Ngày 14/12/2019, Hội đồng bình chọn giải Quả cầu vàng 2019 đã đưa ra danh sách 10 gương mặt xuất sắc và ưu tú nhất được nhận giải thưởng này. Trong số đó, có TS. Trần Nguyễn Hải - Nhà khoa học của trường Đại học (ĐH) Duy Tân nhận được giải thưởng Quả cầu vàng 2019 lĩnh vực Công nghệ Môi trường. Khá bất ngờ khi TS. Trần Nguyễn Hải đang là thành viên Ban Biên tập của 12 tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus. Lựa chọn trở về Việt Nam làm việc với rất nhiều trăn trở và đam mê, cùng lắng nghe TS. Trần Nguyễn Hải chia sẻ về giải Quả cầu vàng 2019 cũng như công việc nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
PV: Vượt qua 45 hồ sơ đăng ký để lọt vào vòng bình chọn online với 20 ứng cử viên, TS. Trần Nguyễn Hải đã trở thành 1 trong 10 tài năng trẻ nhận giải Quả cầu vàng. Anh có thể chia sẻ niềm vui và cảm xúc khi nhận được giải thưởng danh giá này?
TS. Trần Nguyễn Hải: Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng là phần thưởng cao quý do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các tài năng trẻ (dưới 35 tuổi) có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học. Theo dữ liệu công khai của Ban tổ chức, chất lượng hồ sơ các ứng viên có sự đột phá qua các năm. Đặc biệt năm 2019, đa phần 20 ứng viên được bầu chọn có công bố rất tốt cả về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, được trở thành 1 trong 10 tài năng trẻ nhận giải Quả Cầu Vàng không chỉ là niềm vui và vinh hạnh của bản thân mà còn là một áp lực không nhỏ. Nhận được giải thưởng Quả Cầu Vàng đã khó, giữ được giá trị và danh tiếng của giải lại càng khó. Do đó, sau khi nhận giải, tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho khoa học nước nhà không chỉ qua các công trình trên các tạp chí đầu ngành mà còn có những nghiên cứu đi vào ứng dụng thực tiễn phục vụ đời sống người dân.
TS. Trần Nguyễn Hải và Hệ thống lọc độc chất asen trong nước ngầm
tại trường Mầm non Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
PV: Được biết, hồ sơ ứng viên chính là các nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam, Vương quốc Anh, Canada, Đan Mạch,... hay các công nhân viên chức, học sinh sinh viên có thành tích “khủng” trong nghiên cứu và học tập. Như vậy, thành tích nghiên cứu khoa học của anh phải rất đặc biệt và xuất sắc, thưa anh?
TS. Trần Nguyễn Hải: Được trao giải Quả cầu vàng thì có thể chắc chắn một điều rằng, tất cả 10 gương mặt đều phải rất xuất sắc và ấn tượng. Tuy nhiên, nói riêng bản thân mình thì tôi đang rất tự tin với thành tích nghiên cứu sau rất nhiều năm nỗ lực. Trong nghiên cứu khoa học, tôi đặt chất lượng lên hàng đầu. Điều này phản ánh qua số lượng các bài báo của tôi đều thuộc hạng cao nhất Q1 trong lĩnh vực theo WoS (29/50 chiếm gần 60%) và chỉ số trích dẫn (>1000 lần theo dữ liệu Scopus). Hiện tại, tôi đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đã xây dựng được một nhóm cộng tác gồm các Giáo sư và Phó Giáo sư ở các nước như: Úc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brasil, Iran, Nam Phi, Belarus, Algérie,... để cùng nhau chia sẻ ý tưởng và thực hiện các công trình nghiên cứu hữu ích cho cuộc sống.
Tiêu biểu có một số nghiên cứu tôi rất tâm đắc và được đồng nghiệp quan tâm. Trong đó có: “Mistakes and inconsistencies regarding adsorption of contaminants from aqueous solutions: A critical review” - được công bố trên tạp chí Water Research năm 2017, được trích dẫn trên 360 lần và hiện tại đang đứng ở vị trí số 2 trong top các Bài báo được trích dẫn nhiều nhất của tạp chí; “Thermodynamic parameters of cadmium adsorption onto orange peel calculated from various methods: A comparison study” được tạp chí Journal of Environmental Chemical Engineering bình chọn là một trong 8 công trình tiêu biểu về xử lý nước bằng công nghệ hấp phụ, được trích dẫn 145 lần và lọt vào top các bài báo được trích dẫn nhiều nhất của tạp chí,…
PV: Quả cầu vàng năm 2019 được xét theo hình thức bình chọn trực tuyến. Điều này sẽ tạo nên sự công bằng trong quá trình xét giải, thưa anh?
TS. Trần Nguyễn Hải: Ngay từ ban đầu, Ban Tổ chức đã thông báo việc bình chọn trực tuyến là 1 kênh tham khảo nhằm truyền thông và tạo sức lan tỏa ra cộng đồng. Sau khi kết thúc bình chọn online, Hội đồng sẽ họp và xem xét kỹ lưỡng để chọn ra các tài năng trẻ xứng đáng với giải. Mình rất tâm đắc với cách làm việc của Ban Tổ chức và Hội đồng xét giải. Trước khi đưa ra danh sách 20 ứng viên để bình chọn online, hội đồng đã xem xét rất kỹ từng hồ sơ (đặc biệt là đánh giá từng công trình), sau đó gửi lại thông tin để 20 ứng viên cập nhật lại hồ sơ cho thống nhất. Mình chỉ có một kiến nghị nhỏ là trong năm tới, Ban Tổ chức có thể: (1) hướng dẫn chi tiết hơn cách phân hạng tạp chí (Q1-Q4) là theo hệ Web of Science hay hệ Scimago, và (2) xem xét tác giả chính bao gồm tác giả liên hệ, tác giả đứng đầu và trong danh sách tác giả.
TS. Trần Nguyễn Hải là thành viên Ban Biên tập chính thức
của 12 tạp chí quốc tế thuộc Danh mục ISI và Scopus
PV: Không chỉ là người rất đam mê nghiên cứu và đạt được thành tích tốt, hiện tại anh còn đang là thành viên ban biên tập của 12 tạp chí Quốc tế. Anh có thể chia sẻ công việc của bản thân khi là thành viên Ban biên tập các tạp chí quốc tế uy tín?
TS. Trần Nguyễn Hải: Được đứng vào hàng ngũ Ban biên tập của các tạp chí quốc tế uy tín là một điều vinh hạnh cho bất kỳ nhà khoa học nào. Vì trước hết ứng viên phải là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu của họ. Chuyên gia này phải được cộng đồng khoa học trong cùng lĩnh vực công nhận (phản ánh qua số lượng và chất lượng công trình của ứng viên, qua chỉ số trích dẫn các công trình sau khi công bố). Một yếu tố khác là ứng viên phải có kinh nghiệm làm Nhà bình duyệt cho nhiều tạp chí quốc tế uy tín. Thông thường thành viên Ban biên tập của một tạp chí quốc tế là được mời từ Nhà xuất bản (NXB) hoặc Tổng biên tập hoặc được giới thiệu từ các chuyên gia trong lĩnh vực. Tuy nhiên, các ứng viên có thể tự liên hệ và thảo luận với Tổng biên tập của tạp chí kèm theo bản CV cá nhân, đây cũng là cách làm mà tôi lựa chọn.
Hiện tại, mình là thành viên Ban biên tập cho 12 tạp chí quốc tế chuẩn ISI và Scopus. Trong đó có tạp chí Water Science and Technology thuộc NXB của Hiệp hội Nước Quốc tế (IWA) và tạp chí Current Pollution Reports thuộc NXB Springer là 2 tạp chí uy tín điển hình trong lĩnh vực. Các tạp chí này có yêu cầu khắc khe về quy trình gửi bản thảo nên chất lượng các công trình đăng trên tạp chí này rất cao và rất có uy tín. Qua mỗi năm, số lượng bản thảo gửi đến các tạp chí uy tín tăng cao do đó tỷ lệ từ chối đăng bài thường dao động từ 50%-80%. Điều này đòi hỏi thành viên Ban biên tập phải làm việc công tâm trước quyết định nhận hay từ chối bản thảo. Những bản thảo có nội dung nghiên cứu không mới và số liệu quá ít, văn phong không hay sẽ bị gửi trả lại. Việc mời nhà Bình duyệt cũng là một việc phải suy nghĩ thấu đáo. Trước mỗi bản thảo, tôi sẽ mời từ 6-8 chuyên gia đánh giá. Sau khi nhận được ít nhất 2 bản nhận xét đảm bảo chất lượng như mong đợi từ 2 Nhà bình duyệt độc lập, tôi sẽ quyết định tác giả được cơ hội chỉnh sửa (revised) hay từ chối đăng bài (rejected).
Chỉ số trích dẫn và H-index của TS. Trần Nguyễn Hải theo dữ liệu Scopus (ảnh trên) và
công trình được tạp chí Journal of Environmental Chemical Engineering lựa chọn là 1 trong 8 công trình có tác động lớn đến chuyên ngành xử lý lý nước bằng công nghệ hấp phụ
PV: Được biết, tại ĐH Duy Tân anh đang triển khai rất nhiều các nghiên cứu về môi trường, anh có thể chia sẻ nhiều hơn về các nghiên cứu này, thưa anh?
TS. Trần Nguyễn Hải: Tìm đến ĐH Duy Tân, tôi kỳ vọng về một địa chỉ làm việc năng động và mới mẻ để khuyến khích các nhà khoa học phát huy năng lực bản thân. Tôi nhận thấy ĐH Duy Tân đang có sự quan tâm rất lớn đầu tư cho nghiên cứu khoa học cũng như có những chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học để công bố các công trình chất lượng. Tại đây, tôi đang triển khai nhiều công trình nghiên cứu trong đó có làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu tiên tiến (cacbon hình cầu/hydroxide cấu trúc lớp kép) ứng dụng trong xử lý nước ô nhiễm” do Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (gọi tắt là Quỹ NAFOSTED) tài trợ. Mục tiêu chính của dự án này là phát triển vật liệu tiên tiến có khả năng xử lý tốt các chất ô nhiễm trong môi trường nước cùng lúc.
Trước đó, công trình “Laterite as a low-cost adsorbent in a sustainable decentralized filtration system to remove arsenic from groundwater in Vietnam” đăng trên tạp chí đầu ngành Science of The Total Environment đã đi vào giai đoạn triển khai ứng dụng tại Việt Nam. Với công trình này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một hệ lọc asen As trong nước sử dụng vật liệu tự nhiên (với giá thành rẻ và nguồn cung dồi dào) tại địa phương với quy mô công suất 500 L/h được lắp đặt tại trường mầm non Hoàng Tây, tỉnh Hà Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng As tổng trong nước ngầm tại điểm thí nghiệm dao động từ 122 μg/L 237 μg/L, vượt xa chuẩn cho phép theo khuyến cáo của tổ chức thế giới WHO là 10 μg/L. Tuy nhiên, hàm lượng độc chất As tổng trong nước sau khi qua hệ lọc dao động từ 1.69 μg/L đến 9.50 μg/L. Vật liệu đá ong liệu trong hệ lọc được thiết kế có thể hoạt động tốt trong khoản thời gian 6 tháng với tổng lượng nước được xử lý đạt khoản 240 m3 và giá thành xử lý là khoản 2.000 đồng/m3. Đặc biệt, chất lượng nước sau khi được xử lý bằng hệ lọc đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT).
Hiện công nghệ xử lý arsen này đã được chuyển giao cho công ty để chế tạo hệ thống xử lý asen trong nước ở quy mô phân tán, phù hợp với hộ gia đình (với giá khoảng 2 triệu đồng một tủ lọc gia đình) và các công trình công cộng địa phương như trường học, trạm y tế. Tuy nhiên, trên thực tế amoni và asen thường cùng tồn tại ở nồng độ khá cao trong nước ngầm. Do đó, giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu về hướng xử lý đồng thời cả amoni và asen trong nước ngầm bằng công nghệ hấp phụ. Dự án này vẫn đang được triển khai và tôi hy vọng sẽ đóng góp sức mình góp phần hỗ trợ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại một cuộc sống tốt đẹp cho người dân.
PV: Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh.
(Truyền Thông)