Ngày 5/10/2024, tại Đại học Duy Tân đã diễn ra chương trình giao lưu và trao đổi học thuật với chủ đề “Truyền thông Đa phương tiện trong Quan hệ Quốc tế hiện nay”. Đây là sự kiện quy tụ các giảng viên và sinh viên từ Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn - Trường Ngôn ngữ Xã hội Nhân văn, Đại học Duy Tân và Khoa Văn hóa & Du lịch - Trường Đại học Sài Gòn. Chương trình có sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Quan hệ Quốc tế của cả 2 trường gồm: TS. Nguyễn Đăng Khánh - Trưởng đoàn Thực tế Chuyên môn 3, Trường Đại học Sài Gòn; TS. Nguyễn Thanh Sinh - Trưởng Bộ môn và chuyên gia ngành Quan hệ Quốc tế, Đại học Duy Tân cùng TS. Lê Nam Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu, Đại học Duy Tân.
Các giảng viên hai trường đã cung cấp cho sinh viên nhiều thông tin bổ ích
về Quan hệ Quốc tế và Truyền thông Đa phương tiện
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập mạnh mẽ, truyền thông đa phương tiện đã trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối thông tin giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế. Chương trình giao lưu “Truyền thông Đa phương tiện trong Quan hệ Quốc tế hiện nay” là cơ hội để sinh viên của cả hai trường cùng thảo luận, trao đổi và tiếp thu thêm kiến thức chuyên môn về vai trò của truyền thông đa phương tiện trong Quan hệ Quốc tế.
Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Đăng Khánh - Trưởng đoàn Thực tế Chuyên môn 3, Trường Đại học Sài Gòn cho biết: “Đại diện cho đoàn Thực tế Chuyên môn 3, tôi xin cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của các giảng viên và sinh viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn - Trường Ngôn ngữ & Xã hội Nhân văn, Đại học Duy Tân. Truyền thông Đa phương tiện không chỉ đơn thuần là việc cung cấp thông tin mà còn có vai trò xây dựng hình ảnh quốc gia, thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các nền văn hóa khác nhau. Bởi vậy, chương trình giao lưu ngày hôm nay là cơ hội tuyệt vời để giảng viên và sinh viên 2 trường cùng chia sẻ nhiều vấn đề bổ ích liên quan đến học thuật cũng như những hướng hợp tác trong tương lai.”
Giảng viên và sinh viên hai trường chụp hình lưu niệm tại chương trình
Tại chương trình, các giảng viên của 2 trường đã giải đáp nhiều câu hỏi của sinh viên về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Quan hệ Quốc tế và Truyền thông Đa phương tiện. Một trong những vấn đề nổi bật của chương trình là thảo luận về những thách thức mà truyền thông đa phương tiện phải đối mặt trước sự phát triển của Trí tuệ Nhân tạo (AI). Các giảng viên đã chỉ ra rằng AI đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực truyền thông, từ việc xử lý dữ liệu, phân tích thông tin đến tạo nội dung. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra nhiều thách thức mới, đặc biệt là trong việc bảo đảm tính chính xác, khách quan và đạo đức của các thông tin được truyền tải. Sinh viên được khuyến khích nghiên cứu thêm về cách thức mà AI có thể tác động đến các quy trình truyền thông quốc tế trong tương lai, cũng như cách chuẩn bị để đối phó với những thay đổi này.
Bên cạnh đó, các giảng viên của 2 trường đã chia sẻ đến các bạn sinh viên cách ứng phó với khủng hoảng truyền thông, đặc biệt trong những trường hợp mà một sự kiện quốc tế có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của quốc gia. TS. Lê Nam Trung Hiếu đã trình bày về các chiến lược sử dụng truyền thông để kiểm soát và giảm thiểu tác động tiêu cực từ những cuộc khủng hoảng. TS. Trung Hiếu cũng đề xuất sinh viên tìm hiểu về các công cụ truyền thông hiện đại có thể được áp dụng trong các tình huống khủng hoảng, từ mạng xã hội đến báo chí truyền thống.
Chương trình giao lưu học thuật “Truyền thông Đa phương tiện trong Quan hệ Quốc tế hiện nay” đã mang đến cho sinh viên của Đại học Duy Tân và Đại học Sài Gòn những kiến thức bổ ích, mở ra nhiều góc nhìn mới về vai trò của truyền thông trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Đồng thời, sự kiện cũng góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác giữa 2 trường, tạo cơ hội để sinh viên tiếp cận và học hỏi thêm từ các chuyên gia trong ngành.
(Truyền Thông)