Tham gia Hội nghị Khoa học “Ứng dụng Công nghệ Sinh - Y sinh trong điều trị Y khoa lâm sàng” lần 1 năm 2019, Đại học Duy Tân đã ghi dấu ấn với giải Nhì của TS. BS. Hoàng Hà - Viện phó Viện Nghiên cứu & Đào tạo Y - Sinh - Dược cùng đề tài “Nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi từ khỉ sang người ở vùng biên giới Việt Nam - Lào”. Đây là 1 trong 12 đề tài chất lượng nhất được chọn lọc từ hơn 100 nghiên cứu khoa học gửi về Hội nghị.
TS. BS. Hoàng Hà báo cáo tại Hội nghị
Hội nghị Khoa học “Ứng dụng Công nghệ Sinh - Y Sinh trong điều trị Y khoa lâm sàng” lần 1 năm 2019 do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ Thành Đoàn Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Bệnh viện Quân y 7A và Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp. Hồ Chí Minh tổ chức trong 2 ngày 29 và 30/3/2019 nhằm tạo cơ hội giao lưu và chia sẻ học thuật giữa các nhà khoa học về thực trạng ứng dụng Công nghệ Sinh - Y Sinh trong điều trị Y khoa lâm sàng tại Việt Nam. Hội nghị đã chọn ra 40 báo cáo chất lượng để đưa vào sách kỷ yếu do Nhà Xuất bản Khoa học Kỹ thuật phát hành và 12 đề tài tốt nhất trong số đó để báo cáo tại Hội nghị.
Một góc phòng thí nghiệm Sinh học phân tử tại ĐH Duy Tân
Nhận được thư mời từ Hội nghị, TS. BS. Hoàng Hà đã tham dự và tham gia báo cáo đề tài “Nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi từ khỉ sang người ở vùng biên giới Việt Nam - Lào”. Trong nhiều năm nghiên cứu, TS. BS. Hoàng Hà đã nhận thức rõ mối đe dọa nghiêm trọng của bệnh sốt rét ở vùng biên giới thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Kông đối với sức khỏe của người dân tộc thiểu số. Từ trước đến nay, nguyên nhân chủ yếu của bệnh sốt rét tại Việt Nam là do nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax. Năm 2007, lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện ra loài ký sinh trùng mới Plasmodium knowlesi ở Ninh Thuận (Việt Nam). Ngay sau đó, TS. BS. Hoàng Hà đã phát hiện ra loài Plasmodium knowlesi cũng xuất hiện tại vùng biên giới giữa Quảng Trị (Việt Nam) và Savannakhet (Lào).
Ghi nhận của Hội nghị trước nghiên cứu của TS. BS. Hoàng Hà
Một cuộc điều tra cắt ngang tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng sốt rét trong cộng đồng dân cư dọc biên giới Việt Nam - Lào nhanh chóng được TS. BS. Hoàng Hà thực hiện. Các mẫu máu người được thu thập từ Savannakhet (Lào) và Quảng Trị (Việt Nam) trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2010 đã được đưa vào xét nghiệm và đã phát hiện ra loài ký sinh trùng sốt rét mới Plasmodium knowlesi. TS. BS. Hoàng Hà đã áp dụng kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) nhắm vào gen RNA ribosome 18S và gen protein cyclsporozoite để xác định loài Plasmodium và đã thu được nhiều kết quả.
Đề tài đã nhận được phản ứng tích cực tại Hội nghị bởi việc lần đầu tiên TS. BS. Hoàng Hà cùng các nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản và Lào đã cùng nhau tìm thấy loài Plasmodium knowlesi tại vùng biên giới giữa 2 tỉnh Savannakhet (Lào) và Quảng Trị (Việt Nam) đồng thời phát hiện sự lây lan rất nhanh tại biên giới 2 nước này đã đặt ra một thách thức lớn trong việc ngăn chặn quá trình lây lan ký sinh trùng từ khỉ sang người cũng như có vai trò quan trọng đối với chương trình Phòng chống sốt rét quốc gia của cả 2 nước.
Nhìn lại quá trình thực hiện nghiên cứu, TS.BS. Hoàng Hà chia sẻ: “Chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của Ủy ban Y tế Việt Nam - Hà Lan và một số trường đại học ở Nhật Bản đã hỗ trợ kinh phí và giúp phân tích xác định loài ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi. Ngoài ra, sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ nhân viên của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị, Việt Nam và Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Savannakhet, Lào và các tình nguyện viên đã giúp chúng tôi hoàn thành nghiên cứu thuận lợi. Đây là một nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn không chỉ trong việc tìm hiểu về sự lây lan của một loài ký sinh trùng nguy hiểm, giúp xác định tỷ lệ mắc bệnh và đóng góp cho công cuộc phòng chống sốt rét, mà còn củng cố tình hữu nghị, hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị của Việt Nam - Lào - Nhật Bản.
Tôi luôn mong muốn được trở lại vùng này để nghiên cứu về một số bệnh, dịch bệnh lây truyền qua biên giới và sự tồn tại của loài ký sinh trùng sốt rét này trong giai đoạn hiện nay; đồng thời tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật sinh học phân tử trong phát hiện và chẩn đoán sớm các loại bệnh. Hy vọng những nghiên cứu của tôi sẽ giúp ích cho nền y học Việt Nam nói riêng và các nước nói chung.”