Vừa qua,
dự án “Phát triển các cửa sổ điện hóa thông minh cho ứng dụng trong tiết kiệm năng lượng của tòa nhà và chắn nhiệt trên cửa ô tô” của nhóm nghiên cứu đến từ
Đại học (ĐH) Duy Tân đã nhận được tài trợ của Quỹ Đổi mới Sáng tạo VinGroup (VinIF).
ThS. Đặng Ngọc Sĩ và TS. Lê Hoàng Sinh (đứng thứ 2 và 3 từ trái sang) thuộc ĐH Duy Tân nhận tài trợ của VINIF
VinIF được Tập đoàn VinGroup thành lập vào năm 2019 với nhiệm vụ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đó, Quỹ sẽ ưu tiên tài trợ cho các nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ hiện đại liên quan đến: Dữ liệu Lớn (BigData), Trí tuệ Nhân tạo (AI), Học máy (Machine Learning) với định hướng đưa ra các sản phẩm, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Với các lĩnh vực khác, Quỹ xem xét và sẽ tài trợ cho các dự án thật sự đột phá và có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Năm nay, 28 dự án nhận tài trợ của VINIF thuộc nhiều lĩnh vực như: Khoa học Máy tính, Trí tuệ Nhân tạo, Tự động hóa, Năng lượng Tái tạo, Vật liệu thế hệ mới, Gen và Tế bào, ... được lựa chọn từ 139 hồ sơ gửi về.
Với mức tài trợ từ 2,5 đến 10 tỉ đồng cho mỗi dự án và giải ngân ngay trong tháng 10, các nhà nghiên cứu sẽ có nguồn kinh phí kịp thời để mua nguyên vật liệu, trang thiết bị, thực hiện công bố quốc tế và đăng ký sáng chế,…
Để nhận được tài trợ của Quỹ VINIF, các dự án phải đạt 5 tiêu chí gồm:
- Mức độ cần thiết của đề tài,
- Năng lực nghiên cứu của tác giả, cơ sở vật chất của đơn vị thực hiện,
- Tính sáng tạo, ý nghĩa khoa học,
- Tác động tới kinh tế - xã hội,
- Tính thuyết phục của mục tiêu cũng như giá trị khoa học-công nghệ của sản phẩm, dịch vụ.
- Các dự án được lựa chọn tài trợ trong dịp này đều có tính ứng dụng thực tiễn cao, có thể mang lại giá trị lâu dài cho xã hội.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu đang làm xáo trộn cuộc sống của người dân, đặt thách thức lớn lên tất cả các quốc gia trên thế giới, nhóm nghiên cứu của ĐH Duy Tân đã đề xuất phát triển các cửa sổ đổi màu thông minh mới có thể điều chỉnh ánh sáng trong và ngoài tòa nhà hoặc của các phương tiện ôtô. Đây là ý tưởng nhằm góp phần giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp với tiết kiệm năng lượng.
Qua nhiều vòng đánh giá, xét duyệt nghiêm ngặt của Hội đồng Khoa học, dự án "Phát triển các cửa sổ điện hóa thông minh cho ứng dụng trong tiết kiệm năng lượng của tòa nhà và chắn nhiệt trên cửa ô tô" của nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Duy Tân đã nhận được tài trợ của Quỹ VinIF, được thực hiện trong khoảng thời gian từ 1-11-2020 - 30-10-2022.
Hệ thống các phòng thí nghiệm tại ĐH Duy Tân hỗ trợ thực hiện dự án Cửa sổ Điện hóa Thông minh
Dự án này là sự kết hợp giữa công nghệ vật liệu trong chế tạo vật liệu đổi màu điện hóa mới và Internet vạn vật (IoT) trong phát triển hệ thống điều khiển thông minh. Hệ thống điều khiển thông minh này bao gồm:
- 1 mạch điều khiển,
- 1 phần mềm điều khiển,
- 1 ứng dụng Android/iOS.
Hệ thống kính thông minh có thể được điều khiển rất tiện lợi theo nhiều phương thức khác nhau như: thông qua bảng điều khiển trung tâm gắn tường, phần mềm trên máy tính, và ứng dụng trên điện thoại thông minh,... Hơn nữa, hệ thống kính thông minh cũng có thể hoạt động hoàn toàn tự động dựa vào các tín hiệu thu được từ các cảm biến cường độ ánh sáng và nhiệt độ được tích hợp.
TS. Lê Hoàng Sinh - Giám đốc Trung tâm Hóa học Tiên tiến, thuộc Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Cao, ĐH Duy Tân, Chủ nhiệm Dự án chia sẻ: "Quá trình thực hiện dự án này, nhóm nghiên cứu sẽ phải sử dụng các phòng Thí nghiệm Viễn thông Cao cấp, Phòng Thí nghiệm Vi điều khiển, Phòng Thí nghiệm Điện tử,... của nhà trường cùng các thiết bị của Trung tâm Hóa học Tiên tiến và một số thiết bị thuộc trung tâm Điện - Điện tử (CEE) của ĐH Duy Tân. Thay mặt nhóm nghiên cứu, tôi gửi lời cám ơn tới lãnh đạo trường ĐH Duy Tân trong nhiều năm qua đã ủng hộ đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho đề tài này và các đề tài khác của chúng tôi. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn Quỹ Nghiên cứu VinIF đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học có một môi trường nghiên cứu với nhiều điều kiện tốt để triển khai các dự án ở tầm cao. Cả nhóm sẽ nỗ lực đồng hành cùng nhau để hoàn thành tốt dự án này làm tiền đề phát triển các công nghệ liên quan trong tương lai."
Trước đó, nhiều sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao của cán bộ, giảng viên Đại học Duy Tân đã được chế tạo thành công có thể kể đến như:
- Ứng dụng 3D Giải phẫu toàn bộ Cơ thể Người và các Hệ liên quan (cho Y học), giành giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, được trao Danh hiệu Sao Khuê 2018;
- eCPR - "Ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D xây dựng hệ thống huấn luyện hồi sức tim phổi vì cộng đồng" được trao Danh hiệu Sao Khuê 2020;
- Máy thở dtu-VENT ver1, 2, 3 có đầy đủ chức năng của một máy thở y tế chuyên nghiệp, đáp ứng các thông số cấp cứu và điều trị bệnh nhân COVID-19, ...
ĐẠI HỌC DUY TÂN
* 1 trong 500 Đại học Tốt nhất Châu Á năm 2020 theo QS Ranking.
* Đại học thứ 2 của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định ABET của Mỹ.
* Xếp thứ 3/4 đại học của Việt Nam (thứ 1659 thế giới) trên bảng xếp hạng các Đại học trên Thế giới - CWUR.
* Xếp thứ 3/8 đại học của Việt Nam (thứ 1147 thế giới) trên bảng xếp hạng theo Học thuật - URAP.
* Xếp thứ 2 của Việt Nam trên bảng xếp hạng Nature Index 2019.
|
(Nguồn: https://tuoitre.vn/du-an-cua-dh-duy-tan-nhan-tai-tro-cua-quy-vinif-20201026100526899.htm?fbclid=IwAR2gPELuc4N6tKdeVCphpeWBiqW6-ycyoVqrs81vMupBsvDWHdfJC4Lictw)