Tin tức Tuyển sinh


Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga: Dễ nhầm đề trong đợt 2

Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra đồng hồ của một thí sinh ĐH Ngoại thương, sau đó chúc học sinh này thi tốt. Ảnh: Như Ý

Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra đồng hồ của một thí sinh ĐH Ngoại thương, sau đó chúc học sinh này thi tốt. Ảnh: Như Ý

 
Xin ông đánh giá đôi nét về đợt 1 của kỳ tuyển sinh?
 
Đợt I kỳ thi tuyển sinh đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện. Đề thi đã đi theo đúng định hướng tiếp cận năng lực và có tính phân loại cao, được đánh giá tốt vì không buộc thí sinh phải nhớ nhiều, thuộc lòng nhiều, có một số câu hỏi theo định hướng ứng dụng nhằm đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Về công tác tổ chức thi, điều kiện thi được cải thiện tốt số thí sinh ảo ít, giám thị được tập huấn kỹ để phát hiện thiết bị công nghệ cao phát hiện thi hộ thi kèm. Các địa phương, ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt, Hội sinh viên, Đoàn thanh niên các trường đã hướng dẫn để hàng nghìn thí sinh có chỗ ở rẻ, bữa ăn miễn phí, chỗ ở miễn phí... góp phần vào sự thành công chung của đợt thi này.
 
Đợt 2 sắp diễn ra với nhiều môn, nhiều khối thi. Ông có lưu ý gì đối với các hội đồng, giám thị và thí sinh?
 
Các hội đồng cần đặc biệt quan tâm tới lịch thi từng buổi thi vì đợt 2 thi rất nhiều môn, phải quán triệt để không bóc nhầm đề! Nếu bóc nhầm, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỳ thi của cả nước. Vì vậy, khi bóc túi đề thi, giám thị phải làm đúng quy trình đã được hướng dẫn. Đợt 2 có nhiều môn xã hội. Mọi năm, thí sinh thường mang tài liệu vào quay cóp, nay giám thị phải thực thi nhiệm vụ hết sức nghiêm túc để đảm bảo trật tự phòng thi và tính công bằng. Đối với thí sinh, rút kinh nghiệm đợt 1 có rất nhiều thí sinh vẫn mang điện thoại di động vào phòng, đợt 2 dứt khoát thí sinh phải để điện thoại ở nhà hoặc ngoài phòng thi. Một điều quan trọng khác mà thí sinh cần nhớ là quy chế xử phạt rất nghiêm khắc việc vi phạm quy chế nên đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể qua được kỳ thi bằng sự gian lận thi cử, không phải từ năng lực của bản thân. Nếu qua mắt được giám thị trong quá trình thi thì sau này, trong khâu hậu kiểm phát hiện ra có gian lận thì thí sinh cũng sẽ phải buộc thôi học; ngay cả khi tốt nghiệp, nếu bị phát hiện, sinh viên ấy cũng bị thu lại bằng. Cho nên, điều tốt nhất là thí sinh đừng bao giờ nghĩ tới việc gian lận.
 
Thiết bị là một vấn đề nóng từ đợt 1. Đợt 2, khả năng số lượng thiết bị mang vào phòng thi sẽ cao hơn. Các trường thi phải làm gì, thưa ông?
 
Thiết bị công nghệ cao đa dạng về chủng loại và rất tinh vi; nếu không chú ý thì rất khó phát hiện. Bộ đề nghị các hội đồng thi quán triệt các giám thị: phải kiểm tra kỹ vật dụng của thí sinh mang vào phòng thi; trong quá trình tác nghiệp phải quan sát những động tác bất thường của thí sinh để xử lý kịp thời; nếu có nghi ngờ về thiết bị nhưng không nhận dạng được thì phải báo hội đồng để những người có chuyên môn xem xét và xác minh xem có phải đó là thiết bị nghe nhìn, phát sóng dùng để gian lận thi cử hay không. Vai trò giám thị trong đợt thi thứ hai là rất quan trọng.
 
Với thí sinh, đề thi năm nay mở, không bắt buộc học thuộc lòng máy móc như trước, nên, dù có mang tài liệu cũng không giúp ích gì, ngược lại còn bị đình chỉ thi. Tất cả những thứ học vẹt không cần nữa mà đề thi đòi hỏi trí tuệ, cần sự suy luận, phân tích, tư duy.
 
Dư luận băn khoăn: Năm nay đề mở như thế, đáp án có đủ mở để không bỏ qua sự sáng tạo của thí sinh?
 
Đối các môn tự nhiên thì không có vấn đề gì. Bộ sẽ công bố ba-rem điểm và các hội đồng chấm thi căn cứ vào đó để có điểm thưởng cho những bài thi xuất sắc, những cách làm hay được thừa nhận theo quy định. Các thí sinh có năng lực, tư duy sáng tạo tốt sẽ đạt kết quả cao chứ không phải những thí sinh học thuộc lòng!
 
Chân thành cám ơn ông!
 
Nguồn: http://tuyensinh.tienphong.vn/tuyen-sinh/thu-truong-gddt-bui-van-ga-de-nham-de-trong-dot-2-729707.tpo

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.