Các nhà khoa học thuộc
khoa Môi trường và Công nghệ Hóa,
Đại học (ĐH) Duy Tân đã khảo sát thực tế, đánh giá mức độ sạt lở cũng như truy tìm nguyên nhân của hiện tượng sạt lở sông Thu Bồn.
Nhiều vùng đất bồi màu mỡ, vốn là nguồn sống bao đời nay của người dân ven sông Thu Bồn, thuộc địa bàn các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng, trùng hợp vào đúng khoảng thời gian nhiều doanh nghiệp tiến hành khai thác cát ồ ạt tại khu vực sông này, đã khiến người dân đặt nhiều câu hỏi nghi vấn về nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở dọc bờ sông Thu Bồn. Trước hiện trạng này, các nhà khoa học thuộc khoa Môi trường và Công nghệ Hóa ĐH Duy Tân đã khảo sát thực tế, đánh giá mức độ sạt lở cũng như truy tìm nguyên nhân của hiện tượng.
Các tàu khai thác cát (hình trên) và tập kết cát (hình dưới) trên sông Thu Bồn
Các khảo sát cho thấy đoạn sông chảy qua địa bàn xã Điện Quang, Điện Trung, huyện Điện Bàn đang bị sạt lở rất nghiêm trọng. Tiết diện sông bị trượt và đất cát ven bờ bị sụt xuống sông để lộ ra những vách đất cao đến 3-4m, cá biệt có nơi tới 5m. Chân tiết diện sông tại nơi bị sạt lở thường rỗng và vùng nước bên cạnh điểm sạt lở là rất sâu, dao động từ 5 đến 10m. Hiển nhiên điều này dẫn đến việc đất cát ven bờ phải bị sụt xuống sông nên quá trình sạt lở vẫn đang tiếp diễn chứ chưa dừng lại.
Các điểm sạt lở này rất gần với khu vực có các tàu thuyền chuyên khai thác cát đang hoạt động nên việc chân tiết diện bị rỗng có thể khẳng định là có liên quan trực tiếp đến hoạt động khai thác trầm tích tại đây.
Trực tiếp đi khảo sát trên sông Thu Bồn, TS Nguyễn Thị Minh Phương - Trưởng khoa Môi trường và Công nghệ Hóa, ĐH Duy Tân cho biết: "Qua khảo sát khu vực sạt lở bên bờ sông Thu Bồn thuộc địa bàn xã Điện Quang, Điện Trung, tôi thấy rằng nguyên nhân trực tiếp gây ra sạt lở đất tại đây có thể quy về hoạt động khai thác cát ồ ạt tại khu vực. Cũng trên cơ sở những hiểu biết của tôi về lưu vực sông Thu Bồn, tôi cho rằng sẽ không khách quan nếu bỏ qua một số nguyên nhân khác. Được biết, thượng nguồn sông Thu Bồn có phát triển hệ thống thủy điện bậc thang lớn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hệ thống này đã chặn dòng chảy, đồng thời làm mất nguồn cung trầm tích cho vùng hạ lưu sông. Đó cũng là một nguyên nhân có thể nói là gián tiếp góp phần gây ra hiện tượng sạt lở nêu trên" .
TS Nguyễn Thị Minh Phương (trái) cùng các nhà nghiên cứu khảo sát trên sông Thu Bồn
Ngày 3.11, UBND Thị xã Điện Bàn đã ký quyết định thành lập Trạm Kiểm soát liên ngành khoáng sản Điện Bàn do Công an Điện Bàn làm trưởng đoàn. Trước sự quyết liệt và làm việc nghiêm túc của công an, tình trạng khai thác trái phép trên sông Thu Bồn nói riêng và trên địa bàn xã Điện Bàn nói chung đã không còn nữa. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác và vẫn đang tiếp tục hoạt động. Tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn vẫn đang diễn ra phức tạp.
Dành tâm huyết cả cuộc đời cho các hoạt động bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, các nhà khoa học thuộc Khoa Môi trường và Công nghệ Hóa thuộc ĐH Duy Tân vừa đứng lớp giảng dạy vừa triển khai các nghiên cứu khoa học với mong muốn áp dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình vào thực tế cuộc sống để giải quyết các vấn đề nổi cộm của xã hội liên quan đến môi trường. Rất nhiều nghiên cứu đã được triển khai, và đạt hiệu quả nhất định như:
- Xử lý rác thải sinh hoạt,
- Xử lý nước thải dệt nhuộm,
- Xử lý nước thải thủy sản,
- Đánh giá chất lượng môi trường biển sau sự cố Formosa,
- …
hay gần đây nhất là các nghiên cứu, tư vấn cho thành phố về các vấn đề đang gây bức xúc công luận tại Đà Nẵng như: Sạt lở, xói mòn bãi biển; Nhiễm mặn nước ngầm;…
(Nguồn:https://thanhnien.vn/giao-duc/nha-nghien-cuu-truong-dh-duy-tan-nhan-dinh-nguyen-nhan-sat-lo-song-thu-bon-1159445.html)