English

Thành tích

Sinh viên Đại học Duy Tân giành giải Nhất và giải Ba tại 'Sáng kiến Năng lượng Bền vững' 2021

Ở sân chơi đầy thử thách và thú vị này, sinh viên Đại học (ĐH) Duy Tân đã có mặt ở những giải thưởng lớn nhất khi có một thành viên nằm trong đội thi giành giải Nhất cùng toàn bộ các thành viên của đội giành giải Ba tại Chung kết cuộc thi “Sáng kiến Năng lượng Bền vững” 2021 diễn ra vào ngày 26/11/2021 với hình thức online.
 
“Sáng kiến Năng lượng Bền vững” do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và New Energy Nexus Việt Nam đồng tổ chức, nhằm phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao nhận thức của người trẻ về phát triển bền vững. Một cuộc thi toàn quốc lấy mục tiêu góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển những nguồn năng lượng mới - năng lượng tái tạo ngay lập tức đã thu hút rất nhiều sinh viên trên cả nước tham gia. Các sinh viên yêu thích chủ đề này đăng ký theo 2 hình thức: cá nhân và tập thể. Những sinh viên đăng ký theo hình thức cá nhân sau đó sẽ được ghép đội và cùng nhau triển khai ý tưởng của mình.
 
Sinh viên Đại học Duy Tân giành giải nhất và giải ba tại 'Sáng kiến Năng lượng Bền vững' 2021
Ban Tổ chức trao giải Nhất, Nhì, Ba cho các đội xuất sắc nhất
 
Trước vòng Chung kết, tại vòng Online Hackathon, các đội đã cùng sáng tạo ra các giải pháp cho 1 trong 7 thử thách gồm:
 
- Xây dựng bản đồ số (digitized map) về tiêu thụ năng lượng cho quy mô 1 khu công nghiệp (KCN);
 
- Chiếu sáng cho biển quảng cáo ngoài trời bằng năng lượng mặt trời (solar) và tuabin gió mini (mini wind turbine);
 
- Giám sát và tối ưu hóa năng lượng trong các nhà máy, công trình, văn phòng;
 
- Đánh giá và quản lý phát thải carbon của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất;
 
- Thùng rác thông minh phân loại rác tại nguồn;
 
- Giải pháp thiết kế và lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhanh, gọn nhẹ, tải trọng thấp;
 
- Giải pháp xử lý chất thải sinh hoạt sáng tạo.
 
Vượt qua nhiều đội chơi đến từ các trường đại học, 8 đội xuất sắc đã bước vào vòng Chung kết. Sau 6 tuần nỗ lực thực hiện đề tài cùng khả năng thuyết trình đầy sức thuyết phục, 3 đội thi đã được Ban giám khảo trao giải thưởng cao nhất là:
 
· Giải Nhất: đội ENLIL với “Giải pháp chiếu sáng thông minh và bền vững” (sinh viên đến từ ĐH Duy Tân, ĐH Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội),
 
· Giải Nhì: đội tuyển với dự án “Xử lý rác thải hữu cơ bằng ruồi lính đen” (sinh viên đến từ ĐH Cần Thơ),
 
· Giải Ba: đội FWP với Sản phẩm “Máy xử lý thực phẩm thừa FWP” (sinh viên đến từ ĐH Duy Tân).
 
Cùng với các phần thưởng, 3 đội được trao cơ hội thực tập thực tế, vị trí ươm tạo dự án trực tuyến tại Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex (BBI), một chuyến tham quan và tổ hợp các hội thảo để phát triển bản thân.
 
Giải pháp “Chiếu sáng thông minh và bền vững” giành giải Nhất thuyết phục
 
Do tham gia với hình thức cá nhân nên khi được ghép vào 1 đội và lấy tên là ENLIL, 3 sinh viên gồm:
 
- Nguyễn Anh Khải Hoàn - ngành Điện Tự động, ĐH Duy Tân;
 
- Phạm Lê Ngọc Trâm - ngành Khoa học Vật liệu, ĐH Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh;
 
- Trần Đức Nguyên - ngành Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội
 
đã có không ít bối rối ban đầu. Tuy nhiên, cùng chung lĩnh vực học tập, niềm đam mê nghiên cứu và sự năng động của tuổi trẻ, 3 bạn sinh viên đã rất nhanh hiểu ý nhau và lên ý tưởng thực hiện dự án “Giải pháp Chiếu sáng thông minh và bền vững” để bắt nhịp cùng cuộc thi.
 
Sinh viên Đại học Duy Tân giành giải nhất và giải ba tại 'Sáng kiến Năng lượng Bền vững' 2021
Sinh viên Nguyễn Anh Khải Hoàn (ĐH Duy Tân) cùng Giải pháp “Chiếu sáng thông minh và bền vững” đã giành giải Nhất
 
Lựa chọn thực hiện đề tài này, đội ENLIL đã thiết kế và phát triển một hệ thống năng lượng tái tạo hỗn hợp bao gồm một tuabin trục đứng và các tấm pin mặt trời để tạo ra năng lượng điện, đồng thời, sử dụng năng lượng gió do các phương tiện tăng tốc cung cấp để chạy tuabin cả ngày lẫn đêm. Việc sử dụng cả năng lượng gió và năng lượng mặt trời để vận hành sản xuất điện đã tạo ra một lợi thế rất lớn. Điện từ hệ thống sẽ được ưu tiên sạc cho acquy, phần điện sản sinh còn dư sẽ thông qua một bộ chuyển đổi để dẫn vào mạng điện của cửa hàng và phục vụ cho các mục đích sử dụng khác. Chính điều này giúp giảm chi phí cho thiết bị lưu trữ cũng như khuyến khích về một tương lai sử dụng năng lượng bền vững.
 
Nguyễn Anh Khải Hoàn - thành viên đội giành giải Nhất đến từ ĐH Duy Tân chia sẻ: “Để thực hiện đề tài này, chúng em đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về năng lượng tái tạo cũng như các thiết bị, cơ cấu vận hành, cấu tạo - nguyên lý hoạt động của tuabin, nguyên lý hoạt động của đèn năng lượng mặt trời,… Do học ngành Điện Tự động nên em đã có sẵn các kiến thức về Điện và cũng dễ dàng triển khai đề tài. Điểm bất lợi khi làm đề tài là 3 sinh viên trong đội đến từ các trường khác nhau, chúng em chỉ có thể làm việc online với nhau. Do đó, chúng em phải tranh thủ thời gian sau các buổi học, thường là muộn sau 10 giờ tối mới có thể cùng nhau làm. Tuy nhiên, càng về cuối cuộc thi, cả 3 càng ăn ý nên đề tài triển khai rất thành công. Cả đội đều vô cùng vui mừng khi giành được giải cao nhất ở một cuộc thi rất ý nghĩa này.”
 
“Máy xử lý thực phẩm thừa FWP” chung tay bảo vệ môi trường xuất sắc giành giải Ba
 
Đội FWP với tất cả các thành viên đến từ ĐH Duy Tân do ThS. Phạm Ngọc Quang thuộc Trung tâm Điện-Điện tử (CEE) hướng dẫn, bao gồm:
 
- Nguyễn Văn Hoàng Long - ngành Cơ-Điện tử,
 
- Phạm Khắc Minh Đức - ngành Cơ-Điện tử,
 
- Nguyễn Thanh Hùng - ngành Cơ-Điện tử, và
 
- Nguyễn Minh Huy - ngành Quản trị Kinh doanh.
 
Trước khi triển khai sản phẩm “Máy xử lý thực phẩm thừa FWP”, đội đã đi tìm hiểu và được biết: mỗi ngày có 87% hộ gia đình thải hai đĩa thức ăn thừa, điều này gây lãng phí thực phẩm và góp phần làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, người chăn nuôi thường sử dụng đồ ăn thừa chưa qua xử lý cho lợn ăn, không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn cho tiêu hóa của vật nuôi cũng như của người tiêu dùng về sau. Vì vậy, các bạn đã lên ý tưởng thiết kế và chế tạo “Máy xử lý thực phẩm thừa FWP”.
 
Sinh viên Đại học Duy Tân giành giải nhất và giải ba tại 'Sáng kiến Năng lượng Bền vững' 2021
Đội FWP và các thành viên hỗ trợ thực hiện dự án
 
Các bạn sinh viên đã thiết kế một máy xử lý với chiều cao 80 cm, rộng 70 cm, có buồng nghiền thức ăn có thể chứa tới 16 kg thức ăn thừa. Thức ăn cho vào buồng chứa sẽ được nghiền trong vòng 30~45 phút. Máy tự động nghiền và loại bỏ nước tiết ra từ thực phẩm theo một hệ thống đường ống. Sau khi được nghiền nát, máy sẽ sấy khô toàn bộ thực phẩm thừa ở nhiệt độ 80 độ C trong vòng 3 giờ. Sau đó bộ phận xay mịn sẽ xay và trộn thực phẩm với một lượng vi sinh nhất định để tạo ra thành phẩm là các hạt cám mịn. Chỉ trong vòng 4 giờ, máy có thể xử lý tối đa 16 kg thức ăn thừa và cho ra được 4 kg thành phẩm. Hoàn thành xong các công đoạn, máy sẽ tự động ngắt.
 
Phạm Khắc Minh Đức - thành viên của nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho biết: “Hạt cám do máy tạo ra rất sạch và đảm bảo dưỡng chất, giúp cho lợn dễ tiêu hóa và đường ruột luôn sạch. Người chăn nuôi sẽ hoàn toàn yên tâm khi tự tạo ra nguồn thực phẩm cho vật nuôi bằng cách trực tiếp sử dụng máy. Như vậy, vật nuôi vừa được ăn thực phẩm sạch vừa tiết kiệm được chi phí đồ ăn chăn nuôi.”
 
Sinh viên Đại học Duy Tân giành giải nhất và giải ba tại 'Sáng kiến Năng lượng Bền vững' 2021
Sản phẩm “Máy xử lý thực phẩm thừa FWP”
 
Không chỉ giành giải Ba tại sân chơi này, sản phẩm “Máy xử lý thực phẩm thừa FWP” của đội FWP trước đó đã giành được khá nhiều giải thưởng khác, như:
 
· Giải Ba cuộc thi “Sáng kiến Năng lượng Bền vững 2021” của Tập đoàn New Energy Nexus,
 
· Lọt vào vòng Chung kết Hult Prize Impact Summit tại Tp. Hồ Chí Minh,
 
· Lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Nghiên cứu Khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng,
 
· Đại diện trường ĐH Duy Tân tham dự cuộc thi “Sinh viên Start Up” của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
 
· Giải Nhất Hult Prize On Campus tại ĐH Duy Tân,
 
· Giải Nhất Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Sinh viên do Khoa Cơ khí, Trường Công Nghệ thuộc trương ĐH Duy Tân tổ chức,
 
· Giải Ba Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Sinh viên tại ĐH Duy Tân.
 
“Tham gia mỗi cuộc thi do ĐH Duy Tân hay các tổ chức, đơn vị ngoài trường tổ chức đã mang đến cho chúng em rất nhiều kinh nghiệm, tiếp thu thêm kiến thức cũng như cơ hội được tiếp cận với các chuyên gia, doanh nghiệp đến chia sẻ kiến thức hay kết nối đầu tư. Chúng em cũng đang tập trung để dự thi tại vòng Chung kết Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học do Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng tổ chức với mong muốn hoàn thiện hơn nữa sản phẩm, để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, giúp người chăn nuôi yên tâm tạo ra thực phẩm sạch cho vật nuôi.”, Nguyễn Văn Hoàng Long - thành viên của đội cho biết thêm
 
ĐẠI HỌC DUY TÂN
 
-Top 500 Đại học Tốt nhất Thế giới theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) năm 2022.
 
-Top 700 Đại học tốt nhất Thế giới theo Xếp hạng của Shanghai Ranking năm 2021.
 
-Top 210 Đại học Tốt nhất Châu Á năm 2022 theo QS Asian University Rankings.
 
-Đại học thứ 2 của Việt Nam đạt kiểm định ABET của Mỹ, có nhiều kiểm định ABET nhất Việt Nam.
 
-Top 107 Thế giới trong xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi năm 2022 theo Times Higher Education (THE).
 
-Top 577 các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 theo U.S. News & World Report
 
-Xếp thứ 3 đại học của Việt Nam (thứ 1482 thế giới) trên bảng xếp hạng các Đại học trên Thế giới - CWUR.
 
-Xếp thứ 2/12 đại học của Việt Nam (thứ 770 thế giới) trên bảng xếp hạng theo Học thuật - URAP.
 
-Xếp thứ 2 của Việt Nam trên bảng xếp hạng Nature Index 2020.
 
-Xếp thứ 3 Việt Nam, 1466 Thế giới trên Bảng xếp hạng Website các Trường Đại học trên thế giới do Webometrics đánh giá và công bố vào cuối tháng 01/2021.
 
Ngành Khoa học Máy tính & Kỹ thuật có thứ hạng trong nhóm 301-400 Thế giới, Top 1 tại Việt Nam và Ngành Kỹ thuật Điện Điện tử có thứ hạng trong nhóm 401-500 Thế giới, đứng thứ 2 tại Việt Nam theo bảng xếp hạng Shanghai
 
(Nguồn:https://tienphong.vn/sv-dh-duy-tan-gianh-giai-nhat-va-giai-ba-tai-sang-kien-nang-luong-ben-vung-2021-post1397833.tpo)