Thí sinh tìm hiểu thông tin về các trường ĐH, CĐ Ảnh: TẤN THẠNH
Theo dự thảo phương thức tuyển sinh năm 2015, mỗi thí sinh (TS) được đăng ký 9 nguyện vọng (NV) xét tuyển; sau 20 ngày kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố kết quả thi và kết quả xét tốt nghiệp THPT, TS nộp hồ sơ đăng ký kèm theo lệ phí xét tuyển cho trường ÐH, CÐ đăng ký NV 1; các trường ÐH, CÐ có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển; thời hạn kết thúc xét tuyển hằng năm đối với các trường ÐH là ngày 15-10, đối với các trường CÐ là ngày 31-10.
Khó tránh việc rải hồ sơ
Trước đó, trả lời tại Cổng Thông tin Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho hay mỗi TS sẽ được đăng ký xét tuyển tối đa 6 NV, xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 6. Sau khi có kết quả xét tuyển vòng đầu tiên, các trường ĐH in phiếu chứng nhận kết quả thi cho các TS chưa trúng tuyển ở vòng xét tuyển đầu tiên. Mỗi TS sẽ có 3 phiếu chứng nhận kết quả thi đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi để xét tuyển NV bổ sung.
Như vậy, cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quyết định chính thức về số NV tối đa mà TS có thể đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, với 2 phương án mà bộ đưa ra, đại diện các trường đều khẳng định TS sẽ không ngại rải hồ sơ đi khắp nơi, gây nên một lượng hồ sơ “ảo” vô cùng lớn.
Một chuyên gia của ĐHQG Hà Nội phân tích trong kỳ thi THPT quốc gia, ví dụ một TS thi 5 môn toán, lý, hóa, văn, Anh, tương đương với 3 khối thi, các em sẽ có rất nhiều cơ hội xét tuyển. “Sẽ có những TS đăng ký đến 4-5 NV xét tuyển, thậm chí là nhiều hơn, điều này rất nguy hiểm cho các trường” - chuyên gia này nói.
PGS Lê Hữu Lập, Học viện Bưu chính Viễn thông, nhận xét trước kia, một TS chỉ có cơ hội thi 2 khối đã khiến các trường đối mặt tình trạng TS “ảo”, nay TS có thể thi đủ các môn của 4 khối A, A1, C, D rồi còn được mang các giấy báo điểm đi xét tuyển thì đúng là “chết” các trường ĐH. “Nếu TS thi tốt nghiệp bằng 4 môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ, vật lý và chọn thêm 2 môn hóa học, sinh học là có thể xét tuyển vào các ngành tương ứng với rất nhiều tổ hợp khối thi như hiện nay. Việc cấp nhiều giấy báo điểm cho TS tham gia xét tuyển sẽ khiến các trường rất vất vả, khó nắm được con số thực tế” - ông Lập nhận định.
Cần nhiều giải pháp phòng chống
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng việc TS cùng lúc có 9 NV xét tuyển gây “ảo” chung cho các trường, đặc biệt là các trường tốp giữa và tốp dưới. Ở kỳ thi tuyển sinh “3 chung” trước đây, các trường tổ chức thi đã nắm chắc một lượng TS thì nay rất khó xác định cụ thể vì TS có thể cùng lúc trúng tuyển nhiều trường.
Ở góc độ khác, theo ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, rất khó để TS tìm hiểu kỹ thông tin cho 9 NV. Điều này có thể khiến các em chọn sai ngành, sai trường, gây nhiều hệ lụy về sau.
Hàng loạt giải pháp chống “ảo” đã được các trường tính đến. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, cho rằng nếu thực hiện mức lệ phí tuyển sinh thấp thì TS sẽ đăng ký vào nhiều trường để không bỏ lỡ cơ hội. Do vậy, cần quy định một mức lệ phí tuyển sinh phù hợp để TS cân nhắc hơn trong việc chọn trường. Theo tiến sĩ Quang, trên thế giới, TS sau khi trúng tuyển vào trường đều phải nộp học phí. Nếu trong thời gian quy định mà TS không nộp thì hủy kết quả. Ở ta, việc này tuy khó hơn nhưng cũng cần đưa ra một mức ký quỹ để tránh “ảo”.
ThS Phạm Thái Sơn cho rằng Bộ GD-ĐT cần khai thác hiệu quả công nghệ thông tin để lọc những TS đã trúng tuyển. Đồng thời, có những quy định thoáng trong xét tuyển để các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển đạt được mục tiêu mà vẫn không vi phạm những quy định về tuyển sinh.
Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực, cho biết để chống hồ sơ “ảo”, trường sẽ cho TS đăng ký trên website của trường, cuối tháng 6 sẽ kết thúc đăng ký đợt 1, gọi là NV 1; sau đó sẽ cho đăng ký tiếp đợt 2, gọi là NV 2.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng cần phân tầng các trường ĐH. Cụ thể, đợt 1, các trường tốp trên sẽ tuyển trước để chọn học sinh giỏi vào trường mình. Sau một thời gian nhất định, khi đủ chỉ tiêu, các trường này “chốt sổ”, còn các trường tốp giữa và dưới tiếp tục việc xét tuyển.
Nhờ phần mềm trợ giúp
Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT thừa nhận một trong những mối lo lớn nhất của các trường ĐH, CĐ khi sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh là tình trạng đăng ký xét tuyển “ảo”. “Chúng tôi nhìn thấy ngay việc sau khi có kết quả thi mới xét tuyển sẽ phức tạp. TS càng nhiều NV thì trường càng nhận được nhiều hồ sơ “ảo” - một lãnh đạo cục nói.
Một trong những giải pháp mà đơn vị này từng tính tới là dự kiến TS chỉ được đăng ký một số NV nhất định, ưu tiên từ trên xuống. Sau đó, các trường sẽ tập trung dữ liệu về Bộ GD-ĐT gồm chỉ tiêu ngành tuyển, điều kiện tuyển sinh. Trên cơ sở thông tin điểm, NV, chỉ tiêu..., phần mềm của bộ sẽ xử lý cả hệ thống, tìm cho TS lựa chọn tốt nhất với số điểm của mình. Với những TS chưa trúng tuyển hoặc những ngành khó tuyển, có thể tiếp tục chạy phần mềm đợt 2 để sắp xếp tiếp hoặc TS tự đăng ký NV 2, 3 như các năm trước.
|
YẾN ANH - HUY LÂN
Nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tuyen-sinh-dh-cd-2015-nhieu-thi-sinhao-20141028213532529.htm