Trailer những hình ảnh trong phim ngắn lịch sử "Những cánh én đầu tiên"
“Ngày 3.4.1965, Mỹ tiến hành chiến dịch Sấm rền nhằm đánh phá các mục tiêu giao thông quan trọng, cắt đứt đường vận chuyển, tiếp viện từ miền Bắc vào miền Nam VN. Một trong những mục tiêu đánh phá quan trọng nhất mà Mỹ nhắm tới là cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Tại đây, Không quân VN đã có trận đánh trên không đầu tiên với lực lượng không quân Mỹ”. Những cánh én đầu tiên đã bắt đầu như vậy.
Đầy xúc cảm với biên đội “én bạc”
Phim ngắn tái hiện bối cảnh nhóm các phi công trẻ trên những chiếc MiG17, hay còn gọi là “Én Bạc” giao tranh với đối thủ vượt xa mình cả về mặt số lượng lẫn kỹ thuật, khí tài là F100 và F105 của Mỹ. Biên đội MiG17 đã biến điểm yếu thành yếu điểm, bằng cách tận dụng khả năng cơ động của MiG17, tốt hơn so với đối thủ khi ở vận tốc thấp, dùng súng đại bác 23 mm và 37 mm ở cự ly gần và dùng chiến thuật đánh du kích... Những người tiên phong của lực lượng Không quân nhân dân VN và những chiếc “Én Bạc” của họ đã thành công trong trận giáp mặt với máy bay Mỹ, thế nhưng chiến thắng này đã phải trả bằng cái giá đắt...
Chia sẻ về Những cánh én đầu tiên, Nguyễn Văn Trường Sơn, Trưởng dự án Không chiến Việt Nam, cho biết: “Không phải là loại phim có kết cấu nhân vật, kịch tính, cũng không phải là thể loại phim được xây dựng theo bố cục, nhưng từ những hình ảnh về trận chiến, những chia sẻ của người trong cuộc là thế hệ phi công một thời, chúng tôi muốn tìm cách truyền cảm hứng về thể loại phim lịch sử đến các bạn trẻ”.
Phim có hai mảng, thứ nhất là bản phim hành động ngắn tái hiện một cách sinh động trận đánh bảo vệ cầu Hàm Rồng của Không quân VN năm 1965 dưới góc nhìn điện ảnh. Đó là hình ảnh chiến đấu của Biên đội Trần Hanh gồm 4 chiếc tiêm kích MiG17 do các phi công Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm cầm lái. Sau trận đánh, chỉ một mình phi công Trần Hanh sống sót, cũng chính là người bắn rơi máy bay Mỹ và tìm mọi cách bảo toàn chiếc MiG17 của mình bằng cách hạ cánh bằng bụng xuống mặt ruộng... Mảng thứ hai được chính những nhân chứng một thời chia sẻ đầy cảm xúc, đầy chân thực, trên nền hình ảnh tái hiện để thấy tính ác liệt của trận giao tranh. “Chúng tôi chọn cách thể hiện phim tài liệu lịch sử dùng kỹ xảo hiện đại, hình ảnh hấp dẫn để thu hút các bạn trẻ. Hình ảnh, âm thanh chân thực sẽ tạo cảm xúc thay cho những đoạn số liệu lịch sử khô khan. Ẩn đằng sau hình ảnh trận chiến là lòng quả cảm của phi công MiG17...”, tiến sĩ Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, Chủ nhiệm dự án phim tài liệu Không chiến Việt Nam, cho biết.
Chân dung 4 phi công lái Biên đội máy bay tiêm kích MiG17 bảo vệ cầu Hàm Rồng
Ấn tượng từ trailer
Trailer 2’27’’ của phim ngắn được ra mắt với hình ảnh biên đội MiG17 của VN cất cánh, dàn trận trước sự áp đảo của không lực Mỹ, với những đợt cắt bom xuống cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) phô trương thanh thế của đối phương và chiến lược ứng phó khôn ngoan của những chiếc MiG17, lòng quả cảm của thế hệ phi công Việt đầu tiên. Ngay khi vừa ra mắt, trailer Những cánh én đầu tiên đã có hơn 700.000 lượt view, gần 16.000 lượt chia sẻ. Đặc biệt là gần 3.000 lượt bình luận như: “Nên làm những phim như thế này mà chiếu rạp, để cho thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử nước ta”, “Hình ảnh, kỹ xảo đẹp, hào hùng. Cứ làm phim lịch sử dạng này rồi chiếu cho học sinh xem thì đảm bảo lứa trẻ yêu lịch sử ngay”, “Nhìn MiG17 cất cánh thấy đầy cảm xúc và nổi da gà...”, “Rất hào hứng chờ ngày phim ra rạp. Tự hào quá VN ơi”, “Xem trailer thôi mà tự dưng rơi nước mắt...”...
Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), nơi diễn ra trận không chiến lịch sử ẢNH: AN QUÂN
Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo cho biết đằng sau lưng dự án Không chiến Việt Nam là một ê kíp làm phim theo xu hướng VFX (kỹ xảo) với gần 20 thành viên của Xưởng phim Én Bạc (Trường ĐH Duy Tân), xưởng phim được Cục Điện ảnh VN cấp phép hoạt động từ năm 2014. Đó là những bạn trẻ luôn đau đáu với thể loại phim lịch sử Việt được thể hiện một cách hiện đại, hấp dẫn, chân thực..
(Nguồn:https://thanhnien.vn/gioi-tre/nguoi-tre-an-tuong-phim-khong-chien-viet-nam-1039850.html?fbclid=IwAR1UYTBcx-2-18idANYJVhb5x5aL5Or_REQyY8S1LzBnpYZDqjM6tjoKNc4)