Sáng ngày 19/11/2018, Đại học Duy Tân phối hợp với Đại học Seirei Christopher - Nhật Bản tổ chức buổi tập huấn về Công tác Xã hội và Hỗ trợ tự chăm sóc sức khỏe. Với chuyên môn và kinh nghiệm nhiều năm làm việc cũng như giảng dạy trong lĩnh vực chăm sóc phúc lợi, TS. Ueda Yutarou cùng TS Noda Yukari đã mang đến cho sinh viên ngành Điều dưỡng Đa khoa - Đại học Duy Tân những kiến thức và thông tin nghề nghiệp bổ ích.
TS. Ueda Yutaro chia sẻ thông tin tại buổi tập huấn
Tại buổi tập huấn, TS. Ueda Yutaro đã nói về nhu cầu của công việc chăm sóc cho người cao tuổi đối với những quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi tăng cao theo từng năm như ở Nhật Bản và Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Nhật Bản năm 2010 là 22,7%, ước tính đến 2025 tăng lên 29,3%; ở Việt Nam năm 2010 là 6% và đến 2025 là 11,7%. Trước tốc độ già hóa dân số, việc Chăm sóc hỗ trợ tự lập (khôi phục tính tự lập và chăm sóc cho người cao tuổi) ngày càng được quan tâm ở Nhật Bản. Theo TS. Ueda Yutaro: nước, dinh dưỡng và sự tự lập trong các hoạt động của người cao tuổi là những yếu tố rất quan trọng, quyết định đến việc cải thiện sức khỏe và tinh thần của họ. Dẫn chứng về sự thành công của công tác Chăm sóc hỗ trợ tự lập, TS. Ueda Yutaro đã đưa ra nhiều trường hợp điển hìn. Đó là người bệnh khi mới được đưa đến cơ sở chăm sóc vẫn cần dùng đến thuốc hỗ trợ tiêu hóa, người giúp đỡ đi lại, thức ăn phải đưa qua đường ống thông,... thì đến khi vào cơ sở được 3 tháng đã có thể tự chống gậy đi được, không cần dùng thuốc, bỉm,...
Đông đảo sinh viên Điều dưỡng tham gia buổi tập huấn
Bên cạnh đó, TS. Noda Yukari đã chia sẻ thêm nhiều thông tin bổ ích về công việc Chăm sóc cho người cao tuổi tại Nhật Bản cũng như vai trò và những kỹ năng cần có của người thực hiện công việc này. TS. Noda Yukari đã chỉ ra rằng: Để “đọc vị” suy nghĩ của những người cao tuổi, các điều dưỡng viên phải hiểu được ý nghĩa của nụ cười, các cử chỉ như tại sao người già lại khoanh tay hay đút tay vào túi? Những dấu hiệu nào sẽ cho biết người già đang cảm thấy thế nào hay mong muốn điều gì?,... Và khi hiểu được những điều đó, các điều dưỡng viên cần làm gì để có thể giúp những người già cảm thấy thoải mái nhất, vui vẻ nhất.
Sinh viên Nguyễn Thị Tú Uyên (Lớp K23 YDD2) cho biết: “Qua những chia sẻ của các giảng viên Nhật Bản, em đã hiểu hơn về những yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai nhất là trong công tác chăm sóc người cao tuổi. Từ đó biết được mình còn thiếu gì, cần bổ sung gì để có thể trau dồi thêm. Ngoài ra, qua sự hướng dẫn của các giảng viên, chúng em cũng biết được cách sử dụng những thiết bị hay dụng cụ y tế phù hợp cho từng trường hợp để công tác chăm sóc đạt được hiệu quả tối ưu.”
(Truyền Thông)