Tại điểm thi trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội năm 2013. Ảnh: Như Ý
Xin ông cho biết kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2014 có gì mới so với các năm trước?
Về cơ bản kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm nay do Bộ tổ chức không thay đổi gì lớn so với năm trước. Những đổi mới trong kỳ thi đã được Bộ GD&ĐT đưa ra tham khảo ý kiến rộng rãi trong dư luận và đã công bố cho thí sinh biết từ rất sớm.
Đó là các qui định về tuyển sinh riêng của các trường, điều chỉnh quy định về ưu tiên khu vực và đối tượng, đổi mới cách xác định điểm sàn.
Những đổi mới này có lợi ích gì cho thí sinh?
Những đổi mới năm nay nằm trong lộ trình đổi mới tuyển sinh theo hướng gọn nhẹ, thiết thực và hiệu quả để một mặt giúp các trường có thể tuyển chọn được thí sinh có năng lực thực sự phù hợp với các ngành nghề đào tạo tại trường và mặt khác, giúp cho thí sinh có thêm nhiều cơ hội chọn trường, ngành và chọn cách thi phù hợp với sở trường của bản thân.
Ngoài ra những điều chỉnh về quy định ưu tiên trong tuyển sinh là nhằm đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh ở các vùng miền.
Một trong những đổi mới của năm nay là bỏ điểm sàn duy nhất và có thêm nhiều điểm sàn. Theo ông chủ trương mới này tác động thế nào đến thí sinh và việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ?
Bộ đổi mới cách xác định điểm sàn chứ không phải bỏ điểm sàn. Thay vì có một mức điểm sàn duy nhất như trước đây, năm nay Bộ sẽ công bố nhiều mức điểm xét tuyển để các trường tùy theo uy tín, khả năng thu hút thí sinh của mình mà lựa chọn mức xét tuyển phù hợp.
Đối với các trường, đây là cơ hội để khẳng định uy tín, chất lượng của mình. Đối với xã hội và người sử dụng lao động, đây cũng là một thông số tham khảo về chất lượng trong tuyển dụng nhân sự. Do đó đối với thí sinh, nếu trúng tuyển vào trường có mức xét tuyển cao sẽ có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Mặt khác, năm nay các trường, ngành được chọn một môn chính trong khối thi để nhân hệ số 2. Điều này giúp các trường chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu đào tạo của từng ngành nghề, đồng thời những thí sinh có kết quả tốt môn chính có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.
Theo ông, chủ trương của ngành GD&ĐT cho phép các trường, đặc biệt khối ngoài công lập, tuyển sinh đa hệ (vừa thi ba chung, vừa tuyển sinh riêng) có giúp được các trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu hay không?
Theo báo cáo ban đầu của các trường tuyển sinh riêng thì số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành này khá nhiều. Tuyển sinh riêng năm nay là bước tập dượt để hướng tới một kỳ thi quốc gia với hai mục đích (tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ).
Dù có thiếu chỉ tiêu, các trường cũng không được tuyển những thí sinh thấp hơn ngưỡng chất lượng tối thiểu đã công bố.
Theo ông việc các trường ĐH, CĐ, đặc biệt khối ngoài công lập (NCL), có tuyển sinh được hay không phụ thuộc vào những yếu tố quan trọng nào?
Tuyển sinh có tốt hay không phụ thuộc vào sức hút uy tín, chất lượng của từng trường đã được xã hội thừa nhận. Mặt khác, vị trí địa lý nơi trường đặt trụ sở chính cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyển sinh.
Một số trường có cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ giảng viên chất lượng cao nhưng ở xa thành phố cũng rất khó khăn trong tuyển đủ người học. Sự quảng bá hình ảnh của trường rộng rãi trong cộng đồng cũng góp phần không nhỏ để thu hút thí sinh.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng, làm sao với tấm bằng tốt nghiệp của trường người học có thể tìm được việc làm.
Ông lý giải thế nào về hiện tượng năm nay số lượng hồ sơ ở hầu hết các trường đều giảm rất mạnh, từ 20-50%?
Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm, cục bộ có những trường giảm mạnh nhưng cũng có nhiều trường có số lượng hồ sơ tăng lên đáng kể.
Số lượng hồ sơ giảm chủ yếu là hồ sơ ảo. Những năm trước, mỗi thí sinh nộp vài ba bộ hồ sơ còn năm nay mỗi thí sinh nộp 1-2 bộ hồ sơ. Điều này cho thấy thí sinh đã có ý thức chọn ngành nghề tốt hơn, đã định hướng ngay từ đầu việc lựa chọn của mình.
Có ý kiến cho rằng, con số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ vượt xa số lượng học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014, là 910.000 thì tình trạng tuyển không đủ người học năm nay sẽ trầm trọng hơn. Ông nghĩ gì về điều này?
Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ chỉ khoảng 550.000. Số học sinh tốt nghiệp năm nay hơn 900.000 và ước tính khoảng 300.000 thí sinh thi tự do (thi lại).
Đối với kỳ thi chung, khi xác định ngưỡng chất lượng đầu vào Bộ luôn cân nhắc để đảm bảo các trường không thiếu nguồn tuyển. Ngoài ra năm nay một số trường tuyển sinh riêng dựa vào xét kết quả học tập và tốt nghiệp phổ thông cũng sẽ góp phần làm tăng thêm nguồn tuyển nói chung.
Theo các chuyên gia giáo dục dự báo, đề thi năm nay sẽ ra để đảm bảo chủ trương giảm tải chung của ngành GD&ĐT và phải thích hợp với mục tiêu nhiều điểm sàn. Vậy, hai mục tiêu giảm tải và tuyển chọn sẽ được kết hợp như thế nào trong đề thi tuyển sinh?
Những kinh nghiệm tốt trong ra đề thi những năm gần đây, nhất là kinh nghiệm đổi mới cách ra đề thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua sẽ được áp dụng trong việc ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Đề thi kiểu mở, đề thi không đánh đố, không bắt buộc thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc, đề thi hướng đến kiểm tra năng lực, khả năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống... đã được xã hội và thí sinh đồng tình sẽ tiếp tục được phát huy.
Thí sinh cần đặc biệt lưu ý gì trong kỳ thi tuyển sinh năm nay?
Đối với kỳ thi chung, thí sinh cần nghiên cứu kỹ những quy định trong quy chế tuyển sinh, đặc biệt lưu ý những vật dụng cấm mang vào phòng thi.
Năm nào cũng có nhiều thí sinh bị đình chỉ thi chủ yếu do mang theo điện thoại di động. Đối với các trường tuyển sinh riêng, thí sinh cần lưu ý bổ sung đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của các trường. Ngoài ra thí sinh cần xem thông báo của các trường chung về môn thi chính được nhân hệ số 2 để lưu ý và cố gắng làm tốt môn thi này.
Cảm ơn ông.
Hồ Thu
Nguồn: http://tuyensinh.tienphong.vn/tuyen-sinh/thu-truong-bo-gddt-noi-ve-nhung-luu-y-ky-thi-dhcd-nam-nay-724381.tpo