chấm thi lỏng hơn nên từ năm 2012 bỏ quy định thi theo cụm và chấm chéo. Từ năm 2012 cũng bỏ quy định các trường ĐH, CĐ cử cán bộ phối hợp coi thi. Tuy bỏ quy định thi theo cụm trường nhưng căn cứ trên việc tổ chức thuận lợi và nghiêm túc nếu giám sát chặt, nhiều địa phương vẫn tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm trường. Năm 2014, Hà Nội vẫn tổ chức 57 cụm thi của các trường THPT.
Cụm thi THPT quốc gia phải tổ chức chặt chẽ
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 dự kiến được tổ chức thi theo cụm, quy mô mỗi cụm khoảng 20.000-30.000 thí sinh. Như vậy, cả nước có khoảng hơn 30 cụm thi, phần lớn là các cụm thi liên tỉnh (thí sinh đến từ nhiều tỉnh khác nhau, ít nhất là 2 tỉnh). Ngoại trừ những địa phương khó khăn, còn lại hầu hết cụm thi sẽ do các trường ĐH chủ trì và phối hợp với các Sở GD-ĐT tổ chức. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT.
Hiện còn một số vấn đề kỹ thuật của việc tổ chức cụm thi của kỳ thi THPT quốc gia cần được tiếp tục hoàn chỉnh và sớm công bố để các trường ĐH, các sở GD-ĐT và thí sinh thực hiện, chẳng hạn quy định về đăng ký chọn cụm thi của các thí sinh “tự do” (đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước), quy định về sắp xếp phòng thi và nhiều vấn đề khác... Trong những năm tuyển sinh trước đây, một số địa phương có tỉ lệ thí sinh tự do khá cao, có thể đến hơn 50% (Thái Nguyên, Bắc Kạn…). Liệu các thí sinh “tự do” có phải đăng ký thi tại những điểm quy định nhất định hay được tự do chọn sao cho thuận tiện với hiện trạng công việc và sinh hoạt? Việc xếp phòng thi và số báo danh ở các điểm thi của cụm thi sao cho phù hợp với số lượng thí sinh dự thi từng môn thi, bảo đảm công tác coi thi, chấm thi và ráp phách, lên kết quả sau này được chính xác... Đó là chưa kể với sự di chuyển của một lượng lớn thí sinh tập trung trong 4 ngày thi, cần bảo đảm an toàn, trật tự xã hội và điều kiện ăn ở, sinh hoạt tối thiểu cho thí sinh (và cả một số phụ huynh) là những chi tiết mà các cụm thi cũng phải phối hợp với chính quyền địa phương dự kiến.
Ngoại trừ các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước, hầu hết thí sinh (ước khoảng hơn 900.000 trong năm 2015) tại các cụm thi đều nhằm mục đích là dự thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, do thí sinh còn dùng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia này để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau đó nên điểm khác biệt lớn nhất của các cụm thi THPT quốc gia so với các cụm thi (Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ) trong kỳ thi tuyển sinh ĐH trước đây là tuy các trường ĐH chủ trì nhưng không biết thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ nào. Do vậy, nếu được tổ chức chặt chẽ và giám sát nghiêm túc trong mọi khâu (tổ chức thi, coi thi, chấm thi…) thì hy vọng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia sẽ khách quan, trung thực; góp phần giúp các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh chính xác hơn.
Cụm thi “3 chung” hoàn thành sứ mệnh
Trong 3 đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung” trước đây, ngoài các trường ĐH, CĐ ở các địa phương tự tổ chức thi tại trường đối với 2 đợt thi ĐH, Bộ GD-ĐT quy định các cụm thi quốc gia: Hải Phòng, Vinh (do Trường ĐH Vinh làm chủ tịch hội đồng coi thi liên trường); Quy Nhơn (do Trường ĐH Quy Nhơn làm chủ tịch hội đồng coi thi liên trường); Cần Thơ (do Trường ĐH Cần Thơ làm chủ tịch hội đồng coi thi liên trường). Số thí sinh của các cụm thi (tính cả 2 đợt thi) khá lớn. Năm 2014, cụm thi Cần Thơ có 95.306 thí sinh, Quy Nhơn có 62.137 thí sinh, Vinh có 46.116 thí sinh; Hải Phòng có 32.082 thí sinh...
Dù số lượng thí sinh đông nhưng kỳ thi tại các cụm thi quốc gia trong kỳ thi ĐH, CĐ “3 chung” được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc với sự phối hợp không chỉ giữa các trường ĐH tại TP Hà Nội và TP HCM với các trường được ủy nhiệm làm chủ tịch hội đồng coi thi liên trường mà còn được sự hỗ trợ rất hiệu quả của chính quyền địa phương.
|
TS Nguyễn Đức Nghĩa
Nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-cum-thi-quyet-dinh-thanh-cong-20150104215216522.htm