Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam phối hợp với Tạp chí Tia Sáng công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành. Kết quả bước đầu cho thấy có những bất ngờ.
Đây là lần đầu tiên một bảng xếp hạng tổng thể đại học Việt Nam được xây dựng và công bố bởi một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam, nhìn chung, cho đến nay, đại học Việt Nam chưa được xếp hạng một cách định lượng. Trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics..., Việt Nam chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách Top 1.000. Trong khi đó, bảng xếp hạng phân tầng đại học thành ba hạng theo Nghị định do Chính phủ ban hành từ năm 2015 cũng chưa thấy được công bố.
Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam gồm sáu người: TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng); TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách DEPOCEN (đồng chủ biên báo cáo); TS Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, Chủ tịch Công ty GiapGroup (đề xuất dự án xếp hạng); TS Ngô Đức Thế, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Manchester, Anh; Thạc sĩ Trần Thanh Thủy, nhà nghiên cứu tại DEPOCEN; Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh tại Đại học East Angila, Anh, đã tiến hành đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Trong lần đầu công bố, nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014.
Kết quả xếp hạng đại học của nhóm được cho là có những bất ngờ. Các ĐH quốc gia và ĐH vùng có lịch sử lâu đời, quy mô lớn đều đứng ở thứ hạng cao. 3 trong tổng số 5 trường top đầu là các đại học quốc gia và vùng ở trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội (số 1), Đại học Đà Nẵng (thứ 4) và Đại học Quốc gia TPHCM (số 5).
Trong Top 10 trường hàng đầu còn có sự góp mặt của các đại học lớn khác là Học viện Nông nghiệp (thứ 3), Đại học Cần Thơ (thứ 6), Đại học Bách khoa Hà Nội (thứ 7), và Đại học Sư phạm Hà Nội (thứ 10).
Đặc biệt, một số trường đại học trẻ, ít được biết đến hơn lại chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng, bao gồm trường Đại học Tôn Đức Thắng (thứ 2) và trường Đại học Duy Tân (thứ 9).
Các trường đại học thuộc khối kinh tế có tiếng lâu nay và là lựa chọn của nhiều sinh viên giỏi đều có xếp hạng trung bình, như Đại học Ngoại thương (thứ 23), Đại học Thương mại (thứ 29), Đại học Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40).
Nhóm Xếp hạng ĐH cho rằng, sự hiện diện của các trường này trên những ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt. Các trường này muốn vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng thời gian tới, cần vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là công bố quốc tế. Bảng xếp hạng cũng cho thấy, sức ép cạnh tranh sẽ khiến các trường ĐH không dựa được vào ánh hào quang “truyền thống” mà đầu tư theo chiều sâu vào nghiên cứu và nâng cao chất lượng giáo dục.
(Nguồn:https://laodong.vn/giao-duc/bat-ngo-ket-qua-xep-hang-truong-dai-hoc-viet-nam-lan-dau-cong-bo-563054.ldo)